Luyện được con mắt thứ ba

Người Ấn Độ thường chấm một điểm trên trán giữa hai con mắt để diễn tả con mắt thứ ba, là thần nhãn, thấy được những gì mà hai con mắt thịt vẫn nhìn mà không thấy.

Hồi còn là sinh viên, trong lớp tôi cũng có mấy anh bạn người Ấn. Có lần tôi đã trót dại đi nhạo báng mấy tên này vì cái trò ăn bằng tay có vẻ mất vệ sinh, nhất là khi ăn cà ri thì nhoe nhoét quá chừng. Tôi khơi mào bằng chuyện “bước tiến hóa tất yếu của lịch sử” văn minh loài người, rằng cứ xem cách ăn thì biết một sắc dân đã văn minh tới cỡ nào. Này nhé: ăn bằng cả mười ngón tay là thuộc thời còn trong hang hốc rừng rú; người da trắng văn minh hơn một tí thì đã biết mặc quần áo và ăn bằng xiên tức là bốn ngón; còn người Việt thì chỉ dùng có hai ngón mà thôi, tức là dùng đũa. Văn minh chưa?
Nghe tôi cười nhạo như vậy mà tên người Ấn không tỏ dấu tức giận gì, nhưng cứ bình tĩnh đợi cho tôi nói cho đã rồi mới từ từ nói lại: “Này bạn, khi ba mình trao cho mình một món quà, thì bạn lấy hai cái gậy mà khều hay lấy bốn cái que mà chọc? Tôi thì tôi chẳng dám thế. Tôi sẽ cung kính giơ hai bàn tay ra mà lãnh nhận với lòng biết ơn. Người Ấn chúng tôi thấy mọi sự đều là ơn Trời ban: từng hơi thở, từng miếng ăn, từng ngụm nước, từng hạt cơm. Ăn cũng là một nghi thức đấy.”

Đang hí hửng đắc thắng, tôi im bặt ngay, thấy thẹn trong người. Phục tên này quá sức. Đúng là họ có con mắt thứ ba vẽ tượng trưng ở trán. Chẳng lạ gì nhiều nhà khảo cứu đã từng nói tới hạch tuyến Pituitary và Pineal ở chính điểm trên.

CÁI THẤY CỦA CON KIẾN

Một con kiến đang bò trên mặt một tờ giấy, ra sức bò từ đầu này sang đầu kia. Một người đứng quan sát nó bò như vậy vừa tới đầu bên kia thì liền nẩy ra ý vui vui là gấp tờ giấy lại cho đầu và cuối trang giấy giáp vào nhau. Con kiến lấy làm lạ là nó bỗng gặp lại chỗ nó đã khởi hành mà không hiểu tại sao.

Đối với con kiến thì thế giới của nó là cái mặt phẳng hai chiều: chiều ngang và chiều dọc. Nó không thể hiểu và thấy được chiều kích thứ ba gọi là hình học không gian: chiều đứng. Đối với nó thì “thế gian” chỉ vỏn vẹn trong tầm mắt trên tờ giấy. Nếu có người bỏ một miếng mỡ nhỏ vào trên mặt giấy thì nó khoái trá mò đến kiếm ăn khen ngon rốt rít, nhưng nó không thể hiểu miếng mỡ từ đâu tới. Đối với nó, việc miếng mỡ “hiện ra” trên mặt giấy là một phép lạ. Hình ảnh này cũng giúp hiểu một điều xem ra rất mâu thuẫn trong đạo là việc tin Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa hằng hữu, “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” và việc Chúa hiện ra. Chúa vẫn luôn ở đây chứ, nhưng chỉ thấy Chúa “hiện ra” thực khi nhìn với con mắt trong một chiều khích cao hơn mắt con kiến, vẫn được gọi là con mắt thứ ba, con mắt của tâm.

Chúng ta vẫn thường nói: Mặt trời mọc và mặt trời lặn. Sự thật có phải vậy đâu. Nói như thế cũng giống như con ếch ngồi đáy giếng bảo trời đất chỉ bằng cái vòng tròn trên miệng giếng kia. Cho đến thời Isaac Newton bỗng thấy một sự thật khác qua chuyện nhìn trái táo rụng mà “thấy” được, phát minh ra định luật về trọng lực.

Quả thực, Newton và Descartes đã ghi mốc cho một nền văn minh gọi là khoa học kỹ thuật từ Âu Châu tiến đến tột đỉnh ở Mỹ như ngày nay. Sự vật được nhìn như những “thực thể” hoàn toàn vật chất tách rời biệt lập, để được đo lường cân lượng, để trở thành những kết luận, những định luật, định lý.

Cái nhìn và cái thấy mới, được gọi là “văn minh” này, có thể diễn tã đơn giản là con kiến trước đây chỉ biết bò trên mặt phẳng, bây giờ biết bò trong một cái hộp vuông có chiều đứng. Nó bèn vênh mặt lên tự hào đã bá chủ được “vũ trụ.” Cho đến một hôm nó cố gắng mò mẫm bò lên được mặt trăng, chưa kịp gáy để khoe mẽ thì bỗng dưng cụt hứng khi nhìn về trái đất và thấy một sự thật khác: tất cả những đo lường, những dinh thự chọc trời, những bon chen ở dưới kia sao mà nhỏ bé li ti một cách tội nghiệp đến thế! Rồi nhìn ra chung quanh: vũ trụ bao la với triệu thái dương hệ, có những ngôi sao vừa ra đời, có những ngôi sao đang bay vào hố đen thăm thẳm gọi là “black hole.” Con người bằng ấy năm “văn minh” mà sao lệt bệt quá vậy? Cứ tưởng tượng xem: văn minh gì mà cứ phải bò lết trên mặt đường bằng những phương tiện mà loài người gọi là xe hơi, dù là xe láng hay xe sắp ra nghĩa địa.

Mà cả trái đất cũng là một phi thuyền đang bay vào khoảng trống vô biên, đang chuyển vào ngàn năm mới. Một đời người sống hai chục năm hay tám mươi tuổi nhìn lại cũng chỉ là một khoảnh khắc hết sức tương đối. Ôn lại lịch sử con người từ cái ngày còn ở trong hốc đá cho đến khi biết mặc quần jean, mấy ngàn năm tưởng như một nháy mắt. Cuối một thế kỷ, cuối một ngàn năm, cuối một vòng xoay của một chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, những sinh vật gọi là loài người ngồi tính sổ, rốt cuộc rồi cũng thấy mọi thành quả đỉnh cao, mọi tiến bộ tất yếu chỉ là chuyện nhảm nhí. “Con kiến” mang mặt người như vừa thức tỉnh vượt lên khỏi cảnh “ếch ngồi đấy giếng” với một cái nhìn mới trong một chiều kích mới.

TIN VUI GỬI NGƯỜI ĐANG BỊ QUẨN

Nhiều người vẫn có cảm tưởng mình bị nhốt giam tù túng trong một cái bị thịt, con mắt không sao mà nhìn cao và xa hơn được. Ngay cả về thể lý, con mắt mình chắc chắn là không sáng bằng đôi mắt chim cú, không tinh và đầy quyền năng như con rắn nhìn chú gà con, không đơn thành trong sạch bằng đôi mắt bồ câu, không nhìn xa được bằng mắt chim phượng. Người ta đã từng khám phá ra mắt con ruồi có tới ba ngàn lăng kính, chính xác hơn ống kính nổi tiếng nhất thế giới ngày nay như Zeiss, Leica… Người ta vẫn đổ tội cho ông A-đam và E-và tham ăn tham uống mà con mắt thứ ba là hạch tuyến Pituitary và Pineal bị vít lại, nên hóa ra mù tối mất đi chất sáng nguyên thủy. Nhưng thực ra thì những chuyện lắng lo lẩm cẩm hằng ngày của mỗi người bây giờ càng ngày càng che lấp tầm mắt chẳng còn có thể nhìn thấy gì nữa. Cộng thêm vào đó là những ham hố, những tham vọng, những bon chen, khiến cho con mắt càng bị che phủ mờ mịt đi. Nhìn lên chỉ thấy ganh tị chưa bằng người; nhìn xuống chỉ thấy những vênh mặt tự đắc; nhìn gần chỉ toàn thấy những gì đòi nợ và những bon chen hơn thiệt triền miên, đau khổ vật vã với những giằng co đi vào đường cùng. Đúng là quẩn quá! Đến một khoảnh khắc sực tỉnh mình bỗng thấy tầm mắt mở rộng, thoát ra khỏi những chặn vít thường ngày:

Con mắt nhìn lên trời cao xanh ngát
Con mắt nhìn xuống biển rộng bao la
Con mắt nhìn gần quên điều nhỏ nhặt
Con mắt nhìn xa chợt thấy quê nhà.
(thơ Nguyễn Khánh Hòa)

PHÚT TỊNH TÂM

Hòa mình vào hình ảnh Chúa Giêsu lên Trời, mỗi người sực nhận ra một chiều kích mới: Con người có thể vượt lên khỏi cái bị thịt vốn giới hạn nhốt giam mình trong không gian và thời gian. Chúa Giêsu đã làm người, đã trở thành một A-đam mới, con người kiểu mẫu mới, và đã vươn tới vô hạn. Người tin đạo nhận được tin vui lớn là nhìn thấy được Ngài ngay bên cạnh đây lúc này. Trong 33 năm làm người ở Do Thái, Ngài cũng từng bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong thời gian đó, nếu Ngài đang ở Giêrusalem thì không thể nào lại có thể có mặt tại Nagiarét, phương chi là ở New Orleans sau gần hai ngàn năm trước. Lên Trời là vượt qua tất cả những giới hạn đó để có mặt mọi nơi, mọi lúc. Đây đúng là một Tin Vui lớn. Sách Tông Đồ Công Vụ kể rõ: “Ngài được cất lên trước mắt các môn đệ, và một đám mây che phủ Ngài khuất mắt các ông.” Cũng như trong một quán ăn trên đường Emmaus, Chúa Giêsu cũng biến đi như vậy: “Khi ngồi vào bàn ăn với hai môn đệ, Người cầm lấy bánh, đọc kinh cầu phúc, rồi bẻ bánh trao cho họ. Con mắt họ chợt bừng mở, nhưng khi họ vừa nhận ra Người thì Người đã biến mất dạng không còn thấy đâu nữa” (Luca 24,30-31). Mắt đây chính là hai con mắt thịt bị che đi để con mắt thứ ba, con mắt của niềm tin mở ra, thấy được Chúa vẫn luôn ở với mình và trong mình mọi nơi mọi lúc như Ngài đã phán: “Con ở trong chúng và Cha ở trong con. Và con yêu thương chúng như Cha đã yêu thương Con.” Lên Trời hay biến đi không phải là chạy đâu xa, mà là hiển hiện vào trong tâm mỗi người. Chính vì thấy được như vậy mà các tông đồ đã trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng, rồi bung đi khắp thế giới loan báo Tin Vui cho thời đại mới. Xin Chúa cho con cũng thấy được Chúa đang ở ngay đây. Phút giây lắng đọng này chính là lúc con được khai mở con mắt thứ ba mà tâm nguyện với Chúa qua Thánh vịnh 139:

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
Biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa.
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét.

Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con
Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,
Quá cao vời, con chẳng vươn tới.

Trích từ “Nhịp Múa Sông Thanh”
Tác giả: Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau