Tin Vui Phục Sinh 4B – THỜI ĐIỂM CÁI ẤM NƯỚC CỦA TRIẾT GIA KIM ĐỊNH

Triết gia giáo sư Kim Định đã từ trần ngày 25 tháng 3 năm 1997 tại Carthage Missouri và được an táng ngày 1 tháng 4 năm 1997 tại nghĩa trang Phục Sinh (Resurrection) ở Springfield, Missouri. Ngài là một người Công Giáo, là một linh mục, và là một người Việt suốt đời trăn trở với dòng sinh mệnh dân tộc mình. Ngài là một niềm hãnh diện của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đã dấn thân góp phần tích cực khai triển nền văn hóa nước nhà trong mấy chục năm qua.

Sống để mà chết là tiến trình văn hóa loài vật và của những người làm cho mình trở thành con vật kinh tế như Karl Marx khẳng định. Nhưng chết để mà sống là tiến trình văn hóa làm người. Đạo sống Việt mình gọi giờ chết là sinh thì, là giờ bắt đầu sống thật, là giờ nhiều người tưởng phải lìa bỏ cõi có để đi vào cõi không, nhưng thực ra là bắt đầu vượt cõi không để đi vào cõi có, vượt bờ sinh tử để hòa nhập vào cõi Vĩnh Hằng là chính Thiên Chúa như Tin Mừng của Đức Giêsu: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. (Gioan 11: 25-26).

Chính trong niềm thao thức muốn đóng góp xây dựng văn hóa làm người, và nhất là đi tìm ra thực chất gốc rễ Triết Việt và nét văn hóa Việt, mà giáo sư Kim Định đã dành trọn cả đời cho triết lý, và đặc biệt đã để lại mấy chục cuốn sách xây dựng nền Triết Việt. Vì đây là điều mệnh hệ cho dân tộc mình.

KHI CÁI ẤM NƯỚC KHÔNG SÔI

Xin được gọi là Thầy Kim Định, mặc dù nhiều người không phải là môn sinh của Thầy trong những trường Đại Học như Văn Khoa Sài Gòn, Đà Lạt, Minh Đức, Thành Nhân… như nhiều môn sinh thuộc nhiều tôn giáo khác nhau có mặt trong dịp lễ an táng Thầy. Nhưng chắc chắn không ít người đã được Thầy một lần đánh thức nhìn về hướng Đông để tự hào đầy hứng khởi với những cuốn sách mở đầu như Cửa Khổng, Nhân Bản, Chữ Thời … Và đặc biệt sau năm ’75 với những cuốn Hồn Nước với Lễ Gia Tiên, Kinh Hùng Khải Triết, Sứ Điệp Trống Đồng…

Năm 1989 khi nói chuyện với đại hội Công Giáo Việt Nam tại Hoa Ky, Thầy kể một câu chuyện thật dí dỏm: “Mình vẫn có thói quen ban sáng dậy là lấy ấm nấu nước pha cà phê. Một hôm mình để ấm lên bếp, vặn lửa, rồi lấy báo đọc chờ nước sôi. Chờ mãi mà không thấy nước sôi gì cả, trái lại chỉ ngửi thấy mùi khen khét, mình lại bếp xem sao thì khám phá ra chưa đổ nước vào ấm”.

Thầy có ý nói nước là thực chất văn hóa trong mọi sinh hoạt của người Việt hiện tại cũng như công cuộc phục hưng đất nước. Thiếu chất đó thì nấu hoài không sôi mà còn phải ngửi mùi khen khét nữa! Nhưng thực chất văn hóa là gì thì lại cả là một chuyện bàn cãi tốn công, tốn máu xương và nước mắt nữa. Vì nếu chỉ coi tìm nét văn hóa như một cái gì để khỏa lấp tự ái dân tộc, để phải cố gắng ra như là mình cũng phải có cái gì cho bằng người cho bớt tủi…thì dễ bị con cháu khước từ lắm. Nhiều người đi rước nét văn hóa từ Tây từ Mỹ về để tôn thờ và tận tình chém giết đầy đọa đồng bào ruột thịt. Cũng chính vì mình không đồng ý với nhau về nét văn hóa nên cũng dễ mất tự tin, khiến hậu quả là người mình bây giờ tả tơi rách nát, cúi mặt nuốt nhục trước đà tiến quá nhanh của nhân loại. Nét văn hóa chính  là chủ đạo của tộc mình. Đạo mất trước nước mất sau như lời Thầy vẫn nói là vậy.

CHUYỆN CÂY CẦU BOLSA Ở LITTLE SAIGON

Mùa hè 1996 báo chí bàn cãi nhiều về vụ xây cây cầu vắt ngang qua đường Bolsa, nối khu Phúc Lộc Thọ với thương xá bên kia cho khu phố Việt ở quận Cam Nam Cali hấp dẫn và tiện dụng hơn. Nhưng câu chuyện đã ra rắc rối là vì nơi vẫn được mệnh danh là thủ đô tỵ nạn với cây cầu như biểu tượng mà ông chủ Triệu Phát là một nhà buôn người Tầu dám làm mô hình sặc mầu văn hóa Tầu để nộp đơn xin phép tại Westminster. Thế là dân Việt ta lên tiếng ồn ào, rằng như vậy là làm mất mặt dân một nước có tới mấy ngàn năm văn hiến! Ai cũng ra sức tranh luận rằng cây cầu phải mang nét tiêu biểu văn hóa Việt Nam, phải mang mầu sắc và hình dáng nước mình. Người thì bảo nét văn hóa Việt là Chùa Một Cột ở Hà Nội, nhóm thì bảo là Chùa Thiên Mụ ở Huế, và phải thêm Chợ Bến Thành như nét tình tự đặc sắc của Miền Nam. Mãi mà chẳng đến được một đồng ý chung nào cả. Thấy vậy ông nhà buôn Triệu Phát bèn tuyên bố một câu rất nhà buôn: “Chúng tôi là thợ may, quí vị muốn kiểu nào, chúng tôi sẽ may theo kiểu đó”.

Chỉ tiếc là mỗi người một kiểu thì ai mà theo cho nổi! Vả lại những người đặt may lại không có tiền nên khó có quyền ăn nói, phương chi là quyền sai bảo làm theo ý mình. Thế là cho chắc ăn, ông nhà buôn Triệu Phát tuyên bố không làm cầu nữa, khiến mọi người chưng hửng, mọi cuộc tranh luận bỗng tắt rụp tiu ngỉu như trái bóng bị xẹp hơi. Vì một sự thật rất hiển nhiên là chẳng ai nắm chắc thực chất nét văn hóa Việt Nam là gì, và đau lòng hơn nữa, mình cũng chẳng có một thứ “thực chất” cụ thể rất quan trọng làm đà tiến hóa là phải có tiền thì mới nhúc nhích được. Người có tiền đầu tư thì xây kiểu của người ta, mình có bàn mà đồng ý cả thì người ta cũng chiều khách hàng mà xây theo ý mình và đổi tên từ Little Cholon sang Little Saigon để mình được vuốt ve tự ái mà nhào đến thuê tiệm do họ đầu tư xây cất và tiêu tiền cho họ có lợi, thế thôi.

LÀM MỘT CÁI GÌ CHO DÂN MÌNH NGÓC ĐẦU LÊN ĐI CHỨ!

Đó là lời vẳng đâu đây tâm huyết của Thầy Kim Định nhắn gửi từng người. “Cái gì” đây phải là một nỗ lực tìm ra thực chất cho văn hóa Việt để cùng nỗ lực góp phần khơi dòng sinh mệnh Việt tộc. Là một người công giáo, là một linh mục, Thầy cũng nhận trách nhiệm với vận mạng dân tộc mình: một mình thầy đơn phương độc mã gióng lên cuộc khai quật này từ mấy chục năm nay như một tiếng kêu gào trong sa mạc. Mấy chục cuốn sách vẫn chưa đủ. Ba cuốn Thái Bình Minh Triết là những cuốn cuối cùng của Thầy chưa được xuất bản, nhưng đã được cho lên mạng lưới điện toán toàn cầu trong chương trình Công Giáo Việt Nam (vietcatholic.net). Thầy đã đi theo đúng con đường của Hội Thánh Công Giáo trong việc nhập thể và nhập thế vào văn hóa dân tộc, như mẫu gương Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II trong việc góp phần vào cuộc phục hưng Ba Lan quê hương của Ngài.

TIN VUI CHÚA  ĐI VÀO LỊCH SỬ DÂN MÌNH

Những ai học về tâm lý và tu đức thực tiễn thường phải qua một chương trình Viết Nhật Ký “Intensive Journal” do Ira Progoff khám phá. Trước khi quyết định hướng đi cuộc sống và lấy lại cân bằng, mình phải đối diện với 10 nấc đá đời mình là những biến cố quan trọng liên hệ xẩy ra, những chuyện vui cũng như chuyện buồn, từ khi mình sinh ra, rồi tuổi thơ, tuổi khôn lớn, và khung cảnh gia đình, kể cả trước khi mình sinh ra, liên hệ dòng họ, tổ tiên. Nghĩa là những mảnh đời cứ tưởng rời rạc xé mảnh, nay bỗng được nhìn lại nhất quán và ghép lại làm nên con người của mình bây giờ. Khi nhìn lại như vậy, mình bỗng nhận ra một chiều kích mới, là Chúa vẫn hiện diện hành trình với mình qua 10  nấc đá đó. Ngài cũng đi xuống lũng sâu, cũng vượt lên đồi cao, nói theo kiểu bình dân là cũng phải “lên voi xuống chó”. Ngài vẫn tỏ mình ra trong cuộc sống của tôi, trong lịch sử dân tộc tôi, qua những biến cố buồn vui. Tìm ra sợi chỉ đan dệt đời ta là bước then chốt trong tiến trình nội tâm. Thầy Kim Định đã đi con đường đó.

Đã có câu truyện thánh viết về dân Chúa thì cũng có câu truyện thánh của mỗi người Kitô, và của người Kitô đi trong lịch sử cụ thể của dân tộc mình: câu chuyện của người lữ hành đi về miền Đất Hứa. Khi Abraham, tổ phụ những người tin,  bỏ quê tổ để bước theo tiếng gọi của Chúa, ông cũng chẳng rõ mình sẽ đi về đâu. Nhưng ông biết chắc chắn một điều rằng ông đang bước tới phía trước đi về tương lai với một người, Đấng đang dẫn mình đi. Và trên đường đi tới này, nhiều biến cố xẩy ra. Ông cảm nhận những biến cố đó như những mốc ghi những chặng đường của ông. Ông đã xây bàn thờ để cảm tạ Chúa. Như thế, từ chỗ cắm lều này tới chỗ cắm lều khác, ông luôn thấy đời mình là một cuộc hành trình đức tin.

Lạy Chúa, con tin Chúa đã sống lại và đang hiện diện nơi đây lúc này trong cuộc sống của con, cũng như Chúa vẫn hành trình với con trong suốt dọc dài lịch sử dân tộc con, những lúc bi thảm cũng như những lúc vinh quang.  Con tin tưởng bước đi theo Chúa, vì Chúa là mục tử đang dẫn dắt dưỡng nuôi con, con còn sợ chi?

(bài giảng trong lễ an táng triết gia Kim Định)

Trích “Khúc Sáo Ân Tình” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau