Tin Vui 27B – THỜI ĐIỂM MÊ CHỤP HÌNH

Sau một cuộc hành trình dài trên 110 triệu dặm, phi thuyền Pathfinder đã đáp được xuống Sao Hỏa vào đúng ngày quốc khánh Mỹ. Cứ mong sẽ gặp được những người hỏa tinh ra đón  như đã từng tưởng tượng, nhưng rồi chỉ toàn thấy đất đá lô nhô, có chăng là một vài dấu vết phỏng đoán có chất nước từ mấy tỉ năm về trước và có thể có sự sống chăng.  Thế là những cao vọng của những nhà khoa học tự nhiên tắt rụp!

ĐẠI HỘI NHẠC ROCK TRÊN HỎA TINH

Nhưng những nhà khoa học vẫn còn cố lạc quan tổ chức một “đại hội nhạc Rock” trên đó. Đây chính là ngôn ngữ của họ diễn tả cuộc “nói chuyện” giữa các cục đá ngồi lổn ngổn quanh phi thuyền. Họ đặt cho những hòn đá ấy những tên khác nhau cho có vẻ mang chất sống, như ếch, nhím, trái trứng, cá mập, Yogi, Scoopy Doo… Rock là đá, mà cũng là loại nhạc nhảy nhót mà. Các nhà khoa học đã dùng máy quang tuyến phổ kế Alpha Proton để rọi tia quang tuyến X vào đá, phân chất xem chúng được tạo do những chất gì. Thế là các hòn đá đã “trả lời”, cho biết gốc gác của mình… làm nên một cuộc “nói chuyện” hòa tấu cho bớt tủi. Tìm người hỏa tinh hay mầm sống không được thì tìm đá đỡ vậy. Có điều đá trên sao Lửa cũng không khác đá của trái đất ta bao nhiêu. Vì hỏa tinh và trái đất là hai anh em cùng được mặt trời sinh ra từ trên 5 tỷ năm về trước, và dù mang tên là sao Lửa nhưng lại có độ lạnh khủng khiếp về ban đêm là 130 độ F dưới 0, và kích thước chỉ bằng nửa trái đất.

CHỤP ĐƯỢC NHỮNG KINH NGẠC

Con người đang đi tìm hạnh phúc một cách vất vả và tốn phí vậy đấy. Nhưng những phút kinh ngạc sảng khoái nhất thường lại đến vào những lúc bất ngờ, qua những chuyện xem ra thật tầm thường, gần gũi trong cuộc sống, ngay trong tầm tay, ở ngay trong nhà mình, chứ có phải vất vả tìm mãi đâu xa! Con mắt nhà ảnh thường chụp được nét thần này.

Ở cái thời mà máy chụp còn rất sơ khai tại Việt Nam, một hôm đi xem triển lãm ảnh ở Hà Nội, nhà ảnh Nguyễn Cao Đàm kể lại cảm nghiệm bắt đầu mê chụp hình do một chuyện thật tình cờ:

“Có một tác phẩm làm tôi rung động đến sửng sốt, đó lá tác phẩm chụp mấy chiếc lá súng sau cơn mưa của Phạm Ngọc Chấn. Những giọt nước trái sáng, sao mà long lanh đến thế… Tác phẩm làm tôi rung động mãnh liệt. Tôi thấy đó là tôi, với hết nghĩa của nó. Mà có gì đâu, chỉ vài cái lá súng và vài giọt nước… Làng tôi là vùng nhiều nước, lá súng có rất nhiều, mà sao lâu nay tôi không để ý đến. Mà vùng quê tôi còn nhiều thứ đẹp nữa… Tôi bắt đầu cầm máy. Nói về đề tài sáng tác: quanh nhà chúng ta, quanh ngõ chúng ta, quanh làng chúng ta, quanh đất nước chúng ta, đâu đâu cũng là một kho đề tài vô tận. Và nhà ảnh đeo máy lên vai”.

Claude Monet là một họa sĩ nổi danh của Pháp, thích vẽ hoa súng do chính ông trồng trong ao vườn của ông tại vùng Giverny khoảng 40 dặm phía tây bắc Paris. Cũng một ao súng xem ra tầm thường mà ông vẽ tới vẽ lui. Tâm tình thay đổi khác đi qua màu sắc và ánh sáng vào nhiều lúc khác nhau: ban sáng, ban trưa, rồi ban chiều. Ông bảo vẽ một lá cây cũng trân quí như vẽ một người đẹp làm mẫu. Monet đã thành công là vẽ được chính hồn mình, mà cũng là hồn của mỗi người đang đi tìm những phút giây an tĩnh khi hòa mình vào sức sống của vạn vật.

Cũng mấy bông súng tầm thường mà sao nhà ảnh Trần Cao Lĩnh đã lột được linh hồn “Việt Nam Quê Hương Muôn Thuở” qua bức hình “Chiếc Cầu Ao”. Một cô gái quê đang ngồi ở cầu ao nhúng chân xuống ao súng, chạm vào nước mát, nối vào chất sống Việt Nam, như kiểu

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Nhà ảnh Trần Cao Lĩnh đã làm cho người xem xúc động, không rời mắt được, vì đọc được chính mình trong đó. Ông đã bơm được chất sinh động vào cảnh tĩnh là vì ông “biết lột vỏ ngoài tầm thường để thấy rõ được giá trị bên trong của hình ảnh” như lời ông nói về “động tĩnh trong ảnh”.

Nhà ảnh Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Cao Đàm chụp hình. Tấm ảnh có hồn vì chụp được hồn mình trong đó, những u uẩn trong tim không sao diễn ra nổi, những lóe hy vọng mong manh chưa lộ diện. Mà cũng là chụp được hồn người xem và hồn của một dân tộc nữa. Trời ơi, đúng đây rồi, mình đã trăn trở lâu mà chưa sao tìm được câu trả lời. Tuyệt vời quá. Rời ra sao nổi! Cái vẻ đẹp hút hồn của tinh thần Việt Nam qua bức hình chụp hai bông lan với tựa đề “Trong Ngọc Trắng Ngà”. Dòng tình yêu của mẹ Việt Nam luân lưu suốt lịch sử, chuyển sức sống vào từng mạch máu đàn con qua tấm “Quạt Nồng”. Cái sức sống đó hiển hiện quanh đây trong ánh mắt kiên trì chịu đựng nhưng cũng đầy hy vọng của mẹ tôi, mà cũng là của Tiên Âu tổ mẫu.

Cũng là cảnh đánh cá mệt nhọc mà sao nhà ảnh Trần Cao Lĩnh đã thấy và ghi lại được nét sinh động đầy niềm vui như triệu triệu hạt vàng long lanh trong “Mẻ Cá Đầu”.  Cũng là đồng ruộng Cửu Long với lam lũ cầy bừa mà sao con mắt thần kỳ của nhà ảnh này đã nhận ra nét an nhiên hài hòa đất trời qua tấm “Người Ta Đi Cấy”, chứ không phải “người là con vật kinh tế” chỉ biết tranh mồi hay chỉ biết tranh gáy như con gà, đánh giá một người bằng “dóp thơm” hay “dóp giổm”.  Người đánh cá hay một người làm ruộng như đang là một nghệ sĩ hòa nhịp vào khúc luân vũ đất trời, hay như một nhà hiền triết vượt trên cả mọi thứ bằng cấp.

Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời trông nước trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng.

TIN VUI TÌM LẠI ĐƯỢC CON MẮT THỨ BA

Ai lái xe cũng đều biết thế nào là điểm mù. Xe ở xa thì thấy được, mà khi chạy sát bên cạnh xe mình thì lại khó thấy nhất. Đó là điểm mù. Đứng núi nọ trông núi kia cao, nên mới sinh đổ vỡ gia đình, tạo ra biết bao thảm cảnh. Đây cũng là dấu chỉ thời đại khi cặp mắt con người bị che mờ bởi những ham muốn càng ngày càng chồng chất và phức tạp đến độ khủng khiếp,  chỉ thích tìm những gì ở mãi xa vời mà đánh mất hạnh phúc giản đơn ngay trong tầm tay, ở ngay trong nhà mình. Con mắt nào mở ra được vào năm 2000?

Đó là tìm lại được con mắt thứ ba, con mắt của tâm, con mắt đơn sơ hồn nhiên như trẻ nhỏ, chưa bị những dục vọng làm méo lệch. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”.

Mẹ Têrêsa đã thể hiện điều trên bên xứ Ấn Độ, không phải bằng những chuyện lớn lao qui mô, mà bằng từng cử chỉ thương yêu nhỏ bé: “Nếu có ai cảm thấy Chúa muốn họ thay đổi cơ cấu xã hội, thì đó là chuyện giữa họ với Chúa. Còn chúng tôi chỉ phục vụ theo kiểu được gọi. Tôi được gọi để phục vụ từng người một, để thương từng người nghèo một, chứ không phải đương đầu với cả guồng máy xã hội. Tôi chẳng phải đóng vai trò phê phán nào cả”.

Mẹ đã mang được con mắt của một nhà ảnh đích danh, thấy và chụp được nét Chúa cả nơi những gì đáng sợ nhất. “Một hôm có một thiếu nữ ngoài nước Ấn muốn nhập Dòng Bác Ái. Chúng tôi có điều lệ là ngay ngày hôm sau, người mới tới phải đi thăm Nhà cho những người đang hấp hối. Vì thế tôi bảo cô gái: “Con đã thấy linh mục trong thánh lễ chứ: ngài chạm tới Mình Thánh Chúa Giêsu với vẻ yêu mến và thận trọng. Vậy thì con cũng làm như vậy khi đi thăm nhà cho người đang hấp hối, vì cũng một Chúa Giêsu con sẽ nhìn thấy đó trong những tấm thân èo ọt nghèo khổ.”

Và cô ta đi. Sau ba giờ cô ta trở về với một nụ cười thật tươi, tôi chưa bao giờ thấy một nụ cười như thế. Cô nói: “Thưa mẹ, con đã chạm tay được vào thân mình Chúa Kitô trong ba tiếng đồng hồ.” Và tôi hỏi cô ta: “Thế nào, con đã làm cái gì?”. Cô ta trả lời: “Khi chúng con tới nơi, người ta mang đến một người mới bị té xuống rãnh nằm dí dưới đó một hồi lâu. Người ông ta đầy vết thương, bùn đất và bọ, và con đã lau chùi cho ông ta, con ý thức rằng con đang đụng chạm đến thân mình Chúa Kitô.”

Vâng, con tin nhận Lời Chúa là Tin Vui cho thời điểm đời con lúc này. Qua thái độ lắng lòng hồn nhiên trở về nội tâm, mắt con được bật sáng thấy được vẻ kinh ngạc của cuộc đời. Xin cho con tìm lại được con mắt thứ ba, con mắt của tâm, như Hàn Mạc Tử,  để thấy được mọi sự, mọi vật, mọi chuyện xảy ra, đều là tiếng của Chúa Trời đang ngỏ lời thương yêu:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau