Tin vui 18B – THỜI ĐIỂM BỊ THÔI THÚC LÊN CƠN

Đang giữa mùa hè mà Gianfranco của hãng cà-vạt Wemco ở New Orleans đã vẽ kiểu cho mốt mùa thu rồi. Và hãng bắt đầu tung ra những bài viết và quảng cáo thôi thúc người ta phải chuẩn bị cho mùa thu sao cho hấp dẫn hợp thời, không thì thành già cỗi vất đi ngay.

Người vẽ kiểu dám nói thẳng thế này: “Tôi muốn tạo kiểu cà-vạt thật gợi cảm và gợi tình,” kiểu cà-vạt mà ai thấy cũng muốn nhào tới. Đúng vậy, loại cà-vạt này thật khiêu khích.”

Hãng cho biết một nghiên cứu khá lí thú là 64% người mua cà-vạt là các bà các cô mua để tặng cho các chàng. Họ biết rõ sở thích người mình thương: màu sắc nói lên tính tình người mang; người thắt nút lớn thì tính bạo và liều; người mang đồ bộ màu thẫm mà thắt cà-vạt màu đỏ là người trầm tính nhưng lại cương quyết dám đi tới… Nghĩa là ngầm bên trong quảng cáo vẫn là để lôi cuốn thị hiếu người đàn bà.

Như vậy mùa thu không còn phải là mùa lá vàng rơi xào xạc con nai vàng ngơ ngác thơ mộng nữa, mà là mùa nhắm tới thời điểm bán hàng dịp lễ Lao Động đầu tháng chín. Lạ lắm, ở Âu Mỹ mỗi tháng đều có một cơ hội “tốt” để bán hàng “on sale”. Khi thì ngày đầu năm, ngày Valentine, ngày hiền mẫu, ngày của bố, ngày lao động, ngày tạ ơn, thậm chí cả ngày chơi ma đầu tháng 11, và khỏi phải nói tới cao điểm là ngày lễ Giáng Sinh thấy Chúa giáng sinh thì ít mà thấy tiền văng ra thì nhiều. Các lái buôn khéo “thu xếp” rải đều ra vậy để thôi thúc người ta luôn có dịp phải ra chợ, đổi mốt mới, hàng mới, cho đời tươi trẻ, cho hạnh phúc tràn trề hơn. Hãng hột xoàn diễn tả hạnh phúc của một cặp uyên ương âu yếm thật đáng khát thèm, rồi ngay sau đó thì cô con gái giơ bàn tay búp măng ra với cái nhẫn kim cương lóng lánh tình yêu và nụ cười rạng rỡ kèm theo lời tự kỷ ám thị như để nhập tâm rót vào máu: nhẫn kim cương giữ cho tình yêu bền chặt và nụ cười tươi nở. Cứ thế mà nhiều bà nhiều cô lại đi tin cái thứ tình yêu hạnh phúc kiểu vậy mới phiền.

Mốt mới phát khởi một phần do thị hiếu, nhưng thực ra là do hãng thuê người luôn vẽ kiểu mới, rồi thuê người mẫu ăn khách mặc vào là mọi người phải thấy hết xẩy, thu hút quá chừng… Vậy là ai nấy cứ răm rắp tuân theo để được coi là hợp thời. Ai không theo kịp là bị loại. Rõ khổ! Thì ra các lái buôn đào tạo dư luận, khiêu khích thị hiếu, khiến cho khách hàng luôn khao khát không cùng… để mà theo kịp đà tiến. Thế là như bị thôi thúc lên cơn thèm khát dường như không cưỡng lại được. Con người trong xã hội tiêu thụ này luôn được hay bị chỉ cho thấy những nhu cầu mới, và dễ trở thành con mồi ngon cho các tay buôn.

Các khu vực thương xá được xây dựng thật hấp dẫn, đẹp đẽ và mát mẻ, tập trung hầu hết những tiệm lớn nhỏ. Vì thế mà một trong những sinh hoạt cuối tuần là đi dạo ở thương xá, trước hết là để tiêu mỡ, cho đỡ cuồng chân… Nhưng rồi những mặt hàng bầy biện thu hút khiêu khích và thôi thúc như thế kia, làm sao cưỡng lại được?! Mà đã bị lên cơn thì phải mua, nhưng mua về thì chưa chắc đã hài lòng… Cái màu ở tiệm đẹp vậy mà đưa về nhà lại nhạt nhẽo làm sao ấy. Cái kiểu áo cô người mẫu mặc hấp dẫn thế kia mà mình mua về mặc thấy chẳng giống ai! Cũng mua đúng kiểu cà-vạt mắc tiền được quảng cáo là gợi cảm nhất, mà đeo vào thì chả ma dại nào ngó cả! Chả lẽ đem trả lại?! Thế là thay vì vui hơn, lại thấy mình bất mãn thêm ra, và lòng tự tin tuột dù xuống tận đáy!

NỖI ĐÓI KHÁT KHÔNG TÊN

Nhiều người có cái kinh nghiệm là trong lúc đang ngồi ở phòng khách thì tự nhiên thấy mình muốn ăn hay uống một cái gì. Đứng dậy tới mở tủ lạnh nhấc món này lên bỏ món kia xuống một hồi rồi lại trở về chỗ ngồi mà vẫn cảm thấy mình cứ thèm một cái gì mà không có trong tủ lạnh. Cái cảm giác này được các nhà tâm lý gọi là “cơn đói khát không tên”. Nó phát khởi từ bên trong thẳm sâu chứ không phải là đói hay khát bình thường. Những lái buôn đã khéo biết được “cơn đói khát không tên” của thời đại mà khéo đánh lừa bằng những giải pháp do họ đưa ra là hãy nhớ mua món hàng của họ thì sẽ toại nguyện. Mà phải “nhớ lẹ lên, chỉ bán sale mấy ngày thôi, đến trễ không bảo đảm còn đồ, và sẽ hối hận!”

Các lái buôn đã thôi thúc đúng “nhu cầu” bản năng con người. Mà ba nhu cầu hạ đẳng thì chung với loài vật. Đó là nhu cầu ăn uống để sống, rồi đến nhu cầu có tiếng tăm nổi nang le lói do phải mặc đẹp ăn ngon cho tươi mát thu hút hơn, và nhu cầu truyền sinh gợi tình. Ba nhu cầu này nơi một con gà cũng thế: đời nó sinh ra là biết bới đống rác tìm mồi con sâu con bọ, rồi lớn lên chút nữa là biết tranh đua tiếng gáy ta đây, rồi cũng để thu hút “bạn” đời nữa.

Riêng con người nếu chỉ tìm ba thứ nhu cầu đó do những thôi thúc con buôn của nền văn minh vật chất này thì quả là đến một lúc thấy cuộc sống thật nhầy nhụa, vì mình được thôi thúc để trở nên giống súc vật hơn là thành người. Chả lẽ mình sinh ra trên đời chỉ có thế! Sinh ra đó, lớn lên đó, đua tranh tiếng gáy hơn thiệt, thèm khát những điều chẳng bao giờ thỏa. Và đây cũng là cơn giẫy giụa của con người trong “đỉnh cao” tiện nghi vật chất này. Mấy cuộc đánh nhau lớn nhỏ trên thế giới hay ngay cả ở Việt Nam cũng chỉ vì nước này muốn gáy to hơn nước kia, nhóm này tỏ ra ngầu hơn phe nọ, giành nhau miếng ăn to hơn và ngon hơn, chẳng khác gì mấy con gà tranh nhau trong đống rác ở vườn sau nhà.

TIN VUI HƠN BẨY HUYỆT ĐẠO

Một số tôn giáo đã hé mở được cánh cửa tới chiều kích cao hơn của con người. Người Ấn Độ đã diễn tả bảy nhu cầu căn bản của con người bằng cách vẽ lên 7 huyệt đạo. Ba nhu cầu hạ đẳng chung với súc vật là miếng ăn, tiếng gáy và tính dục được xếp thành nấc thang từ dưới lên trên. Con người phải vươn lên những nấc thang cao hơn để có thể đạt thành con người thực sự, thì mới thỏa cơn khát được, nếu không thì lùi lại thành con vượn con khỉ. Chỉ khác là con-khỉ-người đã trót mang cõi tâm vô biên, nghĩa là phải vượt tới trọn bảy nhu cầu. Vậy mà chỉ tìm ba nhu cầu hạ đẳng không thì cơn đói khát cũng sẽ vô tận luôn.

Chính vì thế mà Tin Vui tuần này được Chúa Giêsu loan báo là một Tin Vui đáp ứng thời điểm, lúc mà con người nhầy nhụa với những nhu cầu hạ đẳng mà chẳng bao giờ thỏa, và đói khát một nỗi không tên. Luyện cho nấc thang huyệt đạo lên đến huyệt thứ 7 chỉ là tượng trưng tương đối trong tầm sức loài người luyện công. Chúa Giêsu đã chỉ cho con người ở thời điểm này một cao điểm vượt lên tất cả, và chỉ khi đó con người mới được thỏa mãn những nhu cầu thực sự. Bởi vì chỉ có Ngài mới là bánh ban sự sống và là nguồn nước làm thỏa mọi cơn khát. Vì Ngài là Đường, là sự Thật và là Sự Sống.

“Anh em hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng là vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời”. “Thật Ta bảo thật anh em, không phải Mô-Sê đã ban cho anh em bánh bởi trời, mà là chính Cha Ta mới ban cho anh em bánh bởi trời đích thật… Họ liền thưa: “Xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Lạy Chúa, con như con nai sắp chết khát ngước nhìn lên Chúa trong tâm tình thánh vịnh 62:

Chúa là Thiên Chúa của con
Con mong tìm Chúa.
Hồn con đang khát chính Chúa.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau