Nhìn rộng lượng trong tha thứ
Kính thưa quí thính giả, một trong những nguyên nhân dễ dàng dẫn tới sự bất hòa trong gia đình và xã hội chính là thái độ chủ quan khi xét đoán về người khác. Mục Sống Sao Cho Đẹp hôm nay tiếp tục bàn về sự tha thứ với chủ đề: Học biết cách nhìn đằng sau của sự kiện để có cái nhìn bao dung hơn và dễ tha thứ hơn.
Ông Steve Covey là tác giả cuốn sách nổi tiếng, Bảy Thói Quen của Người Thành Đạt, đã kể một câu chuyện mà làm cho những ai khi nghe câu chuyện có thể phần nào giúp họ cẩn trọng hơn trong việc xét đoán, nhưng cũng nhạy bén hơn trong cái nhìn bao dung và sâu rộng hơn.
Trong một chuyến tàu điện ngầm tại New York vào sáng Chủ Nhật, ông Steve cùng nhiều hành khách đang ngồi yên lặng thoải mái trong toa tàu và đang cảm hưởng bầu khí yên tỉnh. Đến một trạm dừng, một người đàn ông và vài đứa con nhỏ của ông bước lên. Những đứa bé này không chịu ngồi yên vào nghế của mình, nhưng chúng lại chạy lui chạy tới và la hét lớn tiếng trong toa tàu. Ông Steve cảm thấy khó chịu và tự hỏi tại sao người đàn ông này lại để con cái mình gây ồn ào trên toa tàu như vậy. Những đứa trẻ ấy mỗi lúc mỗi gây ồn ào và xáo trộn hơn trong toa tàu. Dần dần, ông Steve cũng nhận thấy sự khó chịu ra mặt của các hành khách khác. Cuối cùng, vì không thể chịu nổi, ông Steve đứng lên và tiến vế phía người đàn ông vừa mới lên tàu và nói. “Thưa ông, con cái ông làm phiền mọi người quá, ông có thể bảo chúng ngồi yên vào nghế được không?” Người đàn ông nhìn ông Steve và nói, “Ông nói đúng. Tôi cũng muốn làm điều gì đó cho chúng. Chúng tôi vừa từ bệnh viện trở về vì mẹ của chúng vừa mất cách đây một giờ. Chính tôi cũng không biết tôi phải làm gì bây giờ; và tôi nghĩ những đứa con tôi cũng vậy.”[William J. Bausch, A World of Stories (Blackrock: The Columba Press, 1998), 214]
* * *
Quí vị và các bạn thân mến, câu trả lời của người đàn ông làm cho ông Steve tê tái và lặng người. Ông Steve đã nhìn mọi người theo tiêu chuẩn của ông, và cũng muốn họ nhìn theo cách của ông, nên ông đã không thấy được nổi đau của người đàn ông vừa mất vợ, và những đứa trẻ vừa mất mẹ. Những lời xin lỗi của ông Steve đến ngay sau đó, nhưng dường như bầu khí nặng nề bao trùm trong tâm hồn của ông Steve và cả toa tàu.
Kinh nghiệm của ông Steve Covey cũng chính là kinh nghiệm của mỗi chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Chúng ta dễ dàng “chụp mũ” người khác bằng những hiện tượng bên ngoài và kết án họ một cách nhanh chóng theo lối suy nghĩ chủ quan của mình. Một hành động xem chừng như không hợp lý của người thân mình; một câu nói xúc phạm đến mình; một cử chỉ gây bực bội cho mình… Những điều đó đều có nguyên nhân của nó. Có thể những người ấy muốn hãm hại mình, hạ thấp phẩm giá của mình, nhưng biết đâu những con người đã xúc phạm chúng ta đó, họ cũng mang trong tâm hồn một nỗi đau thầm kín, một sự mất mát, hay một vấn đề nan giải mà họ mới gặp phải thì sao? Biết đâu những người đó vừa bị mất việc làm, vừa bị một người bạn phản bội; hay có khi người thân của họ vừa gặp tai nạn thì sao? Có thể người gây lỗi cho chúng ta cũng là nạn nhân của một sự hiểu lầm nào khác vừa giáng xuống trong cuộc đời họ thì sao?
Các bạn có bao giờ thử suy nghĩ về vấn đề này chưa? Có bao giờ bạn thấy được nỗi đau của người mà theo bạn là không thể tha thứ được chưa? Bạn có thử nhìn xa hơn một chút và nhìn sâu hơn một chút để khám phá những gì đang ẩn sâu trong tâm hồn của con người mà mình không thể tha thứ ấy chưa?
Bạn thân mến, để chúng ta có khả năng tha thứ cho người khác một cách chân thật, chúng ta cần học biết cách nhìn đằng sau của sự kiện, bên trong của sự kiện hơn là vội vàng xét đoán và phản ứng theo thành kiến cá nhân mình. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, chúng ta ít nhiều đều nghe thấy những cuộc cãi vả, mất mối dây thân tình chỉ vì là do sự hiểu lầm và thiếu khả năng nhìn đằng sau và bên trong của mỗi sự kiện.
Trong giây phút này, tôi mời bạn hãy thử áp dụng cách nhìn xa hơn một chút về người khác. Với cái nhìn bao dung và thấu đáo ấy, chắc chắn bạn sẽ bước những bước tiến lớn lao trong tiến trình học làm người và sống như con người trong năm này.
Br. Huynhquảng