Tin Vui Giáng Sinh – THỜI ĐIỂM GẶP SỐ CON RỆP

Mười hai con giáp là mười hai số: Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo. Không biết từ hồi nào người Việt mình có thêm một con giáp nữa là con Rệp, chứ không phải chỉ có 12 như thường tình. Quả thật, con Rệp là con giáp thứ 13, là số xui tận mạng, bám sát rúc rỉa nhức nhối khó chịu quá chừng!

Tin hay không tin thì đã có nhiều sách vở viết về tướng mệnh học. Nhiều người mở báo ra là coi ngay số Tử Vi xem mình làm ăn hên hay xui, tình duyên có xuôi chảy hay trục trặc, học hành thành đạt hay thất bại; số nào lấy số nào thì gia đạo mới ngon lành, chứ gặp số kỵ mà vơ đại vào thì chỉ lo cãi lộn tối ngày.

Có người tin rằng sinh ra ở đời mỗi người đều có số có mạng. Nhiều người xem ra có số đỏ, số đào hoa, có ngón tay vàng, đụng vào cái gì cũng êm đẹp xuôi xắn. Trái lại, nhiều người thì có vẻ sinh nhằm số đen, số con rệp, chuyên môn gặp chuyện chẳng ra làm sao, làm gì cũng xui xẻo, đổ bể.

Người ta tìm cách giải thích hiện tượng này liên hệ tới năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh của mỗi người, gắn liền với sự vận hành của trăng sao vào lúc mình sinh ra. Trời đất cũng có tiết có nhịp mà. Con trăng có nhịp, con nước có nhịp, con người cũng có nhịp vận hành. Khi trăng lên thì con nước cũng lên theo. Nó ảnh hưởng tới cả con tôm con ghẹ biết nhịp mà vờn trăng. Huống chi là con người. Và người ta thử ướm chừng cái “múi” của vòng quay, cái thời điểm liên hệ tới đất trời vần xoay, mà so sánh với những nét đặc tính của một con vật nào đó mà đặt tên: mỗi người sinh vào đời cầm tinh một con vật, với những nét giông giống vậy.

Có người bảo sinh vào năm Hợi, cầm tinh con Heo là số nhàn, cả ngày cứ ủn ỉn ăn no mà chả phải lo; sinh vào năm ngựa thì chạy suốt, chỉ biết lo mà không no; sinh vào năm rắn thì khôn lắm, không ai bắt nạt được v.v. Thôi thì cứ tha hồ mà đoán mò, thế nào cũng có cái trúng và lúc trúng. Các thầy tướng số làm ăn khấm khá ra phết.

ĐI TÌM LỐI THOÁT

Thực ra thì ít thấy ai cho mình có số đỏ, mà chỉ toàn gặp số con rệp xui xẻo. Thế kỷ 20 đang qua đi, một thế kỷ đầy chiến tranh hận thù và tan tác. Con người trong những năm cuối cùng của thiên kỷ này đang khắc khoải quằn quại trong bóng tối hãi hùng, giẫy giụa trong vũng bùn nhầy nhụa cố vùng vẫy tìm lối thoát mà không nổi. Nhiều dấu hiệu bất ổn từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Cảnh vợ chồng đổ vỡ, con cái tan hoang, cướp giật, giết người tràn ngập ngay gần cửa nhà mình. Con mắt nhiều người bị mờ tối lại, càng tìm đường giải quyết xem ra càng bi thảm thêm. Biết tìm lối thoát nào?

Nhiều người khi bị nhức đầu thì uống thuốc Tylenol, khi gặp khó khăn ngột ngạt thì đi gặp bác sĩ tâm lý trị liệu, hay dùng một vài phương pháp thân tâm như cảm nghiệm hơi thở để tìm lại an tĩnh. Nhưng dù sao cũng chỉ tạm trong chốc lát, chứ chưa đi vào gốc rễ nằm trong chính con người của mình, trong chính sự hiện hữu của mình. Tại sao tôi có mặt trên mặt đất này? Cuộc sống này có nghĩa gì không? Hay chỉ là một vũng lầy nhầy nhụa đầy đọa nhau?

DƯA HẤU VÀ QUÁI VẬT

Truyện kể về một nhà truyền đạo kia đi đến một vùng đất lạ của dân U Mê. Một ngày kia ông thấy họ đang gặt lúa ngoài đồng thì bỗng hốt hoảng bỏ chạy về nhà hết. Ông ra cánh đồng xem thì chỉ thấy một trái dưa hấu bị bể. Ông hiểu ngay rằng đây là lần đầu tiên dân này thấy dưa hấu thì tưởng là quái vật: da thì đen xì, mà bụng thì đỏ hoẻn!

Ông liền bảo họ rằng không có gì phải sợ đâu. Và để làm chứng, ông lấy dao cắt trái dưa ra nhiều miếng và ăn ngon lành trước mắt mọi người. Nhưng dân U Mê nhìn rõ thấy ông này dám ăn con quái vật đầy máu như vậy thì đâm sợ ông ta còn hơn cả con quái vật nữa. Và họ hò hét nhau lấy cuốc xẻng đuổi ông ta ra khỏi làng gấp vì sợ ông ta sẽ giết họ như giết con quái vật. Thế là nhà truyền đạo phải trốn đi mất tích.

Ít lâu sau, một nhà truyền đạo khác cũng đến đất này và cũng gặp cảnh dân chúng bỏ chạy khi thấy dưa hấu ngoài đồng. Ông đã nghe biết chuyện xưa, nên thay vì khuyên răn, ông hòa mình sống với họ, cũng run rẩy sợ hãi cùng bỏ chạy khi gặp dưa hấu là con quái vật nguy hiểm. Ông lân la trở thành người thân của họ. Và khi đã sống với họ một thời gian lâu, dần dần ông dẫn họ đến gần những con quái vật đen sì kia mà nhận ra là những trái dưa có thể ăn ngon. Thế là cả làng bắt đầu trồng dưa.

TIN VUI CHO KIẾP NGƯỜI

Câu truyện này diễn tả phần nào ý nghĩa Chúa Trời sinh xuống làm người: “Ngôi Lời đã mang thân xác và cư ngụ giữa chúng tôi” (Gioan 1:14). Ngài không giải thoát con người bằng cách đứng ở xa để dùng quyền năng thượng trí mà cố vấn chỉ cho một con đường, một thứ đạo, theo kiểu tâm lý trị liệu, khi con người gặp phải những nghịch cảnh mà cho là quái gở. Ngài đã trở thành một đứa bé yếu đuối run sợ những con quái vật là dưa hấu như bất cứ ai. Ngài cũng trốn chạy tỵ nạn sang Ai Cập, cũng thấy dưa hấu là quái vật đáng run sợ trong Vườn Câu Dầu và trên Thập Giá. Và khi thấy có người thương mình như vậy, con người mới nhận ra những gì vốn sợ hãi nhất trên đời lại là những trái dưa hấu có thể trồng ăn được ngon lành.

Vì chính Đức Kitô đã nhập thể làm người mang cho cuộc sống hiện sinh một ý nghĩa, với tất cả ngọt bùi đắng cay, như lời Kinh Tiền Tụng trong thánh lễ:

Khi chính Người sinh ra, Người đổi mới thân phận con người… khi từ cõi chết sống lại, Người đã chỉ lối vào chốn trường sinh”, cho con người có thể tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Và lời cầu nguyện trong lễ lúc linh mục pha một chút nước vào rượu đã nói lên cuộc nâng lên này:

Nhờ mầu nhiệm hòa nước vào rượu này, xin cho chúng con được tham dự thiên tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”.

Đời không còn là bể khổ phi lý để phải lo trốn chạy nữa, vì chính Đức Kitô cũng đang đi con đường nhập thể và nhập thế như vậy. Không có số nào là số con rệp cả. Và khi sống lại, Ngài đã mở cửa Trời đi vào vĩnh cửu, cho con người mọc cánh có thể “cất nổi mình mà bay” cao tới vô hạn.

Đúng như lời Kinh Thánh, Chúa Trời “không phải là Đấng không thể cảm thông với những yếu đuối của chúng ta, mà là Đấng đã chịu mọi thử thách trong mọi sự như chúng ta, chỉ khác là đã không phạm tội” (Do Thái 4:15-16). Đó là thị kiến mà hội thánh Công Giáo đang mở ra trong lúc bước sang thiên kỷ mới: con mắt bừng mở sáng lên khi khám phá ra Chúa Kitô đang giáng sinh bước vào cuộc sống mình.

Và chẳng những chỉ cảm thông, mà còn chia sẻ và nhận lấy mọi khổ đau con người như câu  chuyện “Dấu Chân Trên Cát” được Trần Phong Vũ diễn thành lời thơ trong tập thơ Dấu Chân Trên Cát:

Gã nhìn lại triền cát dài thăm thẳm,
Bốn dấu chân thầm lặng vẽ song song.
Tiếng reo vui òa vỡ ở trong lòng,
Gã hồi tưởng những năm dài quá khứ.
Xuôi ngược dòng đời, hồn trôi lữ thứ,
Luôn có Người kề cận khắp nơi nơi.

Nhưng mà, – tại sao? Gã băn khoăn tự hỏi,
– Trên bức tranh tô vẽ lại cuộc đời,
Bốn dấu chân nhiều lúc chỉ có hai?
Trong câu hỏi gã nghe buồn man mác.
Ngước trông Người, gã buông lời chua chát,
– Phải chăng Thày từng hứa hẹn cùng con,
Luôn ở bên con dù biển cạn non mòn?

– Và này con, dường như con chưa nhận biết,
Những dấu chân đơn lẻ ở chân mây,
Chẳng phải của con, nhưng chính của Thày,
Vì lúc ấy con lao đao quị ngã,
Nên Thày ẵm con trên vai,
…và một mình bước đi tất tả!!!

Trich từ tác phẩm “Vũ Khúc Thăng Ca” của cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau