Niềm tin và sứ mệnh

Thứ hai tuần 4 mùa thường niên

2Sm 15, 13-14.30; 16,5-13a
Mc 5, 1-20

Lời Chúa

¹Đức Giê-su và các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, đến vùng đất của dân Ghê-ra-sa.. ²Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ trong đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. ³Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. ⁴Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. ⁵Suốt đêm ngày, anh cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình. ⁶Thấy ĐứcGiê-su tự đàng xa, anh chạy đến bái lạy Người ⁷và kêu lớn tiếng rằng : “Hỡi ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi !” ⁸Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này !” ⁹Người hỏi nó : “Tên ngươi là gì ?” Nó thưa: “Tên tôi là Đạo Binh, vì chúng tôi đông lắm.” ¹⁰Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. ¹¹Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. ¹²Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” ¹³Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo –chừng hai ngàn con– từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. ¹⁴Các người chăn heo bỏ chạy, báo tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. ¹⁵Họ đến cùng Đức Giê-su và trông thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị Đạo Binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. ¹⁶Những người chứng kiến thuật lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. ¹⁷Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ. ¹⁸Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin được ở với Người. ¹⁹Nhưng Người không cho phép, Người bảo : “Anh cứ về nhà với thân nhân, và kể lại cho họ mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào.” ²⁰Anh ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh mọi điều Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Niềm tin và sứ mệnh

Hội Thánh phải không ngừng nỗ lực suy tư về sứ mệnh của mình. Vấn đề rắc rối là trả lời thấu đáo câu hòi “làm thế nào chuyển tải được niềm tin trong thời đại ngày nay? “.

Làm thế nào Hội Thánh có thể trở thành một dấu chỉ rõ ràng và không lập lờ nước đôi, mà đồng thời vẫn rộng mở và sẵn sàng với đối thoại? Người ta đã định nghĩa vấn nạn này như là việc phải lựa chọn giữa một trong hai: Căn tính và ý nghĩa. Nói nôm na như sau: Để cố gắng giữ được căn tính riêng của mình, Hội Thánh xem ra buộc phải tự đóng khung, không tiếp xúc với bên ngoài và như vậy đánh mất ý nghĩa; ngược lại, trong lúc cố gắng để có một ý nghĩa với bên ngoài, Hội Thánh xem ra đánh mất diện mạo, và do đó, đánh mất luôn căn tính của mình.

Nhưng nếu như không có căn tính, thì cũng chẳng còn ý nghĩa. Cuộc cãi vã giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến như vậy cũng là vô ích. Vậy thì sao? Câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này không còn là một câu trả lời mang tính xã hội học: Nhưng chỉ có thể là một câu trả lời mang tính thần học, và nó chỉ được đưa ra khởi từ “đối tượng” của chính niềm tin Kitô giáo.

Walter Kasper
La théologie de l’Église (Cerf)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau