Tin Vui Chay 4 B – THỜI ĐIỂM GIẢI PHÓNG TRONG TRANH THÁI TUẤN

Ngày 23 tháng 2 năm 1997, tháp Babel nhà “chọc” trời Empire State ở phố New York đã lênh láng máu, không còn nghễu nghện đứng thách thức chọc trời như mọi khi nữa. Trời thật trong sáng, rất đông du khách mua vé lên lầu ngoạn cảnh ở tầng 86 của ngôi nhà chọc trời 102 tầng đã từng bá chủ cao nhất thế giới từ khi mở cửa năm 1931, đến năm 1972 mới nhường cho Tháp Đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới. Vậy mà chàng Ali Abu Kamal của dân Ả Rập Palestine đã dám nã súng vào đám đông. Thế là náo loạn. Phần sợ hãi nhất là lúc mọi người bắt đầu kinh hoảng. “Một người bị bắn vào đầu, máu vọt tung tóe, tôi chưa bao giờ thấy cảnh kinh khủng như vậy xảy ra trong đời!” Kết quả, một người bị bắn chết, 6 người bị thương nặng, và chàng Ali tự bắn vào đầu chết luôn.

Chàng Ali có thể thuộc phong trào giải phóng Palestine bên Do Thái. Đây là cách giải phóng của nhóm chính kiến của chàng, không đồng ý với lối hòa giải hiện tại giữa Arafat và Do Thái.

Cùng thời gian trên, đêm ngày 21 tháng 2 năm 1997, tại phòng trà của nhóm Đồng Tính Luyến Ái (gay) ở Atlanta, xảy ra một vụ “giải phóng” khác: người nào hay nhóm nào đó không chịu nổi cảnh rửng mỡ của bọn “gay”, đã muốn giải trừ sự dữ bằng việc đặt bom cho nổ tung phòng trà làm bị thương 5 người. Cũng như giữa tháng giêng, một vụ nổ bom khác tại một viện phá thai vùng Sandy Springs, bang Georgia.

Thì ra một số người đã muốn dùng biện pháp “đập vào mặt” để giải thoát khỏi sự dữ. Nhưng lấy một sự sữ để giải trừ sự dữ, lấy bạo động để giải quyết bạo động, lại đưa đến tàn tệ tan hoang chồng chất thêm lên! Hận thù vay trả, trả vay, cái vòng hệ lụy nghiệt ngã trùng điệp.

NĂM ANH MÙ XEM VOI

Ngày xưa còn bé mình vẫn thích thú về câu truyện năm anh mù xem voi. Chẳng anh nào thấy được con voi ra làm sao, nhưng chỉ rờ được một phần mà hung hăng tuyên bố lập trường vung vít rằng con voi nó giống cái chổi, cái buồm, cái cột nhà… Thực ra đó mới chỉ là cái đuôi, cái tai, hay cái chân… của con voi thôi. Vậy mà sinh cãi lộn, rồi đòi “giải phóng” nhau bằng “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” và búa tạ rất ư nhiệt tình.

Không ngờ câu truyện trên lại được lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức thời mới “văn minh” và đôi khi mang mặt nạ “đạo đức” hơn trong nhiều lãnh vực, từ những tranh lộn chủ nghĩa đến giành giật niêu cơm hay ăn thua đủ chỗ cao chỗ thấp, cho công việc của mình vĩ đại để bắt mọi người phải “đoàn kết” đứng sau lưng mình, nếu không là chia rẽ đáng xỉ vả cho ăn búa tạ. Nhạc sĩ Phạm Duy trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000 đã gióng lên cái cảnh những anh mù thật tội nghiệp của thế kỷ này qua truyện Ngụ Ngôn Mùa Xuân:

Có hai thằng mù đánh nhau ngoài ngõ,
Cả hai thằng sứt trán, sứt tai.

Có hai thằng câm cãi nhau giữa chợ,
Cả hai thằng đều rát lưỡi phỏng môi.

Có hai thằng mù đã câm lại điếc,
Có hai thằng điếc ngồi nghe nhạc Tầu,
Nhạc Tây, nhạc Mỹ, nhạc Nga…

Có khi mù này đánh lui mù đó,
Hả hê về nhà ú ớ mừng rên!

Có khi thằng mù gã câm thằng điếc
Gác chân tự đắc ngồi trong chòi nghèo

Buồn thiu mà nghĩ lầu cao….

LỰC GIẢI PHÓNG TRONG TRANH THÁI TUẤN

MÂY CŨ – Bưu thiệp tranh sơn dầu, nhà in Đông Nam Á, 1970
Thực ra việc giải phóng hay giải thoát con người phải từ một cái gì sâu xa hơn. Nhìn những bức tranh của họa sĩ Thái Tuấn, ai cũng cảm thấy một cảm giác mênh mang, và tự hổ thẹn về hiện trạng nhỏ nhen bị vít kín và mù tối của mình. Ông Huỳnh Hữu Ủy đã nhận xét: “Thái Tuấn là một bóng dáng lớn của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại… Anh luôn ao ước vẽ một bức họa tinh giản, ít màu, ít nét và để nhiều khoảng trống rộng rai… đã tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á Đông và kỹ thuật hội họa Âu Châu để vẽ lên những tấm tranh của mình, là sự khoáng đạt của những chấm phá giản dị nơi nghệ thuật thủy mặc cộng với nghệ thuật sơn dầu của phương Tây. Anh thường xuyên suy nghĩ, chiêm niệm về những khoảng trống để tạo nên không gian mênh mông, hài hòa trong sắc màu trầm mặc… Dường như lúc nào anh cũng đăm chiêu đi tìm những hình ảnh nào đấy về một quê nhà đã mất: Miền Nam nhớ miền Bắc, Orléans nhớ Hà Nội, Paris nhớ Sài Gòn. Đi tìm lại quê hương đã mất là một trạng thái tâm lý quen thuộc nhưng vẫn kỳ lạ, ở Thái Tuấn không hẳn chỉ là một thứ quê hương sống động qua hoài tưởng, mà còn có thể chính là mối ám ảnh về một bản thể bất biến, và hình ảnh của quá khứ đã trở thành biểu tượng để nối kết” (Huỳnh Hữu Ủy, Bóng Dáng Thái Tuấn giữa nền nghệ thuật hiện đại, Thế Kỷ 21 số 82 )

NIỀM KHÁT VỌNG CỦA ĐỜI ANH

Lê Uyuên Phương trong bài hát tuyệt vời “Về Những Ấn Tượng” tặng Thái Tuấn đã diễn được cõi tâm của nhà hội họa đầy chất đạo này với nhiều cảm xúc gợi hình:

Anh chưa bao giờ, chưa bao giờ nói với tôi về niềm khát vọng của đời anh.
Nhưng bầu trời trong bức tranh màu xanh đã bày tỏ cùng tôi niềm khao khát đó.

Ôi! sự tự do tuyệt đối và những giới hạn của con người.
Anh chưa bao giờ, chưa bao giờ nói với tôi về sự hòa điệu của cuộc sống.
Nhưng màu nâu trên bức tranh thiếu nữ đã bày tỏ cùng tôi điều bí ẩn đó.
Một trong tất cả và tất cả trong mỗi người.

Anh chưa bao giờ, chưa bao giờ nói với tôi về sự vĩ đại và sự nhỏ nhen trong đời sống.
Nhưng dòng sông trên bức tranh màu tím đã bày tỏ cùng tôi sự phân biệt đó.
Ôi! giọt nước trong giòng sông hay giòng sông trong giọt nước.

Anh chưa bao giờ, chưa bao giờ nói với tôi về sự giản dị trong cuộc sống hỗn mang.
Nhưng hàng cây trong bức tranh màu xám đã bày tỏ cùng tôi sự trong suốt đó.
Ôi! Những ảo tưởng và quá khứ của đời người.

Anh chưa bao giờ nói với tôi về những điều mà chỉ nói với anh trong thầm lặng.
Bằng màu sắc, anh đã bày tỏ cùng tôi nhịp thở nhẹ nhàng của cuộc sống hồn nhiên.
Bằng màu sắc, anh đã bày tỏ cùng tôi sự dịu dàng của một con tim giản dị.

TIN VUI GIÒNG SÔNG GỬI GIỌT NƯỚC

Con người được Chúa Trời Đất mời gọi để hòa nhập bơi lội trong giòng sông ân sủng tình yêu bao la, nhưng nhiều khi con người lại muốn tự làm khổ giam nhốt mình vào một giọt nước nhỏ nhen, đóng kín lại trong cái vỏ ốc ích kỷ tội lỗi của mình. Những bức tranh của Thái Tuấn thật “tinh giản, ít màu, ít nét và để nhiều khoảng trống rộng rãi…” đã khiến người xem chiêm nghiệm được cõi nhỏ và cõi lớn của đời người, phân biệt được sự giải phóng thực sự nằm ở làn ranh nào. Đây chẳng phải là một sứ điệp khẩn thiết đáp ứng thời điểm khi con người chuyển mình bước vào năm 2000 với bao giành giật tranh chấp trùng điệp hay sao? Bằng ấy năm vùi giập đầy đọa nhau đã đủ để mình dừng chân tìm ra giây phút phản tỉnh chưa?

Chúa Giêsu đã diễn tả nỗi tự đầy đọa này trong cuộc sống nhiều người bằng hình ảnh bóng tối và ánh sáng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta làm những việc gian ác cho nên rõ ràng là họ ưa bóng tối hơn ánh sáng. Đúng vậy, ai làm bậy là ghét và tránh ánh sáng, vì họ sợ hành vi của mình bị lộ tẩy; nhưng con người có tác phong chân chính thì dám đi vào chỗ sáng, để thiên hạ thấy rõ họ hành động theo mệnh trời’ (Gioan 3:19-21)

Họa sĩ Thái Tuấn là một người Công Giáo. Dù ông không trực tiếp nói lên điều đó, nhưng xem tranh của ông, người thưởng ngoạn như đang hòa nhập vào cuộc chuyển biến từ cái tôi nhỏ nhen tù túng tăm tối mà hòa vào được cái Ta đại thể vô biên tràn trề ánh sáng là chính Chúa Trời Đất. Đó là cuộc hành trình “tìm về quê nhà đã mất”. Đây mới là cuộc giải phóng đích thật, giải phóng con mắt mù tối che vít bởi tham sân si tự đầy ải mình, tự giam nhốt giới hạn mình lại thành nhỏ nhen tù túng. Người vẽ tranh và người xem tranh cùng đang linh thao hay thiền, nối lại được vào cuống nhau từ bụng “mẹ” đã một lần từ giã. Quê mẹ đây có thể là chính người mẹ sinh ra mình, mà cũng có thể là quê hương hằng thể, vượt không gian và thời gian. Niềm khao khát tìm về này như phảng phất tâm tình đầy chất đạo trong ca dao Việt:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Vậy những gì đang làm mình “ruột đau chín chiều”?, những gì đang trói buộc giam nhốt khiến mình tự đầy đọa rời xa quê hương hằng thể, mà trở thành giọt nước nhỏ nhen tách rời khỏi giòng sông sung mãn?” Và cuộc giải phóng này thực sự chỉ bắt đầu khi mình mở rộng cái tôi hạn hẹp hiện tại mà lãnh nhận giòng sức sống bao la là chính Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sức sống: “Thiên Chúa yêu thế gian tới mức đem người con độc nhất của mình làm quà tặng, để phàm ai tin vào Người sẽ không tiêu vong, nhưng sẽ được trường sinh bất tử” (Gioan 3:16)

Trích từ “Khúc Sáo Ân Tình” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau