Cứ dấu này
Cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương yêu nhau (x. Ga13, 35). Lời mời gọi đơn sơ, dễ hiểu nhưng cũng kèm theo thái độ tích cực cam kết dấn thân sống trọn ý nghĩa của tình yêu. Sống tích cực không chỉ là lúc tươi vui, bình an, nhưng còn là lúc chán buồn tê tái, khổ đau ngập tràn. Tình yêu thật là thế đó; sống tích cực là thế đó. Vẫn cứ cam kết tiến lên lúc thuận lợi cũng như lúc nghịch cảnh; vẫn cứ vươn tới và cho đi ngay cả khi không được đáp trả hay biết ơn. Đó chính là sống theo lời mời của Thầy Chí Thánh, “Cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy.” Đây chính là lời mời sống tích cực trọn vẹn được bắt nguồn từ Đấng đã “yêu cho đến cùng” (x. Jn 13:1).
* * *
Vào một ngày trong năm 2003, căn phòng 14 lầu 4, khu ED trại giam Chí Hoà, Sài Gòn, bổng xôn xao hơn bình thường khi một số tù nhân mới bước vào. Thông thường, những tù nhân được chú ý là những người có nhiều đồ dùng cá nhân – đó là dấu chỉ của người có thăm nuôi, họ không phải tù mồ côi (không thân nhân thăm nuôi). Dù căn phòng rất nhỏ hẹp, nhưng tù nhân vẫn tổ chức đời sống tập thể bằng cách chia những nhóm nhỏ để sinh hoạt, nhất là ăn chung với nhau, những nhóm này được gọi là mâm. Mâm lớn hay nhỏ, đông hay ít đều do sự quyết định của trưởng phòng và các “đại bàng” (anh chị). Nói chung, những ai có thăm nuôi thì đều được “đại bàng” chiếu cố và dẫn họ vào mâm của mình.
Càng giống Thiên Chúa tức là càng yêu nhiều; mà yêu càng nhiều tức là hy sinh nhiều, và bỏ mình nhiều
Trong số những tù nhân mới ấy, một tù nhân có nhiều đồ đạc, nhưng lạ thay anh không được mâm nào cho nhập bọn. Lý do vì anh ta là một tù nhân mù. Sống trong tù, phận mình lo chưa xong lấy đâu mà lo cho anh mù, dù anh ta là người được thăm nuôi! Nhận thấy anh mù bị bỏ rơi, người trưởng phòng nhận anh mù vào mâm của mình. Việc cho anh mù nhập mâm của trưởng phòng đã làm cho nhiều tù nhân ngạc nhiên, đặc biệt các tù nhân cùng mâm của trưởng phòng. Vì thực ra, dù trưởng phòng có thể không lưu manh như các “đại bàng,” nhưng trưởng phòng là người có uy tính và có nhiều quyền lợi trong phòng giam; đồng thời anh ta cũng có nhiều đàn em phục dịch cho anh ta như, có người sách nước cho anh tắm, có người dặt áo quần cho anh, và có người dọn cơm cho anh ăn. Khi nhận ra một số thành viên trong mâm không vui vì cho anh mù nhập bọn (có lẽ họ e rằng họ phải lo cho anh mù), anh trưởng phòng nói rõ: Tụi bây không cần phải lo cho anh này, tau sẽ lo cho anh ta. “Lo” ở đây có nghĩa là dẫn anh mù đi tiểu tiện, đưa anh mù đi tắm, giặc quần áo cho anh mù, lấy cơm cho anh mù ăn, xếp chỗ cho anh mù ngủ…
Đúng như anh trưởng phòng cam kết, cứ mỗi ngày anh “lo” cho anh mù trong mọi chuyện sinh hoạt. Từ ngày ấy trở đi, bầu khí trong căn phòng dần dần dịu đi; những cuộc đụng độ và đánh lộn cũng giảm đi, những buổi chia cơm, chia nước được đồng đều hơn, không còn cảnh tranh giành nhau như trước đây. Thái độ và sự dấn thân của anh trưởng phòng không những ảnh hưởng tích cực tới bầu khí sinh hoạt trong phòng, nhưng nó còn đi xa hơn khi một số tù nhân tìm đến tâm sự với anh trưởng phòng; đặc biệt là anh mù. Anh mù dần dần mở lòng trò chuyện với anh trưởng phòng, từ những câu chuyện đời thường dẫn đến những đề tài tôn giáo, học hỏi niềm tin. Nhờ vậy, hai người có điều kiện để cầu nguyện và hát thánh ca với nhau sau mỗi bửa cơm chiều. Sau 3 tháng, anh mù xin được rửa tội vì anh cảm nghiệm được dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô trong phòng giam ấy.
* * *
Thưa bạn, chúng ta đã cùng nhau học hỏi 9 bài về chủ đề Sống Tích Cực trong mục Sống Sao Cho Đẹp. Trong bài cuối này, mẫu gương tích cực hoàn hảo nhất cho chúng ta noi theo không ai khác hơn chính là Giêsu Nazareth. Cái nhìn của Giêsu Nazareth về con người rất khác với cái nhìn của chúng ta về anh em chúng ta. Giêsu Nazareth không đến để xét xử, để phê bình chỉ trích, nhưng đến để cứu chuộc. Giêsu Nazareth đến để chỉ cho con người thấy giá trị siêu việt nơi mỗi con người, họ là hình ảnh của Thiên Chúa – một “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Jn 4:8). Có thể nói rằng, đặc tính cao quí nhất để miêu tả sự giống nhau giữa con người với Thiên Chúa không gì khác hơn chính là tình yêu. Vì thực ra, Thiên Chúa tạo dựng tất cả vạn vật trong vũ trụ, nhưng chỉ có con người được mang hình ảnh Thiên Chúa; vì chỉ có con người mới có khả năng để yêu. Như thế, nếu khi ta không nhận ra đặc tính tình yêu trong mỗi con người chúng ta, chúng ta tự đánh mất đi hình ảnh Thiên Chúa. Hay nói cách khác, khi ta không còn yêu nữa, ta không còn khả năng để phản ảnh trung thực hình ảnh Thiên Chúa trong ta. Chính vì điều đó, Giêsu Nazareth đến để giúp ta phục hồi lại bản chất cao quí tình yêu để ta càng nên giống Thiên Chúa hơn. Càng giống Thiên Chúa tức là càng yêu nhiều; mà yêu càng nhiều tức là hy sinh nhiều, và bỏ mình nhiều – bỏ mình cho đến mức như Đức Kitô là khuôn mẫu của sự bỏ mình vì tình yêu.
“Cứ dấu này” đó là dấu của tình yêu. Giêsu Nazareth đã chứng tỏ “dấu ấy” bằng cách sống triệt để – dù phải trả giá bằng cái chết để minh chứng cho tình yêu tích cực. Biết là bị phản bội, nhưng vẫn quì gối xuống rửa chân; biết là bị bỏ rơi, nhưng vẫn kiên định tiến lên phía trước; biết là bị hành hạ, giết chết, nhưng vẫn dấn thân lên Núi Sọ. Mẫu gương sống của Giêsu Nazareth là để nhắm mời gọi ta nhận ra giá trị cao quí nơi mỗi người –là hình ảnh của Thiên Chúa, nhờ thế ta đối xử với nhau thật trân trọng và yêu mến. Đừng để những va chạm, những khuyết điểm, những bất toàn của người khác làm cho ta mất đi khả năng nhận ra giá trị siêu việt nơi anh em mình.
Như anh trưởng phòng trong câu chuyện, dấu chứng để người ta nhận biết anh là môn đệ của Giêsu Nazareth không phải là do anh hô to “tôi là người Công giáo,” nhưng thực ra “dấu” để người ta nhận ra căn tính Công giáo của anh chính là những lần anh “lo” cho anh bạn khiếm thị ấy với tất cả sự dấn thân tích cực. Thế đã rõ, hương sắc của tình yêu được lan toả không phải chỉ những lúc hạnh phúc, nhưng quan trọng hơn, chính là lúc dấn thân tích cực trong nghịch cảnh. Cầu chúc bạn có khả năng lan toả hương sắc của tình yêu bằng sự dấn thân tích cực cho những người thân, bạn hữu, và cộng đồng của mình, đặc biệt trong những hoàn cảnh vất vả, khó khăn.
Br. Huynhquảng