Phục Sinh có thật không?

Bạn thân mến, chúng ta vừa suy niệm năm đề tài về các nhân đức tự nhiên. Để tiếp tục với chủ đề nhân đức, thân mời bạn cùng nhau học hỏi về nhân đức đối thần gồm: Tin, cậy, và mến. Đối tượng của ba nhân đức này là Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Nói cách khác, Chính nhờ Thiên Chúa mà con người có đức tin, đức cậy, và lòng yêu mến. Vì chỉ khi sống hướng về Thiên Chúa, đời sống ta mới có ý nghĩa. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta cậy trông và Người, và chúng ta yêu mến Chúa bằng trái tim của mình.

Niềm tin không cần nhiều lý luận, nhưng chỉ đơn thuần là tin

Đức tin là một phạm trù tôn giáo, đặc biệt trong Kitô giáo. Đức tin luôn luôn nói lên mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Khi không có mối quan hệ này, đức tin sẽ không còn là đức tin nữa, nhưng nó bị bao phủ bởi một mớ luật lệ ẩn chứa dưới danh nghĩa “sống đức tin.” Khi không nhận diện ra mối quan hệ thật giữa Thiên Chúa và con người, đời sống đức tin của chúng ta sẽ trở nên khô cằn, mệt mõi, và nặng nề; lúc ấy, nền tảng của đời sống đạo là lề luật chứ không phải là tình yêu chan chứa. Nhưng khi con người cảm nghiệm mối tương quan mật thiết này, con người biểu lộ đức tin một cách đơn sơ nhưng mạnh mẽ mà nhiều khi theo lý luận của con người thì khó chấp nhận được.

* * *

Năm 1997, cùng các bạn học môn Kinh Tế Chính Trị tại giảng đường trường Đại học Huflit (Cơ sở 2, Đồng Nai – Tô Hiến Thành), thầy giáo với giọng nói thách đố đã hỏi chúng tôi về câu hỏi: “Tôn giáo, đức tin là sự bịa đặt. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có thật không? Có em nào chứng minh được điều trên cho thầy và các bạn tin?” Cả hội trường im lặng một cách nặng nề. Ngồi sát bên cận tôi là anh Phong, và anh Toàn. Thấy tôi có ý định muốn trả lời câu hỏi này, anh Toàn kéo tay tôi nói nhỏ, “Việt, nếu cậu muốn qua phà thì ngồi yên.” Nhưng trong tôi vẫn bị thôi thúc muốn nói điều gì, nên tôi đứng lên. “Thưa Thầy, em có ý kiến.” Cầm micro trong tay tôi chia sẻ.

Hình ảnh đến với tôi là anh Phong, (Xin lỗi Phong nhé), người hay đi học trễ. “Thưa thầy, em không biết phải chứng minh như thế nào để cho Thầy tin về sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nhưng qua ví dụ này, em sẽ chứng minh cho Thầy thấy sự kiện Phục Sinh là có thật. Vì tin, không có nghĩa là thấy mới tin, nhưng tin vì cho dù mình không thấy. Đức tin là nằm ở chỗ đó. Vì thấy rồi, không cần tin nữa.

Ví dụ chúng ta đang ngồi đây. Một bạn (trong đầu tôi nghĩ tới Phong) hôm nay đi học trễ vào lớp và nói với em rằng. “Việt, ngoài đường có tai nạn.” Em có tin lời nói của bạn ấy không? Thưa, câu trả lời là còn tuỳ thuộc vào người đưa tin. Nếu bạn ấy là người chuyên nói sạo, là người không đáng tin, thì chắc em sẽ chưa tin ngay. Nhưng nếu bạn ấy là người không bao giờ nói láo, luôn luôn có uy tín, thì em sẽ tin vào sự kiện mà bạn ấy truyền đạt.

Niềm tin vào sự kiện Phuc Sinh cũng tương tự như thế. Em không thấy Đức Kitô Phục Sinh bao giờ, cha mẹ em cũng không thấy, ông bà và rất nhiều nhiều người từ 2000 năm nay cũng không chứng kiến trực tiếp Chúa Giêsu Phục Sinh, tuy nhiên hàng triệu người vẫn tin vào sự kiện Phục Sinh vì đơn giản là họ tin vì nhờ vào những chứng nhân trực tiếp. Họ là những chứng nhân đáng tin! Tại sao biết những chứng nhân này rao truyền sự thật và những gì họ rao truyền là đáng tin? Thưa. Họ không chỉ nói sự thật mà còn lấy mạng sống mình ra để dám chết cho sự thật ấy nữa. Các Tông Đồ là chứng nhân trực tiếp về biến cố Phục Sinh và tất cả họ đều lấy mạng sống để chứng mình về biến cố này. Vì nó quá thật đến nỗi họ không thể nói khác đi được dù khi họ phải hy sinh mạng sống của mình. Và không chỉ Nhóm Mười Hai người này, mà còn nhiều người khác sau họ nữa. Khi có nhiều người dám lấy mạng sống ra để làm chứng cho một điều tương tự nhau, thì chắc chắn, điều họ làm chứng phải có thật. Càng lạ lùng hơn là mãi đến hôm nay, dù có nhiều người cũng không thấy trực tiếp sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu, nhưng họ vẫn can đảm làm chứng cho điều đó, kể cả cái chết. Chỉ như thế thôi, cũng đủ chứng minh là biến cố Phục Sinh là có thật. Đức tin không cần phải thấy mới tin; vì khi thấy rồi, sờ được rồi, thì không cần tin nữa!

Thầy giáo dạy Kinh Tế Chính Trị im lặng. Hình như tôi nhớ, hội trường vỗ tay. Còn tôi, dù có hơi phập phòng chờ cuối học kỳ xem sao, nhưng trong lòng mừng thầm vì có cơ hội làm chứng về biến cố Phục Sinh.

* **

Các bạn tin vào câu chuyện trên không? Tin hay không, tuỳ các bạn. Nhưng những câu chuyện tương tự như trên, và cụ thể hơn là những gương sống làm chứng đức tin vẫn diễn ra trong đời sống hằng ngày. Tại sao người ta đi lễ Chúa Nhật? Tại sao các bạn trẻ sống đời sống trong sạch trước hôn nhân? Tại sao người Kitô hữu không muốn ly dị? phá thai? Làm việc từ thiện âm thầm? Cầu nguyện trong đêm tối? Đó chẳng phải vì sống đức tin đó sao?! Đó là niềm tin có thật của người Kitô hữu. Niềm tin không cần nhiều lý luận, nhưng chỉ đơn thuần là tin. Vì thế, đức tin xuất phát từ cảm nghiệm của con tim hơn là lý luận của lý trí.

Chúng ta cầu chúc nhau sống niềm tin Phục Sinh qua sự cảm nhận mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa; chỉ với mối tương quan này, niềm tin của chúng ta mới thật và đậm đà.

Fr.Huynhquảng