Mục Tử Trung Tín
Những người lớn tuổi tại các nước phát triển, ví dụ như các nước Âu Mỹ, thường dễ dàng bị cho là “gánh nặng” cho xã hội, thậm chí có những người con coi cha mẹ già là gánh nặng cho cuộc đời thanh xuân của mình. Đời sống các ông cụ bà lão tại các nhà dưỡng lão trở nên nổi ám ảnh cho nhiều người trẻ phương tây. Sợ phải cô đơ, sợ bị bỏ rơi, sợ bị quên lãng đã dần dần hình thành lối suy nghĩ định hướng cuộc đời của một số bạn trẻ – muốn mình đi tìm sự yên ổn hơn, dễ dàng hơn, và an toàn hơn nhằm để tránh những “hoạ” của tuổi già. Những người sống ơn gọi gia đình còn phải đương đầu với “hoạ” tuổi già như thế, thì hẵn nhiên, những ai chọn lối sống độc thân như các tu sĩ hẵn là “hoạ” tuổi già sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Thực ra dù trẻ hay già, lập gia đình hay đi tu, tựu chung vẫn phải đối diện với phận người: sinh – lão – bệnh – tử. Xét cho cùng, có lẽ người lớn tuổi không thành công và nhanh nhẹn như tuổi trẻ, nhưng sự trung tín và chung thuỷ của họ là điểm tựa cho tuổi trẻ vươn lên sự thành công.
“Tôi biết những cám giác khó chịu của anh chị em, nhưng tôi không thể không chu toàn bổn phận của tôi được.”
* * *
Trong một xứ đạo tại đất nước Scotland. Nơi đây, xứ đạo do một mục sư già quản nhiệm; nghe nói ngài đã phục vụ tại nơi này đã nhiều năm. Ngài đến đây lúc tuổi còn thanh xuân, nhiệt tình và tài năng vươn nở. Sau nhiều năm, số giáo dân dường như mỗi ngày một ít, nhà thờ vắng vẻ; nghi lễ Chúa Nhật còn ít người rời rạc. Hỏi ra thì được biết, giáo dân tìm xứ đạo mới, tìm mục sư trẻ, vì mục sư già giảng dở, giảng dai, và còn giảng dài. Nhiều giáo dân lắc đầu ngán ngẫm mỗi khi thấy ngài bước lên toà giảng. Vị mục sư già cũng hiểu điều đó, biết là tài mình đã cạn, đời mình đã qua, nhưng nhiệm vụ của mình vẫn phải gánh vác. Khi được “góp ý, thậm chí có lúc bị chỉ trích, vị mục sư già thường cúi đầu nhìn nhận, “Tôi biết những cám giác khó chịu của anh chị em, nhưng tôi không thể không chu toàn bổn phận của tôi được”. Ngạc nhiên thay, cứ mỗi hằng tuần, rất nhiều người tỏ ra ngán ngẩm mỗi khi vị mục sư già giảng, thì một cậu bé ngồi hàng đầu tỏ vẻ chăm chú nghe vị mục sư giảng. Tất cả mọi Chúa Nhật, cậu bé đều hiện diện đầy đủ và chăm chú nghe bài giảng của vị mục sư.
Sau một buổi lễ nọ, nhiều người tỏ vẻ bất mãn ra về. Ngược lai, cậu bé tiến lại vị mục sư và hỏi: “Thưa ngài, nếu con cố gắng học giỏi con có thể trở nên một nhà truyền giáo và giảng thuyết giỏi như ngài được không?” Vị mục sư ôm chầm cậu bé với tâm tình cảm kích vì hiểu rằng sứ mạng mình có lẽ đã sắp hoành thành. Ông đáp, “Đúng rồi, con sẽ trở nên một nhà giảng thuyết tài ba.”
Nhiều năm sau, người dân làng tại Scotland đã chen chân kéo nhau đi nghe nhà truyền giáo giảng thuyết tài ba từ Châu Phi trở về, nhà giảng thuyết ấy chính là Robert Moffat. Ông chính là cậu bé đã từng nghe những bài giảng của vị mục sư già năm xưa với thái độ khiêm tốn học hỏi.[1]
* * *
Bạn thân mến, việc làm của mỗi người trong chúng ta đang làm hôm nay khó có thể lượng giá được giá trị của chúng. Có những điều chúng ta tưởng là thành công, nhưng hoá ra là thất bại, gây chia rẻ, đỗ vở. Ngược lại, có những điều xem như rất bình lặng nhàm chán, có khi là vô dụng nữa, nhưng hoá ra kết quả là sự thành công, hay cũng là kết quả để giúp người khác đạt được thành công. Như thế mới thấy được sự thật về sự thành công hay thất bại của mỗi con người cũng rất tương đối. Thực ra, thước đo để có thể nói lên sự thành công hay thất bại của một đời người có lẽ đó chính là sự trung tín – chung thuỷ. Chúng ta có thể sẽ thành công nổi danh, nhưng thiếu sự chung thuỷ với sứ mạng và ơn gọi mình, thì đó chưa chắc đã là sự thành công. Nhưng nếu chúng ta sống chung thuỷ với chính mình, thì sự chung thuỷ ấy đã là sự thành công viên mãn rồi.
Câu chuyện hôm nay giúp ta thấy hai hình ảnh trái nghịch nhau giữa giáo dân và vị mục sư già. Việc giáo dân chê vị mục sư già, giảng dở để rồi bỏ không đến nhà thờ là một sự thiếu chung thuỷ và trung tín. Vì chung thuỷ là đức tính mà mình tập sống cho mình, cho con người của mình. Vì thực ra, chung thuỷ và trung tín không lệ thuộc vào đối tượng mà mình muốn chung thuỷ và trung tín với, nhưng nó lệ thuộc vào khả năng đáp trả của mình khi gặp hoàn cảnh trái ý đó. Ngược lại, mặc dù bị chê bai và phê bình, vị mục sư vẫn chung thuỷ và trung tín với phận vụ của mình. Kết quả của sự chung thuỷ ấy một cách trực tiếp là cho chính phận vụ và sứ mạng của ông; một cách gián tiếp là góp phần sinh ra nhà giảng thuyết tài ba cho thế hệ tương lai. Thế mới biết, thành công hay thất bại lệ thuộc rất nhiều và sự trung tín và chung thuỷ của mỗi người.
Mục Sống Sao Cho Đẹp hôm nay mời bạn đừng nản chí trước những hoàn cảnh không vừa ý, nhưng hãy cứ trung tín với sứ mạng mình. Trung tín như thế bạn đã thành công cho con người của mình, và chắc chắn cũng noi gương cho thế hệ con cháu mai sau.
Fr. Huynhquảng
[1] Galaxie Software, 10,000 Sermon Illustrations (Biblical Studies Press, 2002).