Chuyến xe đò
Dịch giả Hoàng Hưng đã chuyển ngữ câu chuyện thương tâm có thật đã xảy ra tại Trung Quốc như sau [1].
Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường. Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…
“Này ông kia, ông xuống xe đi!” Cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói: “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”
“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.
Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”
Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”
Người sống đúng với giá trị làm người của mình thường phải lội ngược dòng
Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”
Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe. Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!”
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?” Cô tài xế vẫn không đáp lại lời nào. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.
Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.
Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!
* * *
Mời bạn đặt mình vào chuyến hành trình ấy để thử nhìn xem mình phản ứng ra sao trong sự kiện trên.
Quan sát hoàn cảnh, ta có thể nhận thấy có ba giai đoạn xảy ra sự kiện trong câu chuyện. Hoàn cảnh thứ nhất, bạn chứng kiến cảnh cô gái kêu cứu bạn, nhưng bạn không đáp trả lời kêu cứu ấy. Cảnh thứ hai, bạn chứng kiến người đàn ông đã can đảm một mình đứng lên bênh vực cho người yếu thế. Ông cũng kêu gọi sự trợ giúp của bạn, nhưng bạn cũng làm ngơ. Cảnh thứ ba, bạn chứng kiến cảnh cô tài xế đuổi người đàn ông ra khỏi xe (theo suy nghĩ thông thường, cô tài xế đã hành xử bất công, nhẫn tâm), trong cảnh này, bạn cũng lại im lặng, và thậm tệ hơn, có khi bạn lại nằm trong số hùa theo đám đông xô người đàn ông ra khỏi xe để xe chạy cho tới nơi của bạn.
* * *
Người sống đúng với giá trị làm người của mình thường phải lội ngược dòng. Động cơ nào mà người đàn ông trong câu chuyện trên đã sống ngược dòng như vậy? Khi con người trở về với căn tính thật của mình, họ sẽ có khả năng nhận ra ý nghĩa và mục đích của đời họ. Tự trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người, tiếng gọi sống vì lý tưởng công bằng luôn luôn mạnh mẽ. Hay nói cách khác, người sống căn tính thật với lòng mình họ sẽ dễ nhạy bén nhận ra sự bất công đang xảy ra xung quanh họ. Khi đã nhận ra tiếng lương tâm này, họ có sức mạnh phi thường để đứng lên bảo vệ cho người bị bất công mà không hề nghĩ tới hậu quả sẽ xảy đến với chính mình. Đây chính là đặc điểm cao quí của loài người mà các loài thú vật không có được (hoặc nếu chúng có, thì chúng cũng chỉ phản ứng theo bản năng của mối liên hệ mẹ-con).
Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta luyện lương tâm chúng ta nhạy bén được như thế? Hằng ngày, nếu bạn tập nghĩ đến người khác, nếu bạn lắng nghe hoàn cảnh người khác với trái tim thông cảm, nếu bạn đặt hoàn cảnh của mình vào những con người đang đau khổ mà chúng ta gặp thấy hằng ngày qua báo chí, truyền hình, một lúc nào đó lương tâm của bạn sẽ nhạy bén hơn đối với vấn đề bất công, nghèo đói trong xã hội loài người. Vậy rào cản nào đã làm cho chúng ta ít suy nghĩ tích cực và cảm thông với người khác? Thưa, đó là vì chúng ta tập trung suy nghĩ về chúng ta thái quá; và chúng ta cũng thường xét đoán về người khác. Hoặc quá bận tâm lo cho chính ta, hoặc xét đoán “đúng sai” về người khác là cản trở lớn cho chúng ta vươn ra khỏi cái tôi để học chia sẻ với người khác – đó cũng chính là lối suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen mà ít khi chúng ta để ý tới.
Mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn ví thử đời mình là một người hành khác trong chuyến xe đò của môi trường mình đang làm việc, của cộng đồng mình đang sinh hoạt, của đất nước mình đang sinh sống. Bạn có thấy hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trên không? Nếu bạn không thấy, mời bạn tập suy nghĩ về người khác, tập quan tâm về người khác, tập đặt minh trong hoàn cảnh của những người đang bị bất công, bị đau khổ mà chúng ta gặp được trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn đã thấy những cảnh bất công tương tự như trong câu chuyên, bạn sẽ làm gì sau khi đọc câu chuyện này?
Br. Huynhquảng [1] Từ profiles.google.com, huongvechuagroup@yahoo.com, accessed 11/25/2011.