Tin Vui Chay 2B – THỜI ĐIỂM NƯỚC CHẤM GỎI LÊ THỊ THÀNH

Ngành điện toán đang tiến những bước nhảy vọt, nhất là từ khi có mạng lưới toàn cầu. Tin tức, sách báo, hình ảnh, âm thanh, từ khắp nơi trên thế giới được chuyển qua mạng lưới một cách nhanh chóng và tiện dụng. Nhưng trước đây mỗi lần vào mạng lưới thì tiếng Việt mình gặp trục trặc lớn, vì “ngôn ngữ” mạng lưới không hiểu những ký hiệu đánh dấu chữ Việt, thành thử chỉ hiện lên như một rừng rậm ngổn ngang khó mà đọc ra chữ gì. Rồi lại có nhiều kiểu đánh dấu khác nhau, thành ra càng làm rối thêm, vào mạng lưới mà gặp tiếng Việt là bị vướng lưới liền!

Mới đây VNI đã giúp gỡ được tình trạng vướng lưới bằng một đóng góp quan trọng qua việc cho ra thị trường một phương cách “luyện mắt thần” là web-eye. Con mắt này đã tài tình hiểu được và xếp lại mọi lộn xộn thành thứ tự nếp nang, nên có thể đọc được tiếng Việt một cách dễ dàng. May quá. Cám ơn anh Hồ Việt và VNI.

LUYỆN CON MẮT NHÌN

Tình trạng vướng lưới này không chỉ trong ngành điện toán với mạng lưới toàn cầu, nhưng trong nhiều hoàn cảnh cuộc sống. Tự nhiên cái bị lưới chụp xuống, càng giẫy càng bị vướng thêm!

Truyện kể về một ông vua Ấn Độ thời nước Anh còn “bảo hộ”. Một hôm ông vua này được đưa sang “mẫu quốc” để chiêm ngắm những kỳ công vĩ đại mà bái phục. Một trong những trò mới lạ mà Ấn Độ chưa bao giờ có là bóng tròn. Trận bóng đang diễn ra thật hào hứng, khán giả hò hét vỗ tay rầm rộ, kể cả vua nước Anh ngồi bên cạnh cũng đứng lên tán thưởng theo hứng khởi của mọi người. Nhưng ngược lại ông vua Ấn Độ thì luôn nghiêm nghị và tỏ dấu tội nghiệp những ” bể khổ trầm luân” của đám cầu thủ. Một hồi lâu chịu hết nổi, ông đứng lên xin ra về, và không quên rút ra trong túi một bó tiền bảo cận thần: “Đi mua cho mỗi cầu thủ một trái banh. Gì đâu mà hơn hai chục đứa tranh nhau có một trái!”

Cũng giống như truyện một bà cụ lần đầu được đi tham dự một buổi hòa tấu và trình diễn những bài hát đa âm. Mọi khi bà vẫn thưởng thức những bài hát câu nào ra dấu đó nên hôm nay bà chê ra mặt: “Hát chả ra làm sao cả! Gì  mà lộn xộn quá chẳng đều nhau, đứa này phải hát đuổi theo đứa kia, bè trên bè dưới chia rẽ chẳng biết đoàn kết nhất trí!”

Như vậy cứ nói là chia rẽ hay đoàn kết thì nghĩa cũng tương đối lắm. Nhiều khi tự tạo cho mình và đè trên cổ người khác những khổ đau và khó chịu không cần thiết. Cũng chỉ tại chưa luyện được con mắt để nhìn rộng hơn cái vốn khư khư nhốt giam trong đầu mình.

NƯỚC CHẤM GỎI LÊ THỊ THÀNH

Thánh Nữ Agnes Lê Thị Thành

Nhà xứ Lê Thị Thành ở New Orleans “chuyên trị” một loại nước chấm gỏi nổi tiếng, ai ăn được một lần là quên mọi thứ nước chấm khác. Vì cách pha chế tài tình biến thành khoái khẩu như thế mà được đặt tên là Nước Chấm Gỏi Lê Thị Thành, dung hóa được những chanh chua, mắm mặn, đường ngọt, riềng ớt cay. Ấy cũng là để ca ngợi một người mẹ, một thánh nữ duy nhất của Việt Nam, đã biết “điều quân” biến chế mọi mùi vị cuộc đời thành “khúc hát dâng tình”.

Nguyên tắc nhớ: 2 chanh, 1 mắm, 5 đường.

Thí Dụ Thực Hành Cách Pha Chế Nước Chấm

2 cúp nước chanh vắt.
1 cúp mắm tôm.
2 cúp rưỡi đường, nấu nước sôi pha thành 5 cúp.
1/2 cúp riềng xay (riềng tươi càng tốt).
1/2 cúp rượu lễ.
1/2 cúp mè (vừng).
Thêm ớt nếu thích.

Cách Sửa Soạn

  1. Trộn mắm và chanh, quấy khoảng 1 giờ, mắm thơm dần ra. Có thể dùng máy đánh trứng mà đánh cho nhàn và nhuyễn hơn. Nên để ngoài trời hay dưới máy hút cho khỏi hôi nhà.
  1. Nấu nước sôi, pha đường, để nguội.
  1. Rang mè cho vàng, để nguội.
  1. Riềng xay hay giã. Riềng tươi thì ngon nhất. Có thể dùng riềng nhiều hơn nếu thích.

Cách Pha Chế

Sau khi đã quấy mắm xong, lấy mắm pha với nước đường, quấy cho đều. Cho riềng, rượu lễ, ớt (tùy thích ăn ớt hay không), quấy đều. Nếm thử, nếu thấy nhạt thì thêm nước mắm vào, nếm cho vừa. Đây là lúc khá quan trọng.

Khi ăn, đổ mắm ra tô, rắc mè lên cho thơm và đẹp.

Mắm dùng để ăn gỏi cá, thịt nướng, bún. Tuyệt lắm, khỏi chê vào đâu được.

TIN VUI GỬI NGƯỜI TÌM GỠ RỐI

Trên đây là một đoạn trích trong sách Đường Nở Hoa Lê Thị Thành. Những trái nghịch trong cuộc sống thì nhiều lắm, gỡ cái này chưa xong thì lại sinh ra cái khác! Mà nhiều khi càng gỡ càng rối càng vướng thêm!

Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ một lối gỡ rối khác với những nhà truyền đạo khác: là phải biết nhìn ra cái ích lợi của nghịch cảnh để nối kết, dung hóa và biến chế thành niềm vui mà thưởng thức. Nghịch cảnh như những màu sắc tím xanh đỏ vàng, như những xung khắc cạnh tranh trong sân thể thao, như những trầm bổng trong một bài hát đa âm, như chanh chua, mắm mặn, riềng ớt cay… Mọi sự xem ra trái ngược quá đi! Chê ghét chối bỏ chúng thì chỉ có thiệt thôi, mà còn bị chúng hành hạ nữa. Chứ với con mắt thần như thánh Phaolô thì nhìn ra được “mọi sự xảy ra đều đi liền với nhau sinh ích cho những ai được Chúa thương yêu” (Roma 8:28).

Đúng vậy. Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ “lên núi cao và biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến như thế” (Mc 9:1).  Các môn đệ tất nhiên là thích thú lắm: “Thầy ơi, ở đây sướng quá”.  Nhưng rồi Chúa Giêsu nói ngay: để được sáng lên như vậy thì phải trải qua đau khổ và thập giá. Quả là Ngài đã luyện cho các môn đệ con mắt nhìn nối kết được những tím xanh đỏ vàng để thấy được cầu vồng rực rỡ, điều hợp được những gì xem ra lộn xộn và trái ngược để thấy được niềm vui, được vẻ huy hoàng. Đó là đạo Trời. Cũng vì vậy mà các sơ dòng Mến Thánh Giá có khẩu hiệu: Qua Thập Giá Tới Vinh Quang (Per Crucem Ad Lucem).

Vậy đâu là những nghịch cảnh tôi đang phải đối đầu? Đâu là những màu tím xanh đỏ vàng, những chanh chua mắm mặn ớt cay, đâu là những lộn xộn đang làm tôi vướng lưới? Xin cho con mở được con mắt của niềm tin, để nhìn vượt qua được những lưới vướng rối tung, những nghịch cảnh không sao tránh khỏi, để thấy được  lẽ tất nhiên của đạo Trời, như Chúa đã chỉ cho các môn đệ trên núi. Và con cất lời như thi hào Hàn Mặc Tử sau khi bị hành khổ khốn cùng bỗng được mở con mắt thần nhìn vượt qua cả bốn mùa trầm bổng nối tiếp để thấy được lúc nào cũng chỉ là mùa xuân ân sủng:

Tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước,
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang.
Thiên hạ bình và Trời tuôn ơn phước.
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.

Trích “Vũ Khúc Thăng Ca” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau