Phanxicô Assisi

Khi nghe tên hay thấy hình ảnh của Phanxicô Assisi (Phanxicô Khó Nghèo), nhiều người trong chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi thánh nhân này. Vì lẽ đó, khi nghĩ đến Phanxicô, chúng ta thường nghĩ về một con người đem sự bình an, yêu thương, chan hoà giữa con người với nhau và giữa con người với vạn vật trong vũ trụ. Phanxicô trở nên biểu tượng  cho các cuộc đối thoại nhằm tìm giải pháp hoà bình, tranh chấp không những giữa các tôn giáo với nhau mà con giữa các nhà chính trị. Phanxicô còn lá biểu tượng và mẫu gương cho nhiều nhà từ thiện trong việc giúp đỡ người nghèo đói trong xã hội. Vậy Phanxicô đã có cuộc sống như thế nào? Ngài đã hành động ra sao đến nỗi tầm ảnh hưởng của Ngài vẫn còn diễn ra cho đến hôm nay, sau hơn tám thế kỷ?!

* * *

Nếu Con Thiên Chúa không ngần ngại đến và sống với thế giới vật chất đổ nát này, thì tôi là ai mà dám khước từ chạy trốn khỏi thế giới vật chất này?

Phanxicô sinh vào năm 1182 tại Assisium, một thị trấn nhỏ toạ lạc trên dãy đồi Assisi trong một gia đình thương gia giàu có tại Ý. Dầu được người cha cưng chiều và được hướng dẫn để tiếp nối trở thành một thương gia giàu có, Phanxicô đã không tìm được ý nghĩa đích thực của đời mình qua tiền bạc, giàu sang, và thú vui trần thế. Nhưng Phanxicô đã thực sự tìm được hạnh phúc đời mình khi chàng từ bỏ địa vị, sự an toàn của bản thân, và danh tiếng của gia đình để sống và làm bạn với những người ăn xin, ôm ấp và chăm sóc người phong hủi. Kết quả của sự dấn thân “liều mạng” này chính là bị khước từ quyền làm con của ông Peter Bernardon, và từ một chàng thanh niên giàu có đã trở thành kẻ ăn mày bên vệ đường. Đặc biệt từ trong cầu nguyện, Phanxicô đã nghe được tiếng Chúa trong nguyện đường rách nát St. Damian, “Phanxicô, hãy sửa nhà cho Ta.” Từ đó, Phanxicô càng dấn thân hơn nữa để sống theo giá trị của Tin Mừng một cách tuyệt đối. Lạ lùng thay, càng làm người ăn mày, càng làm người chăm sóc bệnh nhân, càng làm người đi xin từng đồng xu để xây dựng Nhà Chúa, Phanxicô càng có nhiều bạn và càng thu hút nhiều người theo Phanxicô. Sức mạnh này từ đâu? Lý do nào mà Phanxicô có sức thu hút lạ thường như thế?

Bàn về thần học, Phanxicô chú trọng vào mầu nhiệm Giáng Sinh hơn là mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh. Đối với Phanxicô, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là hệ quả tất yếu của mầu nhiệm Giáng sinh làm người của con Thiên Chúa. Đương thời, nhóm dị giáo Cathars thuộc phái Nhị Nguyên cho rằng,  thế giới vật chất mà con người đang sống là do thần dữ (ma quỉ) và thần lành tạo dựng. Vì thế, những gì mà con người đang hưởng thụ trong một thế giới vật chất này đều của ma quỉ. Để cứu con người, Thiên Chúa gởi thiên thần Giêsu đến để giải thoát con người ra khỏi thế giới vật chất này. Vì cho rằng thế giới này rách nát và sa đoạ, nên nhóm Cathars chủ trương triệt để khước từ thế giới vật chất và những đau khổ trong thế giới con người. Họ quan niệm rằng, bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo đói là hậu quả của thế giới vật chất này, nên không thể chấp nhận chúng được! Vậy mà Phanxicô lại đi ôm và hôn người phong hủi! Vậy mà Phanxicô lại đi làm bạn với vạn vật cây cỏ và gọi những thụ tạo là anh chị em! Hành động dấn thân của Phanxicô đã phủ nhận học thuyết của dị giáo Cathars.

Phanxicô ôm trọn con người và thế giới vạn vật là vì Phanxicô được mặc khải tình yêu của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhậm Thể và Nhập Thế của con Thiên Chúa. Khi chiêm niệm mầu nhiệm Giáng Sinh, Phanxicô đã đi vào cung lòng của Thiên Chúa khi thấu chạm được rằng mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Thiên Chúa là hành động tuyệt đối biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Chúa Giêsu đã ôm hôn thế giới tội lỗi này bất chấp sự ghê tởm của nó. Chúa Giêsu đã sống và làm người trong thế giới này bất chấp sự mục nát và suy đồi của nó. Đây chính là sức mạnh then chốt mà Phanxicô đã tìm gặp để dấn thân. Nếu Con Thiên Chúa đã không ngần ngại ôm hôn thế giới này, thì tôi là ai mà không ôm hôn và chăm sóc anh em tôi? Nếu Con Thiên Chúa không ngần ngại đến và sống với thế giới vật chất đổ nát này, thì tôi là ai mà dám khước từ chạy trốn khỏi thế giới vật chất này? Nếu Con Thiên Chúa đã tự hạ mình để chấp nhận làm người rách nát trong máng cỏ của chiên bò, thì tôi là ai mà không hạ mình xuống phục vụ anh em đồng loại rách nát như tôi? Chiêm ngắm sự hạ mình khiêm tốn của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Giáng Sinh đã biến đối con người Phanxicô: Từ một người giàu có thành kẻ ăn mày, từ một người làm chủ thành kẻ tôi tớ, và từ một người ăn chơi sung sướng trở thành kẻ nô lệ và tù nhân cho một Thiên Chúa vô hình.

Trong bài cuối của loạt bài học hỏi về đức khiêm tốn, chúng ta được mời gọi nhận diện về giá trị và sức mạnh của sự khiêm tốn vốn thật sâu thẳm và huyền nhiệm; vì thế, tự khả năng con người không thể có được. Chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa qua cầu nguyện và chiêm niệm. Có lẽ, những vấp ngã hằng ngày của chúng ta cũng phần nào giúp ta thấm thía nhìn nhận rằng: Tôi thật yếu đuối. Nhưng cũng có thể nhờ những vấp ngã này, chúng ta mới thấy rằng mình cần Chúa biết bao!

Br. Huynhquảng

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau