Tin Vui Phục Sinh 1B – THỜI ĐIỂM THÍCH TRỒNG HỒNG

Hoa hồng vốn là biểu tượng của tình yêu. Những dịp lễ như sinh nhật hay Valentine thì những tiệm bán hồng không kịp cung cấp, vì ai cũng muốn tặng hoa hồng để biểu lộ tình thương. Nhưng tại sao hoa hồng lại là biểu tượng của tình thương thì nhiều người sẽ lúng túng không trả lời được.

NỤ HỒNG VÀ GAI NHỌN

Có thể vì hoa hồng đẹp và tỏa hương thơm dịu. Nhưng nhiều loại hoa khác còn đẹp và thơm hơn thì sao?

Riêng tôi thì tin rằng vì hoa hồng có gai. Có lẽ trong vô thức một định luật tình yêu vẫn làm việc. Thiên nhiên vốn có sẵn lẽ đạo.  Vậy mà ngày nay các sách vở về “khoa học tình yêu” vất vả lắm mới khám phá ra  được. Nào là Erich Fromm, Leo Buscaglia, Robert Johnson, M. Scott Peck. Cứ tha hồ mà tuyên bố về những phát giác mới nhất.

Người trồng hồng thì chẳng mấy khi được đọc những sách vở về tâm lý tình yêu, nhưng cuốn sách được mở ngay trong vườn rồi còn phải tìm đâu xa. Vừa trồng tỉa tưới bón vừa đọc thơ như ông Võ Phiến:

Anh về viết sách trồng cây
Bao nhiêu sách ấy cây này là anh.

Có nhiều loại hồng lắm. Có loại hồng tí hon(miniature), hồng bụi thấp (shrub), hồng lá trà (hybrid tea) phổ thông nhất, hồng hoa chùm (floribunda và grandiflora), hồng mọc thành cây có thân thẳng (tree rose), và hồng leo tường vi (climber). Mỗi thứ hồng lại mang kiểu cách và màu sắc khác nhau, được đặt những tên đặc biệt, như hồng Hồng Y hoa đỏ rực rỡ, hồng Tĩnh Mặc (tranquility) đưa con người vào cõi trống thảnh thơi, hồng Ngày Mới hay hồng Cảm Hứng Ngọt Ngào với màu vàng óng ả, hồng Huyền Bí với màu hồng nhạt dẫn vào cõi linh thiêng. Thôi thì mỗi hồng một vẻ “mười phân vẹn mười”.

Người trồng hồng vừa cắt tỉa vừa nương rẹ nâng niu những nụ hoa chớm nở qua những cành đầy gai một cách an nhiên thanh thản. Hồng thu hút vì hồng có gai. Tự nhiên thôi. Có gì mà phải suy luận triết lí dài dòng! Và người trồng hồng đang hát lên bài Nụ Hồng (The Rose)  của Amanda McBroom theo điệu sáo mà Bette Midler đã hát rất thành công. Bài hát có thể hát trong các lễ cưới cũng đắc ý lắm, vì rất sát tinh thần Tin Vui của Chúa Kitô. Xin phóng dịch để hát theo điệu nhạc trên, và ghi lại đây để tặng những người đã và đang dám nhận trái đắng với gừng cay muối mặn, với thập giá gai đâm, để xây hạnh phúc gia đình. (Bản dịch chung với LM Vũ Hân)

1. Tình Yêu đó, cuốn hút như sông sâu, xô dập, sậy lau sức yếu.
Tình Yêu đó, sắc bén như mũi dao, đâm vào, rạch tim nứt máu.

– Tình Yêu đó, nôn nao cơn đói cồn cào, nhức nhối, đớn đau vô cùng
Tình Yêu Mẹ biết, sẽ thắm như đóa hoa, nhưng con là, hạt cây chịu mục.

2. Một tâm hồn yếu, không dám tung mở ra, nào được nhìn, niềm vui nhảy múa.
Chìm trong mộng mơ, không dám mở mắt trông, không bao giờ, cơ may đến với.

– Này hãy nhìn xem: Ai oán trách lúc bị đoạt, nay đâu biết, sướng vui ban tặng!
Một tâm hồn yếu, không dám vui chết đi, không bao giờ, được sống tròn đầy.

3. Màn đêm rủ xuống, sao quá cô đơn, con đường thật dài, chìm trong tăm tối.
Tình Yêu đó, ai ví như  mưa rơi, cho ai may được, hay ai lấn hấng.

– Này con hãy nhớ: Gió rét buốt tước trụi cành, tuyết lớp lớp, lấp chôn muôn vật.
Mầm cây nằm thiếp dưới đất như ngủ yên, nhưng khi Xuân về, trổ sinh NỤ HỒNG.

COI CHỪNG TÌNH YÊU, BƯỚC VÀO LÀ CHẾT ĐẤY

Tình yêu xem ra khủng khiếp thật, xem ra “đầu tắt mặt tối”, “chân lấm tay bùn”, “trầy da tróc vẩy” quá!  Không yêu thì cô đơn lạnh lẽo, mà yêu thì vật vã giẫy giụa! Đúng như nhà tu đức Anthony de Mello đã nói: “Coi chừng tình yêu! Bước vào là chết đấy. (Beware of love, if you walk into it, it will be the death of  you). Và cũng như lời ca dao Việt, cái vòng danh lợi hay cái vòng tình ái cũng giống nhau lắm.

Cái vòng tình ái cong cong
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào.

Muốn hưởng hạnh phúc thì phải nếm trái đắng. Nhưng đắng quá nuốt không nổi thì một số người lại toan tính chuyện nhả ra. Ấy cũng bởi nhiều đám cưới chỉ khéo xúi dại bọn trẻ. Nhậu nhẹt cho đã còn bày trò đút bánh ngọt với mi nhau đặng chụp hình cho đủ lễ bộ. Đến khi đã vớ được nhau riết rồi chả thấy ngọt như cứ tưởng bở thì đành “bái bai”.

Biết thế, bây giờ trong nhiều tiệc cưới, thay vì chỉ cắt bánh ngọt không, nhiều cặp trẻ đã thực hành một phong tục Việt là cho nhau nếm muối mặn, diễn tả những cay đắng mùi đời mà cả hai sẽ đương đầu. Trong nghi thức Rửa Tội trẻ em trước đây vẫn có chuyện nhét vào miệng đứa trẻ chút muối. Đứa trẻ nếm phải chất mặn cuộc đời liền khóc thét lên. Nhưng nó cũng đành phải nuốt đi để bắt đầu đi vào trần thế này. Cũng chính vì vậy mà tổ tiên mình, từ thời vua Hùng lập quốc, trước khi biết ăn trầu cau, thì đã có phong tục lấy muối làm lễ cưới hỏi.

Đám cưới mà chỉ đút cho nhau ăn bánh ngọt thì thật là đang đánh lừa nhau. Cứ tưởng bở. Cứ chờ sẽ được ăn ngọt như vậy mãi, cho đến khi không được thì vỡ. Tiệc cưới bây giờ không có trầu cau để công khai nói lên sẵn sàng nghiền nát mình ra để xây hạnh phúc nhau thì ít ra cũng phải có gừng cay muối mặn chứ.

Tay bưng bát muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.

Những thực tập chịu đựng và quên mình này đã trở thành chất phản xạ trong máu người Việt, mang một sắc thái tích cực chứ không tiêu cực thiệt thòi, vì luôn thấy trước được phần thưởng của những thua thiệt này:

Tưởng rằng đá nát thì thôi
Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.

TIN VUI TÌNH YÊU VÀ TRÁI ĐẮNG

Biết chấp nhận được trái đắng hay muối mặn thì mới xây được hạnh phúc. Những ngậm đắng nuốt cay, những hy sinh chịu đựng, những thầm lặng quên mình, tất cả đều là những nhân tố cốt lõi làm hoa nở. Đó là con đường của Thầy Chí Thánh đã đi trong những ngày mà theo phụng vụ hội thánh gọi là Tuần Thánh. Có còn con đường nào khác nữa đâu! Con đường này đúng là con đường làm nở hoa theo Lời Chúa, hài hòa lối sống Việt Nam. Tất cả mọi thứ cây đều biết sống lẽ đạo là biết thối mục đi để mọc thành cây đơm hoa kết trái, trừ con người cứ lo vơ vét kỹ làm cho cái vỏ ốc của mình mỗi ngày mỗi thêm cứng dầy, khiến gia đình thêm nát bét. Tin Vui của Chúa Giêsu xem ra thật mẫu thuẫn nhưng lại quá đúng với tiến trình tự nhiện của vạn vật.

– Hạt lúa nếu không rơi xuống đất và chịu thối mục, sẽ vẫn trơ trọi một mình (Gioan 12:24)

– Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai vui chết đi sẽ được sống tròn đầy (Gioan 12:25).

Đức Kitô đã bẻ mình ra qua nghi thức bẻ bánh của bí tích Thánh Thể, qua việc quì xuống như đứa nô lệ đầy tớ rửa chân phục vụ những người mình thương, qua việc bằng lòng để bị tước đoạt lột trần và nghiền nát cho chết đi, đúng là “nghiền nát trầu cau” một cách cụ thể. Ba ngày trọng đại nhất của năm phụng vụ cũng đúng là diễn trình xây dựng tình yêu hạnh phúc khi mình bắt đầu dám làm một chuyện gì cụ thể, ngược lại ý thích của mình, ngay trong nhà mình. Và mình sẽ thấy được hoa hạnh phúc đang tươi nở: Mầm cây nằm thiếp dưới đất như ngủ yên, nhưng khi Xuân về, trổ sinh NỤ HỒNG. Và mình bắt đầu bước theo con đường tình của Thầy Chí Thánh:

Bước theo đạo sống vuông tròn
Mang gươm thập giá khơi dòng tình yêu
Con đường nghiền nát trầu cau
Nên màu đỏ thắm nên màu sắt son.

 

Trích từ tác phẩm “Vũ Khúc Thăng Ca” – cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau