Tin Vui 5B – THỜI ĐIỂM ĐIỆU VŨ CỦA MAI

Cây mai hay cây thủy tiên đều có đạo, đều biết cầu nguyện. Chả lẽ mình là con người lại không biết đạo Trời?! Chả lẽ mình không để ra được 10 hay 15 phút mỗi ngày để đi vào tĩnh lặng, tìm nối được vào dòng sức sống là chính Thần Linh Chúa vẫn đang hiển hiện? Và kìa lạ quá: “Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn”.

Ngày đầu năm theo lịch Tây nằm vào cao điểm mùa đông giá lạnh, cảnh vật tiêu điều. Trái lại, ngày Tết của mình mang đầy ý nghĩa, nhằm vào lúc trời đất bắt đầu cựa mình khai mở mùa xuân. Đúng là ngày khởi đầu một tiết nhịp mới.

TẮM NẮNG ĐÀO

Ngày Tết mà nhà không có một cành mai hay cành đào thì xem ra như thiếu vắng một cái gì rất quan trọng. Người trồng mai thì biết nhịp vũ “đạo sống” của mai. Trước Tết cả tháng đã phải vặt hết lá cho cành thật trơ trụi. Ai không thấy được “lẽ đạo” của mai thì cho chuyện vặt trụi lá như vậy là kỳ cục, đang tự nhiên tự lành đi làm cho “con nhà người ta” ra xơ xác, xem ra bị tước đoạt mất hết chả còn gì! Vậy mà lạ lắm, gần đến ngày Tết thì những cành trơ trụi kia bắt đầu đơm nụ, và đúng buổi sáng sang xuân thì nở rộ những bông hoa tươi thắm đầy sinh động.

Thì ra trời đất vẫn xoay vần theo nhịp theo điệu. Có lúc thì xuống thật thấp, như những củ thủy tiên bị vùi dập cho “chết” đi từ tháng mười năm trước, nằm im lìm sâu dưới “lòng đất lạnh”. Vậy mà sức gì lạ lắm: đúng tiết đúng nhịp thì bật lên những mầm non đầy nhựa sống. Rồi nở ra những bông hoa rực rỡ đủ màu hấp dẫn quá chừng. Như vậy thì trời đất có lễ nghi giao thừa đàng hoàng đấy chứ. Khi “chết” thì biết mình chết, không giẫy giụa la hét như con người. Vì củ thủy tiên khi bị vùi dập đã “thấy” trước ngày lễ bàn giao của sự cựa mình đất trời mà hòa vào khúc luân vũ. Nó “thấy” được bên dưới đợt sóng sinh tử chuyển vần là một sức sống Thần Linh duy nhất, nên nó an nhiên nhảy múa theo nhịp dòng đời.

Con trăng có nhịp, con nước thủy triều có nhịp lên xuống. Con tim cũng có nhịp. Có những lúc sau một thời gian u ám tối tăm như hết đường, thì tự nhiên một sức đột biến thật lạ. Khúc Hát Dâng Tình trong Kinh Thánh đã diễn tả sức đột biến này bằng một hình ảnh hết sức tình tứ, như lời Chúa Xuân nói với con người:

Lời chàng văng vẳng bên rào
Em ơi tỉnh dậy ra chào Chúa xuân.
Mưa ngớt tạnh đông tàn băng giá
Hoa đồng nhà muôn đóa khoe tươi
Nhạc xuân rộn rã nơi nơi
Ngàn chim đua hót vang trời líu lo.
Trái vả chín hồng tô rực rỡ
Nụ nho tươi thắm nở ngọt ngào
Lời chàng nồng ấm siết bao
Dậy mau mình tắm nắng đào đầu năm.

(Diễm Tình Ca 2:10-13, Đào Mộng Nam chuyển thơ)

BẮT LẠI NHỊP MỚI

Công thức diễn tiến cuộc đột biến rất giống nhau, như nhịp vũ của bánh dầy bánh chưng trong văn hóa Việt tộc: cành mai phải xả trống cái hộp vuông bưng bít nhốt giam mình lại là những chiếc lá cũ vốn làm dáng cho mình, để hòa nhập đón nhận sức sống mới của Trời tròn bánh dầy viên mãn làm bừng nở những nụ hoa xuân. Mọi sự bỗng trở thành mới, với trời mới và đất mới, trong một tiết nhịp mới.

Nhà văn Nguyễn Tuân trong bài tùy bút Đẹp Lòng đã diễn tả cái cảm nghiệm đột biến thật kì thú này trong một sự chuyển mình đột ngột:

“Sớm nay tự nhiên tôi đâm bỡ ngỡ đứng trước cuộc sống đầy sinh thú. Cuộc sống có thể sán lạn đến thế kia ư? Và tôi lại được có, để mà thấy mọi cái sán lạn? Tôi muốn tỏ một lời cám ơn… Ta chỉ biết có đạo sống. Ta cũng bắt chước tín đồ kia, nói lên một lời để công nhận phép mầu của đạo Sống, vì chưng một buổi sớm mai này, phép đó đã cho ta thấy rõ ý nghĩa cuộc sống. Nếu ta còn bị Buồn, Hờn ám ảnh đến nỗi quên điều vui trong đạo sống, là chỉ tại ta thiếu hẳn thành kính với cuộc sống. Bắt đầu từ nay, ta thắp một nén hương trong tâm vui để mà sống để khỏi phụ những cái gì đã cấu tạo nên ta. Lòng ta sẽ rung động trước mọi cái hiền lành thơm ngát…

Lòng tôi đang như một đóa hoa gặp thời nở đủ. Bao nhiêu cái thuần túy, thơm tho, lành đẹp của tâm hồn, tôi đều muốn được tiết ra ngoài cho mọi người thấy.

Là một đóa hoa nở tung, lòng tôi còn có thể nhận được mọi cái từ ngoài đưa vào, bất cứ là lành hay độc… Lòng tha thứ ở người tôi, lúc này rất thừa thãi. Tôi muốn đem nó ra dùng với tất cả mọi người. Nghĩ đến tội lỗi của mọi người đã gây nên và có thể gây thêm ra nữa, tôi muốn viện những trường hợp giảm đẳng ra để bào chữa cho họ.

Nghĩ đến mọi sự bất công xã hội này, tôi chỉ lạc quan đặt mong mỏi của mình vào lẽ tiến hóa của loài người rồi thế nào một ngày nào cũng phải đi tới chỗ tận thiện tận mĩ…

Sáng nay tôi vui vẻ với tất cả người ngoài đường. Và mọi người nhìn tôi với bao vẻ hiền từ.

Trời hôm nay, là một trời đầy màu sắc. Tương lai; tôi thở toàn những khí lành của của bầu không khí không vấn tí bụi, trong như thủy tinh…

Tôi đang sung sướng vì thấy lòng mình vui, rộng, và biết yêu mọi người, mọi vật, và tôi tưởng mình từ giờ về sau có thể không bao giờ làm được tội ác, phải nói dối hay là để lụy phiền đến ai…”

TIN VUI NHẬN DÒNG NHỰA MỚI

Cảm nghiệm của nhà văn Nguyễn Tuân đúng là một thể hiện sức đột biến trong ngày đầu năm mới. Những gì xem ra ứ đọng ám ảnh và bệnh hoạn tự nhiên tan biến khi hòa mình được vào một dòng sống mới, tiết nhịp của đất trời. Sự đột biến luôn kinh ngạc lạ lùng, không do sức riêng của mình nữa. Đó là những phép lạ của đời sống.

Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu đã thể hiện sự đột biến này nơi những người đau ốm bệnh tật:

“Chiều đến khi mặt trời lặn, người ta dẫn đến người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỉ ám, và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỉ…” (Mc 1:32-34)

Bí mật gì đã làm cho Đức Giêsu đầy quyền năng như vậy? Câu trả lời thật đơn giản:

“Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”. (Mc 1:35)

Đúng thế, khi làm người, Đức Giêsu cũng mang thân phận yếu sức như bất cứ ai, nhưng Ngài đã buông xả cái hộp vuông bánh chưng vật chất của tiểu ngã để hòa nhập được vào cõi tròn đầy bánh dầy đại ngã tâm linh là chính Chúa Trời Đất toàn năng và luôn hiện diện. Diễn tiến cuộc đột biến bắt được nhịp này thường vẫn được gọi là cầu nguyện, là tĩnh niệm, là kết hợp với Chúa.

PHÚT CẢM NHẬN

Dịp đầu năm mới, mà cũng là dịp chuyển mình bước vào năm 2000, chả lẽ mình cứ chịu nhốt tù trong cái hộp vuông cũ rích, khư khư giữ lấy nếp sống duy vật hiện tại khiến đời sống mình mỗi ngày mỗi cằn cỗi? Theo phong tục Việt vào dịp Tết, mình mặc chiếc áo mới, tha thứ xả buông mọi ứ đọng, từng lời ăn tiếng nói đều mới. Ngày Tết đúng là một ngày mẫu, ngày điển hình cho mỗi ngày trong năm. Cây mai hay cây thủy tiên đều có đạo, đều biết cầu nguyện.  Chả lẽ mình là con người lại không biết đạo Trời?! Chả lẽ mình không để ra được 10 hay 15 phút mỗi ngày để đi vào tĩnh lặng, tìm nối được vào dòng sức sống là chính Thần Linh Chúa vẫn đang hiển hiện? Và kìa lạ quá: “Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn”.

Trích “Khúc Sáo Ân Tình, cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường  

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau