Tin Vui 21B – THỜI ĐIỂM MẶT TRĂNG CHỈ NGÓN TAY
Trong cuốn “Đối Thoại với Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” một trong 18 tác giả của nhóm Giao Điểm là ông Hoàng Hà Thanh đã định nghĩa đức tin một cách tỉnh bơ như thế này: “Đã là đức tin, không bàn cãi, không có gì sai trái cả” (tr. 161). “Tôi không có ý kiến gì về giáo lý tội tổ tông (doctrine of the fathers’ sins) của Kitô giáo. Lãnh vực này thuộc về đức tin, tin là có tội do ông cha để lại, tin rằng Chúa sẽ tha tội. Mà đã là đức tin, ta không thể bàn cãi. Văn nhân thi sĩ tin là trên Nguyệt Hằng có thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Thi sĩ cứ làm thơ, văn nhân cứ sáng tác, độc giả vẫn thích thú đọc và phi hành gia cứ đổ bộ xuống mặt trăng..” (tr.170)
Rồi ông Đặng Nguyên Phả lại liều lĩnh đi ngược lại giáo lý nhà Phật: “Theo Trí Huệ của Phật Giáo, thì chỉ tin vào Chân Lý tức là “Sự Thật”, tin vào những gì có thể chứng minh được, qua thực nghiệm cuộc đời, chứ không tin những gì giải thích qua thần quyền huyền hoặc” (trang 27).
Với thái độ nghiêm chỉnh, ông đỗ Mạnh Tri trong cuốn Ngón Tay và Mặt Trăng, đã “nói với 18 tác giả Giao Điểm”: “Lòng tin không cần bàn cãi sao? Hoàng Hà Thanh viết “đã là đức tin, không bàn cãi, không có gì sai trái cả”. Hoàng Nguyên Nhuận cũng cùng một ý: Đúng sai, phải trái, không tùy thuộc vào nội dung của đức tin”, nhưng cả hai chẳng những bàn cãi mà còn phủ định. Tin Chúa tha tội, cũng như tin rằng trên cung trăng có thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Vì thế mới bảo thi sĩ cứ làm thơ, phi hành gia cứ đổ bộ xuống mặt trăng thì rõ ràng là sai trái, chẳng những sai trái mà còn ngớ ngẩn. Hoàng Nguyên Nhuận coi Đức Tin theo Thiên Chúa Giáo là ý nghĩa tối hậu, đúng sai phải trái không tùy thuộc nội dung. Nhưng nếu “mỗi chữ mỗi câu của các giáo quyền Kitô giáo đều là tín lý bất di dịch” như tác giả khẳng định, và nếu đấy là nội dung của đức tin công giáo thì, đồng ý, thà đừng tin còn hơn. Đặng Nguyên Phả chủ trương chỉ tin vào chân lý, tức “những gì có thể chứng minh được”, và tác giả thẳng thắn phủ định một đức tin dựa vào “giải thích qua thần quyền huyền hoặc”. Tôi thấy Hoàng Hà Thanh và Hoàng Nguyên Nhuận tự mâu thuẫn. Nói rằng không bàn cãi, không có gì sai trái, nhưng lại bàn cãi, hơn nữa, lên án. Vậy phải bàn cãi. Chẳng hạn, một sự thật “chứng minh được” có cần tin không? Toán học, khoa học luôn luôn chứng minh. Đây có phải lãnh vực của tin? “Đức tin có làm đông đặc không gian và thời gian, suy tư và hy vọng” đến nỗi “không còn gì để phân vân, khao khát, kén chọn”? (tr. 103-104)
“Tin vào một Thiên Chúa toàn năng mà để cùng hàng với chuyện ông Táo chầu Trời, chú Cuội cung trăng thì thật thiếu nghiêm túc” (tr. 107)
NHỮNG NGÓN TAY LÔNG LÁ
Sao ông Hoàng Hà Thanh lại có thể quả quyết “Đã là đức tin, không bàn cãi, không có gì sai trái cả” (tr. 161) và ông Đặng Nguyên Phả lại dám phá bỏ đức tin nhà Phật: “Theo Trí Huệ của Phật Giáo, thì chỉ tin vào Chân Lý tức là “Sự Thật”, tin vào những gì có thể chứng minh được, qua thực nghiệm cuộc đời, chứ không tin những gì giải thích qua thần quyền huyền hoặc” (trang 27)?! Ở Mỹ có một số người theo đạo Satan, chuyên môn đi giết người để hút máu như vụ con bé Heather Wendorf ở Florida. Chúng tin rằng hút máu như vậy sẽ được trường sinh. Rồi vụ mấy chục người ở San Diego tự tử tập thể với niềm tin có thể bay theo kịp sao chổi. Tin như vậy mà không bàn cãi, không có gì sai trái làm sao được?! Và còn biết bao điều mê tín dị đoan thì sao?
Bảo rằng đức tin không có gì sai trái, rồi lại nói đạo Phật chỉ tin vào sự thật, mà sự thật này lại phải được chứng minh bằng thực nghiệm cuộc đời, thì thực là mâu thuẫn quá. Nói như vậy cũng có nghĩa là ông muốn phá bỏ nhiều niềm tin trong Phật Giáo, chẳng hạn như niềm tin về đời sau với Mục Kiền Liên và người mẹ qua dịp lễ Vu Lan! Vì nhiều điều tin trong Phật giáo có thực nghiệm nào chứng minh nổi đâu? Và như vậy không còn phải là chân lý đáng tin nữa sao? Rất may chẳng mấy ai hiểu rằng các ông này nhân danh Phật Giáo mà đối thoại hay bút chiến với Đức Giáo Hoàng và Công giáo cả. Vì chắc chắn đây không phải là giáo lý của nhà Phật, mà còn chống lại đức tin Phật giáo là đàng khác. Cũng như ở phía đạo Chúa chẳng thiếu gì những người có những luận điệu rất lạ tai và cũng rất “thực nghiệm” kiểu đó, như Hans Kung trong Công giáo, và như Bultmann trong Tin Lành.
Thực ra những luận điệu trên chẳng khác gì của nhóm Thời Mới (New Age) là mấy, cũng nhằm nói lên một điều: tôn giáo đã lạc hậu, cản bước tiến hóa con người, không còn hợp với thời mới vì cũng không chứng minh bằng thực nghiệm được, cần phải loại bỏ đi là vừa. Hiện nay nhóm này có một kế hoạch hoạt động đang chế ngự nhiều lãnh vực ở Mỹ cũng như trên thế giới, đặc biệt về ngành giáo dục và tư tưởng. Tiếng nói của nhóm là tờ “New Age”. Và cuốn “hiến chương” chính của nhóm rất có ảnh hưởng này là “The Aquarian Conspiracy” , tạm dịch là “Mưu Đồ Cho Hai Ngàn Năm Tới”. Vì họ dựa vào múi tử vi vận hành trăng sao: hai ngàn năm đang qua là thuộc con cá biểu trưng của Kitô giáo, hai ngàn năm tới là dấu hiệu người xách nước, cần phải khai trừ Kitô giáo. Nhóm này khéo cấu kết, móc nối để khai thác một số lý thuyết từ những truyền thống đông phương và bóp méo đi cho phù hợp với luận điệu của họ, thổi phồng và hỗ trợ một số trào lưu và sách báo có lợi cho họ.
Chủ trương căn bản của Mưu Đồ Thời Mới là:
- Loại trừ mọi tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo ra khỏi hai ngàn năm sắp đến. Chẳng có Chúa tạo dựng quan phòng nào cả. Vũ trụ chẳng qua chỉ là một khối lực tự sinh, không ngôi vị. Ánh sáng chân lý tự tỏa từ bên trong. Như vậy con người có thể dùng chính sức của mình chứ không cần ơn trên nào cả, để trở thành “Người Mang Ánh Sáng” (Lucifer), Người Xách Nước (Aquarian) mang sự sống.
- Không có gì tuyệt đối nên không còn phải tùy thuộc vào một hệ thống niềm tin tôn giáo nào. Mọi niềm tin và mọi chân lý đều tương đối, không có vấn đề sai trái. Muốn tin gì thì tin. Đây là một mưu đồ chiến lược hỏa mù đánh lận con đen: sau khi đã gây hoang mang xáo trộn và tẩy não loại trừ tôn giáo, thì đương nhiên một thứ tôn giáo mới ra đời với một cấu kết chiến lược Thời Mới của “Người Mang ánh Sáng”.
- Niềm tin chỉ là chân lý khi chứng minh được bằng thực nghiệm, có nghĩa là các tôn giáo đều là huyền hoặc, (kể cả đạo Chúa lẫn đạo Phật).
- Lũng đoạn những lãnh vực có ảnh hưởng lớn như giáo dục, tư tưởng, sách báo, truyền hình… để đám đông cứ thế mà theo một “trật tự mới” với bậc thang giá trị mới đã được mưu đồ đo lường tính toán. Lâu lâu lại cho một bảng thống kê của một “viện thăm dò” nào đó, moi dữ kiện từ đâu cũng chẳng ai biết được, rồi một ấn tượng chế ngự: đa số vậy cả mà, không theo là không giống ai.
TIN VUI MẶT TRĂNG CHỈ NGÓN TAY
Quả thực chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà mọi chân lý đang bị uốn bóp theo chiều hướng của nhiều kế hoạch khác nhau, khiến cho khó mà phân biệt nổi đâu là ngón tay thật đâu là ngón tay lông lá mang nét Thời Mới.
Đối với người tin Đạo thì đây là thời điểm khẳng định niềm tin của mình. Làm gì có chuyện đức tin không bàn cãi, không có gì sai trái! Làm gì có chuyện ngón tay nào cũng chỉ tới sự thật như nhau, vì có những ngón tay chỉ có thể cho thấy thằng Cuội là thằng hay nói dối chứ đâu có chỉ cách đáp được xuống mặt trăng như mấy người phi hành gia đã theo.
Rất may, đức tin đạo Chúa không dựa vào những ngón tay do người đời chỉ, cũng không phải do vị giáo quyền này kia, mà do chính Chúa tỏ lộ cho. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô khi được giác ngộ nhận ra Người là Đấng Kitô Con Thiên Chúa: “Con có phúc đức lắm, bởi vì không phải thịt máu, nhưng là chính Cha trên trời mở trí óc cho con biết điều này”. (Mt 16:17). “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy”. Chúa Giêsu mới là ngón tay chỉ đúng đường tới được mặt trăng, đến được với Đức Chúa Cha: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Gioan 14:5). Như vậy không còn vấn đề bất cứ ngón tay nào cũng chỉ được mặt trăng nữa mà là mặt trăng phải “lôi kéo”, phải chỉ cho thấy ngón tay nào là ngón tay thật, đường nào là đường đúng. Và đến lúc phải có thái độ dứt khoát chọn lựa con đường phải, chứ không nhập nhằng đánh lận con đen được.
Kinh Thánh nói rất rõ: “Nhiều lần trong quá khứ, và bằng nhiều lối khác nhau, Thiên Chúa đã bảo ban tổ phụ chúng ta qua những vị tiên tri; nhưng tới thời đại chúng ta, tức là vào những ngày sau cùng, Ngài đã nói với chúng ta qua người Con của Ngài, người Con đã được Ngài bổ nhiệm làm kẻ kế tự thừa hưởng tất cả gia tài, và đã được Ngài dùng mà tác tạo nên vạn vật. Người là ánh sáng chói chang của vinh quang Thiên Chúa, là bản sao rập chính xác bản tính của Ngài.” (Thư gửi Do Thái 1:1-3).
Sau khi vào được miền đất mới, dân Do Thái đã bị rối loạn niềm tin, chạy theo nhiều thứ “chân lý” mới “được chứng minh bằng thực nghiệm”, ông Giosuê đã phải lên tiếng cảnh tỉnh và khẳng định: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi chọn tôn thờ Thiên Chúa”. Và dân chúng đã nghe theo Giosuê mà chọn lại đường đi.
Các môn đệ Chúa Giêsu nhiều lần cũng bị hỏa mù như thế, đặc biệt là khi Người nói với dân chúng về chính Người là Bánh Hằng Sống thì “nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa”.
Giữa những hỏa mù về niềm tin trong thời đại mới, mỗi người tin Đạo Chúa không thể nhập nhằng ba phải được, mà sẽ dứt khoát chọn con đường đức tin như Phêrô: “Lạy Thày, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường