Đức Giêsu Kitô, nạn nhân đền tội

Thứ Sáu, tuần hai Mùa Thường Niên
Thánh Martinô I, Giáo hoàng, tử đạo

Cv5,34-42
Ga 6,1-15

Lời Chúa

1Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: 9“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! ” 15Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Đức Giêsu Kitô, nạn nhân đền tội

Để hiểu được tính cách đền tội trong cái chết của Đức Giêsu, cần phải đặt câu hỏi về những mối liên hệ vốn có giữa một bên là sự lên án Ngài và bên kia là những hành vi của Ngài. Đức Giêsu đã không rao giảng về chính bản thân Ngài, nhưng về Thiên Chúa, Cha Ngài, về triều đại của Người gần đến, về tình yêu phụ tử của Người. Nhưng chính bản thân Ngài cũng liên can rất nhiều trong sứ điệp đó.

Vì nội dung sứ điệp của Ngài là vậy, nên không thể tránh được việc chính Ngài bị đồng hóa thành Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu biết rằng tất cả những gì Ngài làm phù hợp hoàn toàn với thánh ý Thiên Chúa, Ngài cũng biết rằng mình là Đấng Trung Gian của Nước Trời đang đến và của Lòng Thương Xót Chúa.

Càng loan báo nhân danh Thiên Chúa rằng Triều Đại Người gần đến, càng tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh nhân, Đức Giêsu càng bị nghi ngờ là lạm dụng uy quyền của Thiên Chúa và chiếm chỗ của chính Thiên Chúa.

Điều này giải thích sự mơ hồ sâu xa mà người đồng hương của Ngài cảm nhận về cuộc đời tại thế của Ngài. Mặc dù uy quyền của Đức Giêsu hoàn toàn phát xuất từ việc Ngài nói về Thiên Chúa, Ngài vẫn bị nghi ngờ là phạm thượng, bị kết án là tay khuấy động và bị hành quyết.

Kurt Koch
Le Credo des chrétiens (Éditions Saint Augustin)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau