Tin Vui Chay 3B – THỜI ĐIỂM CHIM KHÔNG BIẾT BAY

Người mình vẫn tự coi là con của chim Tiên, mà sao có điều lạ là tự đáy lòng mỗi người đều cảm thấy một cái gì chận lại khiến không làm sao bay lên nổi, hoặc là mỏi mệt rã cánh không muốn bay nữa. Chắc phải có lý do sâu xa của nó?

Du Tử Lê trong bài thơ ”Lưu Vong Khúc” đã diễn tả cái cánh mỏi này khi chứng kiến những màn lố lăng của cảnh đổi đời:

Chính vì tan tác nên nhăng nhố
Đến cả sân chơi cũng bẩn rồi
Cố mà chơi nốt trò chơi dở
Đến lúc đi thì đi thảnh thơi…
Bạn nói thêm chi về mối nhục,
Ta hiểu vô cùng chuyện áo cơm.
Mặc ai khất thực mà vênh váo
Luýnh quýnh canh thừa, ngố chợ đông…

KHI CHIM BỊ  RẮN THÔI MIÊN

Trong cuốn Xả Buông Nỗi Sợ (Let go of Fear) tác giả Carlos Valles đã kể lại việc chứng kiến một cảnh thật xẩy ra khi ông đang đi trong khu vườn bên bờ rừng Ấn Độ. Hôm đó ông tình cờ thấy một con chim đang đậu trên cành. Thân nó cứng đờ ra như bị thôi miên. Nó muốn bay lên mà bay không nổi. Và cái mỏ nó run lẩy bẩy đập vào nhau không cách nào hót nổi. Ông lấy làm lạ về hiện tượng này, nên chú tâm tìm hiểu. Thì ra lý do kia rồi. Ở mãi xa dưới gốc cây, một con rắn rung chuông đang cất cao cổ như toan tính phóng lên. Con rắn biết sức mạnh của nó. Con chim có cả một bầu trời thênh thang mà không thể nào thoát nổi. Thấy cảnh tượng tội nghiệp, Carlos Valles liền ho lên mấy tiếng . Con rắn thấy tiếng động của loài người liền rụt cổ xuống và có vẻ thèm thuồng và tức bực bò đi. Còn con chim thì vừa sực hoàn hồn. Nó vừa thấy một điều mà trong cơn sợ hãi tột cùng nó đánh mất. Đó là kiến tính, là phút giây bỗng thấy được sự thật, thấy được niềm tin vào chính mình, là nhận ra rằng con rắn ở xa như vậy, mà nó thì có cánh. Chỉ cần vỗ cánh bay lên là con rắn hết đường làm ăn.

Giờ đây con chim thảnh thơi như tìm lại được đôi cánh. Nó hân hoan hót vang làm vui cả một bầu trời và thênh thang bay vút lên thật nhẹ nhàng.

CHỜ ĐÓN MÙA HOA

Trina Paulus với cuốn sách tu đức bán chạy nhất trong nhiều năm liền: Hope For the Flowers, tạm dịch là Chờ Đón Mùa Hoa. Cái đặc biệt của cuốn sách này là rất ít chữ mà chỉ có hình vẽ thôi. Mà lại toàn là hình sâu róm, sợ quá!

Con sâu róm sinh ra trên một cành cây trong một ”gia đình êm ấm”. Một hôm nó nhận ra mình đã trưởng thành, cần ”đi xuống cuộc đời”. Và nó đã bò xuống. Nó lấy làm lạ là tại sao nó toàn gặp những con sâu đang đi hối hả về phía trước. Nó hỏi đi đâu, thì những chú sâu không có giờ trả lời, chỉ ngoắc tay thật nghiêm trọng. Nó cũng sinh tò mò đi theo. Một lúc lâu thì nó thấy một cái cột thật cao, ngọn chạm tới trời. Nhìn kỹ hơn, nó nhận ra đó là một cái cột toàn sâu lúc nhúc đang chen nhau bò lên. Nó hỏi trên đó có gì thì không đứa nào trả lời. Thấy đông đứa hăm hở như vậy chắc là có gì hồ hởi lắm. Vậy là nó cũng hòa mình vào đám đông ”ai sao tôi dzậy” mà cố sức leo lên, đạp văng nhiều thằng khác mà đạt mục tiêu. Lên đến lưng chừng thì nó ”thấm mệt cuộc đời”, ”ngựa nản chân bon”, bèn nghĩ chuyện bỏ cuộc. Chắc là chả có gì đâu. Và nó bò được xuống đất. Hú hồn.

Nhưng rồi nó đâm hồ nghi chính nó. Hay là mình chẳng giống ai. Nó quan sát thấy ”người ta” miệt mài tranh nhau bò lên thế kia, ắt là phải có cái gì chứ. Thế là nó lại ra sức trèo lên một lần nữa. Lần này nó hung hãn hơn trước. Đấm đá kỹ hơn. La hét kỹ hơn. Tỏ ra ta đây lắm. Và cuối cùng nó đã leo lên được đỉnh cao chót vót. Nhưng cũng chính là lúc nó thất vọng nhất. Chẳng có gì. Thì ra cái cột ”danh vọng” cuộc đời này được tạo bằng chính những con sâu. Nhìn sang rừng cây bên canh, nó thấy một đàn bướm đủ màu tung tăng vỗ cánh thảnh thơi. Nó có dịp ”tĩnh tâm” để phát giác một điều lạ là ở cành cây đang đeo lủng lẳng những cái tổ kén. Một vài con sâu đang chịu nằm trong “mồ tối” đó. Ở một tổ khác nó thấy rõ một con bướm vừa bung ra. Thì ra cái tổ kén là nơi con sâu chịu bị vùi giập để lột xác.

Đúng rồi. Nó là ”con của chim Tiên”.  Mặc dù đang thấy hiện trạng là con sâu, nhưng nó biết bản chất của nó là có thể mọc cánh thành bướm bay lên được. Với điều kiện nó phái lột xác. Tiến trình thật gay go. Nhưng đâu còn con đường nào khác nữa!

TIN VUI GỬI NHỮNG CÁNH CHIM RÃ MỎI

TÌM MÌNH Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện

Quả thực, mình không bay lên nổi, không vươn lên được, trước hết là vì bị những thống khổ cuộc đời đánh cho mờ cả mắt, tối tăm mặt mày! Người ăn đòn lại sinh hung hãn đấm đá gỡ gạc chôm chỉa cho bớt tủi, cho vơi nỗi sầu, bớt trống rỗng hụt hẫng, thành ra cái vòng hệ lụy nghiệt ngã hành hạ đầy đọa nhau không lối thoát. Việc gỡ gạc chôm chỉa như kiếp sâu phát sinh như một phản ứng tự động từ trong máu, cho nên ngay cả những sinh hoạt tôn giáo cũng có thể bị làm cho méo lệch thành nơi kiếm chác chút phù du thay vì tìm được đường giải thoát thảnh thơi. Đức Giêsu đã có lần cảnh cáo mạnh tay với những hạng người này: “Đừng làm nhà  Cha ta thành nơi buôn bán” (Gioan 2:16).

Hành động của Đức Giêsu như một chấn động mạnh có sức thay đổi cả một lối nhìn và một lối sống, làm nên một cuộc hoán cải tận gốc rễ (metanoia). Mình không thể tiếp tục đi con đường hiện tại chỉ khiến mình lệt bệt không vươn lên được mà còn làm khổ nhiều người. Và cuộc lột xác lúc này thật cần thiết, dám bắt đầu lại.

Xả buông là một bí mật của đời sống. An Nguyên đã tâm sự trong “Bí Tích Buông Ra”: “Khi mùa thu đến, nhiều lúc tôi muốn ôm lấy thân cây, tựa đầu vào chúng và hỏi xem chúng cảm thấy thế nào khi bị mất mát, khi phải từ bỏ, khi chịu trơ trụi và đứng chờ đợi để được đong đầy lại. Nghe thì đơn giản, thật dễ dàng, nhưng thực tế lại rất khó…

Từ từ, chậm rãi,
Nàng ăn mừng “Bí Tích Buông Ra”.
Trước hết, nàng bằng lòng
để màu xanh thắm của nàng phai đi,
đổi thành màu cam. màu vàng và màu đỏ;
Cuối cùng là màu nâu, màu úa;
Và nàng buông ra chiếc lá cuối cùng.
Bị tước đoạt trơ trụi, nàng đứng lặng im.
Đứng dựa vào bầu trời mùa đông…
Nàng đứng nhìn chiếc lá cuối cùng rời nàng
nhẹ nhàng rơi xuống đất.
Nàng đứng lặng im,
mặc một màu trống rỗng trơ trụi.
Là cành cây, nàng tự hỏi:
Những chiếc lá bỏ đi hết rồi,
Tôi còn cho bóng mát thế nào được,
không lẽ tôi trở nên vô ích từ đây?!

Ban mai và hoàng hôn nhìn nàng âu yếm. Chúng củng cố niềm hy vọng của nàng. Chúng giúp nàng hiểu rằng sự phụ thuộc và cần thiết của nàng, sự trống rỗng và sẵn sàng đón nhận của nàng sẽ đem lại cho nàng một vẻ tươi đẹp mới. Mỗi ngày nàng kiên nhẫn, vui vẻ đứng “Bí Tích Chờ Đợi”.

Bầu trời mùa xuân nhẹ tới, đem lại cho nàng sự tươi mát, thoải mái. Và từ từ nàng nhìn thấy những cành cây khô cằn bật lên những chồi non, rồi lá xanh. Một sức sống mới bừng lên, một niềm tin mới xác quyết. Nàng nhảy mừng cử hành “Bí Tích Sự Sống”.

Này nhé: Sâu có thể trở thành bướm. Những mô đất đá cằn cỗi nay bỗng bật lên những mầm nụ mới. Vậy tại sao con người lại không được như thế, cứ cố bám lấy lớp dầy vỏ cứng khiến đời sống mỗi ngày mỗi tàn tạ?! Nhà thơ Luân Hoán thấy cảnh như vậy liền cất lời tự tình:

Cám ơn đất đá trổ thơ
Lòng ta hạt bụi vu vơ bám hoài.

Liệu tôi đã bắt đầu dám lột xác vươn mình lên hay vẫn tiếp tục bám vào lớp bụi bặm phù du tự đầy đọa mình và làm khổ nhiều người? Những gì tôi đang cần xả bỏ để bắt đầu sống thảnh thơi hơn? Và tôi muốn đổi lời thơ Luân Hoán thành lời phản tỉnh cho chính mình:

Cám ơn đất đá trổ hoa
U mê hạt bụi lòng ta bám hoài.

Trích từ “Khúc Sáo Ân Tình” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau