Tin Vui Chay 5B – THỜI ĐIỂM MỘT VIỆT NAM BẦM DẬP

Châu Á là nơi phát sinh những tôn giáo lớn cho thế giới, như Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo… Nhưng không hiểu vì lý do bí nhiệm nào, hai nước ở hai đầu của Châu Á là Do Thái phía Tây và Việt Nam phía Đông lại có chung một số phận khổ nạn khá giống nhau.

Qua những quằn quại thống khổ tột cùng, Do Thái đã đóng vai trò sử mệnh trong việc hình thành cái nôi phát sinh hai tôn giáo lớn của thế giới là Do Thái Giáo và Ki-Tô Giáo, và đã trở thành một dân đúng là được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Liệu Việt Nam có mang một ý nghĩa và sử mệnh gì qua những bầm dập trầm luân suốt bao thế kỷ từ một gia tài của mẹ “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây…” và biết bao năm nội chiến từng ngày…từ ngay thuở ban đầu 50 con theo mẹ, 50 con theo cha, rồi thập nhị sứ quân đến Trịnh Nguyễn phân tranh? Gần hai thiên kỷ từ ngày Hai Bà Trưng chìm sâu dưới lòng sông Hát và cũng sắp hết một thế kỷ dân mình đầy đọa hành hạ nhau tận tình để phục vụ cho mớ lý thuyết không tưởng nhập cảng từ Âu Mỹ, có con đường nào vượt tới hay vẫn giẫy giụa trong hầm tối không lối thoát?

TỪ CƠN GIẪY GIỤA

Chuyện nước đã vậy, mà ngay cả chuyện riêng mình nữa, trong cơn đau khủng khiếp, trong bóng đen ghê rợn, ai mà chẳng quằn quại giẫy giụa. Tự nhiên cái xẩy ra tai nạn, cơn chấn động tim. Thế là xe lăn, tê liệt. Tự nhiên cái bị ăn đòn hằn, mà hằn không đúng. Kẻ cắn tỏ ra bệnh nặng. Có người vì thế mà trở nên hung hãn đấm đá thù đời. Có người đâm ra chán nản, buông xuôi, thất vọng. Nhưng nhiều người thì vẫn thấy được đường vượt lên. Trong đêm đen họ bỗng thấy một điều gì. Mắt họ sáng lên. Và không gì có thể cản trở nổi nữa. Thế là thế nào?

Trong những lúc đen tối tột cùng của bệnh cùi, Hàn Mặc Tử bỗng thấy chân trời bật sáng. Nỗi đau khổ bỗng được biến thành niềm sung sướng khi cảm nhận được Tình Yêu Thiên Chúa qua luồng ánh sáng:

Ai tới đó mà chẳng nao thần trí
Tòa châu báu kết bằng hương kì dị
Của Tình Yêu rung động lớp hào quang
….

A ha hả, say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?
Có gì đâu cả thể với cao xa
Như cội rễ của trăm ngàn đạo hạnh.
(Siêu Thoát)

Và trong bài “Ngoài Vũ Trụ”, hồn thơ còn sáng lên hơn:

Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u tối như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp u linh.

….

Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng.

MỘT VIỆT NAM PHỤC SINH

Tiến trình đời sống xem ra có nhiều xung khắc, “lên voi” đó rồi lại “xuống chó” thê thảm. Những mảnh rời nhiều khi thật phi lí lại bỗng mở lối thênh thang theo một hướng nhiệm mầu. Nhiều người trong cuộc khảo cứu của bác sĩ Melvin Morse, sau khi chết đi rồi bỗng sống lại, đã trở nên khác lạ với những khả năng cảm thụ đặc biệt. Trường hợp Olaf trong “Được Ánh Sáng Biến Đổi” thì thấy: “đang trôi trong vũ trụ vô bờ bến… Vũ trụ như những bọt xà bông  đang qui về trọng tâm theo một hình thái phức tạp, nhưng tôi hiểu được trọn vẹn, thấy được mọi sự đều có nghĩa… cảm thụ được toàn thể vũ trụ…” (trang 12-13).

Đạo Trời trong diễn tiến cuộc đời mà Chúa Giêsu chỉ dẫn xem ra thật trái ngược và phi lí, nhưng lại rất hợp với tiến trình tâm lý ngày nay: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Gioan 12: 24)

Và Thánh Phaolô đã thấy được từ kinh nghiệm sống qua những sóng gió thảm sầu: “Chúng ta biết rằng mọi sự đều đi liền với nhau sinh ích cho những ai được Chúa yêu thương, tức là những người được Chúa kêu gọi theo chương trình của Người” (Roma 8:28).

Cũng chính trong cái nhìn đó mà Hàn Mặc Tử cũng đã thấy được mọi trắng đen đỏ vàng, buồn vui, trầm bổng cuộc đời không phải là những mảnh vỡ vô nghĩa hay những cù lao trôi nổi phi lí, mà đều qui tụ thâu về trong một mối:

Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang
Sẽ qui tụ thâu về trong một mối.
Và tư tưởng không bao giờ chắp nối
Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng
Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên
Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí
Trời bát ngát không cần phô triết lí
Thơ láng lai chấp chóa những hàng châu
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu?
Những hạt lệ của trích tiên đầy đọa.
(Siêu Thoát)

TIN VUI HÁT CHO NĂM 2000

Một “trăm năm vật vã, trăm năm hận thù” đang hát bài tạ từ. Chả lẽ người mình cứ bị luẩn quẩn hoài trong số phận hẩm hiu? Có niềm tin và con đường nào mở tới không?

Do Thái đã mang được sử mệnh nhờ một niềm tin: từ cảnh tang thương mồ mả đầy xương trắng ngổn ngang, tiên tri Êgiêkiên đã vẽ lên thị kiến một cuộc đứng lên đầy sinh khí của đoàn người sống lại, và đã thành công trong việc khắc ghi niềm tin này vào tâm khảm những kẻ mất nước khi họ phải đường đầu với một tương lai mịt mù đen tối của dân tộc họ; từ cảnh lưu đầy Babylon sầu thảm, tiên tri Isaia đã gợi lên trong con mắt người Do Thái tha hương một viễn kiến phục hưng rực sáng.

Vậy chả lẽ người Việt mình cứ mãi chịu cúi mặt kiếp đọa đầy? Đã đến lúc chiếc xe lịch sử chuyển bánh thì không một sức mạnh nào cản ngăn được nữa. Từ cảnh mất hướng cụt đường, người ly hương đang thấy rõ như Phạm Duy gióng lên trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000 (Ngàn Lời Ca, trang 366-367)

Một trăm năm đã gần xong
Anh bình tâm đi lượm xác chiến trường.
Những xác úa một thời
Có bóng dáng triệu người
Phiêu diêu nơi thế chiến một, thế chiến hai.
Hết thế chiến lại là
Anh em trong một nhà
Lấy chém giết để giải hòa trong quốc gia.
Những gì rùng rợn ghê sợ đang qua đi. Mình bắt đầu chuyển mình vào một giai đoạn mới, từ mỗi cá nhân cho đến tập thể, để cùng:
Vùi sâu trong mộ chung
Hoặc vùi nông trong mộ hoang:
Anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường…
Hãy lấp kỹ cả tội hèn trong chúng ta…

Là vì người mình luôn tin tưởng vào đạo Trời, chứ không mơ hồ dựa vào một cuộc vận hành may rủi của vũ trụ. Tin vào Đấng đang dẫn mình đi qua lũng qua đồi qua bao thăng trầm như người Việt vẫn xưng tụng trong ca dao:

Dù ai nói ngược nói xuôi,
Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng.

Niềm Tin này đã được thể hiện qua chính đời sống của Chúa Giêsu. Đã có một Việt Nam thống khổ thì tất nhiên phải có một Việt Nam Phục Sinh: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Gioan 12: 24). Đúng vậy, người Việt có quyền tin tưởng bước vào thiên kỷ 3 với viễn kiến phục sinh tươi sáng từ “Mộ Phần Thế Kỷ”:

Mai đây nấm mồ,
Một nụ vàng sẽ hé…
Hoa ơi, tên gì?
Có phải hoa hướng dương?

Trích từ tác phẩm Vũ Khúc Thăng Ca – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau