Green Latern

Phim khoa học viễn tưởng Green Lantern do đạo diễn Martin Campell cho ra mắt tháng 6 năm 2011 đã ẩn chứa một thông điệp về sự đấu tranh giữa hai thế giới, tạm gọi là thế giới tinh thần (đại diện là Green Lantern) và thế giới vật chất (đại diện là Parallax). Green Lantern là đội quân có sứ mạng bảo vệ sự hoà bình và công lý trong vũ trụ. Ngược lại, Parallax là những kẻ xấu muốn phá hoại sự cân bằng và bình yên của vũ trụ, và tìm mọi cách để giết hại thế giới loài người.

Vai chính trong phim Green Lantern do Ryan Reynolds thủ diễn trong vai Hal Jordan. Hal Jordan tình cờ được chọn để gia nhậm đội quân Green Lantern; anh được trao cho chiếc “nhẫn thần” để chiến đấu với quân Parallax. Tuy nhiên, sức mạnh thật không phải nằm ở chiếc “nhẫn thần,” nhưng nó lệ thuộc vào ý chí của Hal Jordan. Như thế, cuộc chiến đấu giữa hai thế giới, vật chất và tinh thần, thực ra là cuộc chiến đấu trong mỗi con người mà Hal Jordan đại diện. Cuộc chiến này không gì khác hơn chính là cuộc chiến giữa sự sợ hãi đối với lòng can đảm. Hay nói cách khác, đó chính là một cuộc thao luyện ý chí nhằm làm chủ sự sợ hãi trong con người của Hal Jordan. Như thế, trở ngại lớn nhất của Hal để chiến thắng không phải là Parallax, nhưng thực ra là sự sợ hãi trong chính con người anh ta. Vượt ra khỏi sự sợ hãi, Hal sẽ tìm gặp sự mạnh thật của mình. Nhận ra được điều này, Hal đã dùng ý chí của mình để chiến thắng sự sợ hãi trong con người mình, nhờ đó anh ta đã chiến thắng quân Parallax.

* * *

Vô uý – không sợ!

Chương đầu tiên trong tác phẩm nổi tiếng, The Power of Positive Thinking, Norman Vicent Peale đã đặt tiêu đề, “Hãy tin vào chính mình.” Đó chính là sức mạnh của con người mà nhiều khi chúng ta ít quan tâm hay không nhận biết. Ông Peale đã khẳng định, “Nếu không tin vào chính mình với thái độ khiêm tốn nhưng hợp lý, bạn sẽ không gặt hái được thành công và hạnh phúc.”[i] Thực vậy, kẻ thù lớn nhất của con người chính là sự sợ hãi. Sự sợ hãi như là một chất xúc tác hoá học kín đáo ngủ im trong con người chờ dịp thuận lợi để chiếm ngự chúng ta. Một khi sự sợ hãi thức dậy, nó ngăn chặn khả năng nhận biết sức mạnh chính mình và làm che mờ niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Nói tóm lại, sợ hãi giam con người vào ngục tối và đánh gục họ trước khi điều “thực sự đáng sợ” đến.

Sau ngày 24-11-1994, ngày linh mục Tađeô Nguyễn Văn Lý viết bản Tuyên Ngôn về Thực Trạng Giáo hội Công Giáo tại Giáo phận Huế, công an thành phố Huế đã mời linh mục Lý đến đồn công an làm việc liên tiếp nhiều ngày. Ngay ngày đầu tiên, trước khi công an “làm việc” với mình, Lm Lý đã “làm việc” với công an như sau: “Để thuận lợi cho các anh và cũng không cần phải mất thời gian của nhau, cho phép tôi nói lên quan điểm của tôi: Đối với tôi, tử hình thì các anh không dám bắn tôi; chết rủ trong tù vì tự do tôn giáo là phúc tử đạo quá lớn tôi không xứng đáng với ân phúc này, nhưng nếu Chúa muốn, tôi hoan hỉ đón nhận; chung thân, 20 năm và bao nhiêu năm đi chăng nữa thì tôi sẵn sàng đưa hai tay [cho còng], xin mời các anh bắt và dẫn đi ngay bây giờ. Đó là những gì tôi muốn nói với các anh, bây giờ các anh có thể bắt tôi đi, hoặc muốn làm việc gì gì đó thì xin mời các anh. Phần tôi, trong khi các anh làm việc với tôi, tôi sẽ nhắm mắt và dùng thời gian này để đọc kinh cầu nguyện cho các anh, cho đất nước và Giáo hội.” Sau những lời ấy, linh mục Lý nhắm mắt trong hơn một tuần “làm việc” với công an.

* * *

Bản tính tự nhiên của con người làm cho con người sợ hãi. Dầu vậy, với ý chí và qua sự tập luyện, con người vẫn có thể làm chủ chính mình để can đảm hơn và tự tin hơn. Khả năng tự tin vào chính mình và ý chí mạnh mẽ được hun đúc qua những việc làm thường nhật hằng ngày, đặc biệt qua lý tưởng cao thượng mà con người theo đuổi. Chính trong quá trình tập luyện này, con người dần dần nhận thức rõ hơn và đầy đủ hơn về chính mình. Chính nhờ sự nhận thức này, con người thêm tự tin và can đảm hơn trong việc làm chủ chính mình. Cũng như Hal Jordan trong phim Green Lantern, anh ta chỉ thực sự can đảm để chiến đầu với Parallax sau khi anh ta hoàn toàn nhận thức đầy đủ rằng có sự sợ hãi hiện diện trong con người anh ta. Khi nhận thức về sự sợ hãi trong con người mình, Hal đã dùng ý chí của mình để không cho phép sự sợ hãi thống trị hay chi phối những suy nghĩ cao thượng của mình. Cũng vậy, linh mục Lý không sợ án tử hình và lao tù vì có thể sau hơn 10 năm lao tù vào những lần trước, linh mục Lý đã nhận thức được rằng sự sợ hãi có thể là trở ngại lớn nhất cho sứ mạng của mình. Chính vì thế, trong năm  loại “vũ khí” (vô uý, vô cầu, vô thủ, vô ngã, và vô phân biệt) mà linh mục Lý dùng làm “vũ khí’ trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền, đối với linh mục Lý, có lẽ “vũ khí” quan trọng nhất mà linh mục Lý dùng cho hơn 30 năm qua chính là “vô uý – không sợ.”

Kẻ thù lớn nhất của con người chính là sự sợ hãi

* * *

Thưa bạn, qua chủ để Sống Tích Cực, hôm nay mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn vận dụng ý chí của mình để suy nghĩ những điều tích cực, hành động tích cực, nói năng tích cực,  nhất là dùng ý chí của mình để làm chủ sự sợ hãi trong con người mình. Đúng như thầy giáo Luân đã chia sẻ với sinh viên tại trường đại học HUFLIT năm 1999. “Từng ngày sống của các em điều cho các em hai cơ hội chọn lựa: cười hay khóc, vui hay buồn, tạ ơn hay than trách, nói xấu phê bình hay khen tặng khích lệ, sợ hãi hay can đảm,…tất cả là do các em chọn lựa. Các em chọn điều gì, thì cuộc đời sẽ trả cho các em điều ấy.”

Br. Huynhquảng


[i] Norman Vicent Peale, The Power of Positive Thinking, (NewYork: 1987), 1.

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau