Chúa Nhật II Phục Sinh. Kính Lòng Chúa thương xót, 07/04/2024
ĐƯỢC THƯƠNG XÓT VÀ BIẾT THƯƠNG XÓT

Lời Chúa: Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31

Suy Niệm: ĐƯỢC THƯƠNG XÓT VÀ BIẾT THƯƠNG XÓT

Lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa và lòng sùng kính này được loan truyền rất nhanh, tuy dù chỉ mới được thiết lập vào năm 2000. Đây không phải là một phong trào Công Giáo Tiến Hành được tổ chức quy mô với thủ bản hướng dẫn được soạn thảo kỹ lưỡng. Dường như lòng sùng kính này chỉ dừng lại ở lòng đạo đức bình dân, mang tính tự phát nhiều hơn. Thế mà nó phát triển khá mạnh! Tại sao vậy? Phải chăng con người, nhất là thời đại hôm nay, cảm nhận mình cần đến lòng thương xót?! Đúng là cuộc sống của con người ngày nay thiếu lòng thương xót khá trầm trọng! Nhưng câu hỏi khác có thể được đặt ra: Tại sao nơi những người sùng kính lòng thương xót của Chúa vẫn có thể sống thiếu lòng thương xót cách vô tư?! Phải chăng thiếu sự liên kết giữa tình trạng được Chúa thương xót và thái độ biết xót thương người khác?!

Thánh lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa được quy định vào Chúa Nhật sau lễ phục sinh, tức là Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Và như thế, lòng thương xót này gắn liền với niềm tin vào sự phục sinh của Chúa. Sách Công Vụ ghi rằng các tông đồ rao giảng về việc phục sinh của Chúa đồng thời cũng ghi nhận cách sống của cộng đoàn tiên khởi này là chia sẻ nhu cầu vật chất cho nhau giữa mọi tín hữu. Thánh Gioan cũng khuyên nhủ tín hữu rằng: ai yêu mến Đấng sinh thành thì cũng yêu thương những người được Đấng ấy sinh ra, và ngược lại, bằng chứng của lòng yêu thương dành cho con cái Thiên Chúa lại là lòng yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ giới răn của Người (1Ga 5,1-2). Vậy thì hai lòng yêu mến này gắn bó với nhau cách chặt chẽ đến độ không có lòng yêu mến này thì cũng chẳng có lòng yêu mến kia! Tin vào sự phục sinh của Chúa thì cũng làm theo lệnh truyền của Chúa là loan báo ơn tha thứ thần linh.

“Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7)

Niềm tin vào sự phục sinh khiến tín hữu thấy chuyện chia sẻ cho nhau là đương nhiên, thấy chuyện chấp nhất nhau là nhỏ nhen và phi lý! Tin rằng Chúa phục sinh thì cũng có nghĩa là tin chính mình và mọi người đều được Thiên Chúa tha thứ. Vậy thì tại sao tôi có thể không tha thứ cho người khác được?!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau