Tin Vui Phục Sinh 5B – THỜI ĐIỂM BỊ ĐỨT RỄ

Đầu tháng 4 năm 1997 ở Chicago, vụ một bé gái 9 tuổi người Mỹ đen bị một thanh niên Mỹ đen khác hành hạ hết sức tàn ác và man rợ may được phát hiện kịp thời đưa đi nhà thương cứu cấp đã gây chấn động nơi tập thể Mỹ đen. Hóa ra nhiều đứa choai choai Mỹ đen chỉ có mẹ mà không có cha, không có ngày mai, không còn một ý thức tối thiểu về luân lý, mất luôn cả bản tính loài người ở ngay trong xã hội văn minh nhất loài người. Những lãnh tụ nổi tiếng như Jesse Jackson và Louis Farakhan đã đến thăm viếng và dám nói lên tệ trạng của cộng đồng Mỹ đen. Năm 1995, Farakhan đã điều động một cuộc diễn hành một triệu người đàn ông Mỹ đen, kêu gọi lớp người Mỹ gốc Phi Châu hãy dám đối diện với tình trạng đứt rễ của mình và dám bắt đầu ngẩng mặt lên tiến thân chen chân với những sắc dân khác, chứ không chịu cúi đầu thua kém mặc cảm hoài khiến sinh ra tàn tệ như hôm nay.

Phim Gốc Rễ (Roots) từ cuốn truyện của Alex Haley đã tác động người Mỹ đen rất nhiều, và cũng là dịp cho người Mỹ trắng nhận diện tội ác và thái độ kỳ thị bệnh hoạn một thời. Trong phim có đoạn diễn tả truyền thống đặt tên cho con thật cảm động thời cha ông người Mỹ đen còn ở Phi Châu. Người cha bế đứa con vừa sinh ra ngoài sân ban đêm nhìn lên bầu trời đầy sao. Ngước nhìn lên cao, người cha nói với đứa con về mơ ước vào đời, rằng con cố mà vươn lên con nhé, con không thể sống tầm thường lệt bệt ở mặt đất được.

Bây giờ nhiều đứa không còn cha thì lấy ai mà chỉ cho thấy ước mơ ngoài việc canh chừng để trao thuốc xì ke và lý tưởng không lớn hơn đôi giầy Nike Air và chiếc quần Zinco rộng thùng thình chẳng giống ai!

Gia tài quí nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con là cái gốc và đôi cánh, chứ không nhất thiết là những đồng bạc trong ngân hàng. Đúng là như một thân cây, chỉ có thể tươi tốt đơm bông kết trái khi nối vào được gốc rễ và có hướng lý tưởng vươn tới. Còn gắn được vào gốc rễ thì còn nhựa sống, còn hồn, còn tinh thần.

CÂU TRUYỆN MẤT HỒN

Trong cuốn Hồn Nước với Lễ Gia Tiên, triết gia Kim Định kể một câu truyện về một người bán mất hồn mình.

Ở Prague có một sinh viên nghèo đang lâm vào bước quẫn bách quá không biết tìm đâu ra tiền.  Quỉ liền hiện đến đề nghị cho anh một món tiền kếch xù với điều kiện là nhường lại tất cả những gì anh có trong phòng.  Ngỡ là điều kiện gì chứ cái đó thì anh không cần suy nghĩ vì tất cả cơ đồ của anh chỉ là một cái ghế bố đã thủng với một cái gương mẻ, vài đồ chơi rẻ tiền.  Quỉ cứ việc mang tất cả đi và để tiền lại đó cho anh.  Nhưng trước khi đưa đi quỉ bảo anh soi vào gương một cái.  Đang khi anh soi thì quỉ làm dấu, bóng anh biến đi và quỉ  đem các đồ dông tuốt, để lại tiền cho anh sinh viên no sống cuộc đời đế vương, không thèm chú ý chi tới chuyện xảy ra nữa.  Anh chỉ thấy hơi phiền một chút là lúc soi gương cạo mặt, không thấy mặt trong gương nữa.  Tuy thế, đó là sự bất tiện nhỏ nhoi không đáng quan ngại, nhất là khi người ta có đủ tiền để thuê người cạo mặt.

Nhưng một ngày kia vì có chuyện bất bình với em rể không sao giàn hòa được nên phải hẹn đánh nhau để phân phải trái.  Bố vợ can ngăn hết lời vô ích nên chỉ xin anh đừng có giết em.  Điều đó thì  anh chịu liền, vì thực bụng chính anh cũng không muốn giết em rể, mà chỉ có ý làm sầy da một chút gọi là đắc thắng, bởi đắc thắng có nghĩa là đắc lý.  Vì thế, anh lấy danh dự hứa với bố vợ sẽ không giết em.

Khi ngày quyết đấu tới anh lên xe để đến chỗ hẹn ở bên ngoài thành.  Dọc đường xe gẫy bánh, anh phải xuống đi bộ một quãng xa, nên không tới đấu trường kịp giờ.  Khi gần tới nơi, anh thấy một người cầm gươm đi lại để đón anh, mặt mày có vẻ giống anh như hệt và đang chùi sạch cây gươm còn nhỏ máu.  Thấy thế, anh liền giật mình nhận ra đó chính là cái hồn của anh mà anh đã vô tình bán cho quỉ, và nay có thể là quỉ sai về giết hại em mình.  Nghĩ thế anh liền chạy vội đến đấu trường thì quả đúng rồi, xác em rể đã nằm chết xõng xoài, máu tuôn ra lai láng.  Anh buồn muốn ngất xỉu:  không những vì thương em, nhưng vì còn thẹn với bố vợ là thất hứa…  Thật là mọi sự đã xảy ra ngoài ý muốn của anh, chỉ vì một cử chỉ coi như vô thưởng vô phạt:  nhường tấm gương soi mặt cho quỉ, mà khiến nên nông nỗi đau thương.  Đành rằng đời sống vật chất của anh có lên cao, nhưng nếu nghĩ đến cái xác vô tội của người em nằm trên vũng máu, nghĩ tới cặp mắt cha vợ đầy oán trách kinh hoàng cho anh là đứa hèn nhát nuốt lời thề… thì khó bình tâm ngồi hưởng thụ giàu sang kiếm được bằng giá máu của em…

MỘT NGHIÊN CỨU ĐÁNG CHÚ Ý

Quả thực, khi người trẻ nhìn vào dòng tộc tổ tiên mà mặc cảm muốn đạp đổ vất đi như những chiếc gương mẻ, thì cuộc khủng hoảng bắt đầu. Đó là cuộc rối loạn mà những nhà tâm lý bây giờ gọi là khủng hoảng không biết mình là ai (identity crisis). Đứa trẻ bị đứt rễ sẽ sinh ra đủ mọi hiện tượng hãi hùng làm mồi cho băng đảng, và có thể thành nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.

Ngày 30 tháng 4 năm 1995 là dịp 20 năm người Việt xa xứ, tờ The Times-Picayune vùng New Orleans đăng một bài nhận định khá dài về tình trạng giới trẻ Việt trong khung cảnh mới, với tựa đề Xung Đột Văn Hóa (Culture Clash). Bài báo cho biết kết quả một cuộc nghiên cứu về lý do tại sao học sinh Việt vùng New Orleans thành công, lên đại học nhiều. Nhóm Carl Bankston của ban xã hội học đại học Loyola cùng với sự cộng tác của đại học LSU đã cho biết như sau:

  1. Vì truyền thống Việt hiếu học, cha mẹ thúc đẩy, sẵn sàng hy sinh cho con chỉ mong con cái vươn lên được. Chính vì thế mà nhiều em cho biết có những lúc muốn đi chơi mà nghĩ thương cha mẹ nên quyết học, mà học thành công thật.
  2. Học sinh nào có liên hệ chặt chẽ với cộng đồng Việt, biết đọc và viết tiếng Việt, sinh hoạt tích cực với người Việt, và giữ được những giá trị phong hóa Việt, thì thường là những em giỏi trong trường Mỹ.
  3. Học sinh dở trong nhà trường thường thuộc lớp thiểu số, không phải vì các em ấy quá giữ kiểu sắc dân mì nh mà không am hợp xã hội Mỹ, nhưng là vì chúng xa lìa lối sống của sắc dân và cộng đồng mình, nên bị đứt rễ. Mà vì không thuộc về đâu cả nên đâm loạn. Đúng là trở thành vô loài, chẳng giống ai.

 

TIN VUI THỜI ĐIỂM NỐI LẠI DÒNG NHỰA

Không thể yêu Chúa nếu không biết yêu cha mẹ dòng tộc mình. Sức sống là dòng nhựa chuyển xuống một cách cụ thể qua những người thân yêu. Chính vì thế mà triết gia Kim Định nói rõ trong Hồn Nước với Lễ Gia Tiên, rằng việc giữ hiếu với cha mẹ tổ tiên là căn bản văn hóa trong triết lý Việt Nam. Vì ở điểm giữa bài vị là chính tổ tiên dòng tộc mình, mà vị tổ tột cùng nguồn sống thì còn ai khác hơn là chính Chúa Trời Đất. Vì thế mà có thể nói dân Việt là dân có Đạo từ trong máu trong tâm. Việt Nam đã trở thành vùng đất phì nhiêu sẵn sàng chờ đón hạt giống Tin Vui của Chúa. Một trong những bằng chứng rõ nhất là trong việc truyền giáo ở các nước Á Đông, không một nước nào đón nhận đạo Chúa nhanh chóng cho bằng Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên truyền đạo đầu thế kỷ 16.

Dịp 30 tháng tư, người Việt nhận diện lại ngày ly hương. Đây cũng là dịp tốt nhất để nhận định hiện trạng của mình: cành cây có thể đang tươi tốt hay đang héo tàn vì bị đứt rễ không còn gắn liền vào đâu nữa nên mất hồn hết nhựa sống. Mình có thể bị ảnh hưởng nặng bởi cá nhân chủ nghĩa của xã hội tiêu thụ này đang chặt mỗi người ra từng mảnh nhỏ riêng rẽ, không còn cảm thấy mình liên hệ tới cộng đồng người mình nữa, và nhất là cũng có thể không còn gắn bó với nguồn sống nội tâm đích thật là chính Chúa. Vì thế mà cuộc sống có lúc cảm thấy vô vị nhạt nhẽo rã rời, chưa kể có những lúc cảm thấy như  vô hướng vô loài. Chúa đã nói rõ lý do:

“Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, chúng con cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy chúng con chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quẳng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Gioan 15:4-6).

Trích “Khúc Sáo Ân Tình” của cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường  

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau