Thứ Hai Tuần II – Mùa Chay, 26/02/2024
NHÌN VỀ THA NHÂN TỪ GÓC NHÌN TỘI NHÂN CỦA CHÍNH MÌNH

Lời Chúa: Đn 9,4b-10; Lc 6,36-38

Suy Niệm: NHÌN VỀ THA NHÂN TỪ GÓC NHÌN TỘI NHÂN CỦA CHÍNH MÌNH

Bản văn của Tin Mừng Luca hôm nay đặt chúng ta trong bầu khí của lòng nhân từ thần linh: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36). Ngay phía trước của bản văn này là lời dạy của Chúa Giêsu hãy yêu thương những kẻ thù ghét mình như Thiên Chúa vẫn làm như thế. Tuy nhiên, bản văn hôm nay còn đưa ra một điều kiện để có thể hưởng được lòng nhân từ của Thiên Chúa, đó là người ta chỉ có thể đón nhận lòng nhân từ của Ngài nếu như chính họ cũng thể hiện điều đó với tha nhân: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,37).

Như vậy, khi gay gắt với thiếu sót của tha nhân, mỗi người cũng phải ý thức rằng chính mình cũng ở trong tình trạng tội nhân và có thể bị Thiên Chúa xét xử bất cứ lúc nào. Cùng là tội nhân với nhau, mỗi người cần biết rộng lượng với tha nhân, để Thiên Chúa cũng rộng lượng với mình. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh, thế mà Ngài không xét nét, kết tội con người, nhưng Ngài sẽ không để yên nếu những tội nhân lại gay gắt với những tội nhân khác! Hãy biết nhìn về người khác từ góc nhìn tội nhân của chính mình. Nếu muốn cầu xin ơn tha thứ từ Thiên Chúa, thì cũng không thể không tha thứ cho tha nhân.

Từ đó, chúng ta có thể nói rằng: người trưởng thành là người có nhận thức về thực tại giới hạn của mình, để rồi cũng biết rộng lượng với tha nhân. Người trưởng thành là người đã có trải nghiệm về cuộc đời, đã nhận biết những yếu đuối và nhận biết những khó khăn, sự chậm chạp để vượt qua yếu đuối nơi chính mình, để trở nên nhân ái và kiên nhẫn với tha nhân. Ngược lại, người hung hăng và gay gắt trước giới hạn của tha nhân, là người, dù cho có nhiều tuổi, vẫn chưa là người từng trải, hoặc là một dạng người không thống nhất nhân cách, bởi vì họ không nhận biết toàn thể con người của mình. Đó là con người có lối sống phân mảnh, tức là mình thì yếu đuối nhưng lại gay gắt với yếu đuối của tha nhân. Đó thực sự là người có vấn đề về tâm lý. Vậy mới thấy lối sống của Tin Mừng làm cho con người trưởng thành toàn diện, cả về mặt nhân bản, tâm lý và tâm linh.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau