Nét độc đáo của Thiên Chúa trong Kinh Thánh

Thứ Hai Tuần 10 Mùa Thường Niên

Thánh Bamaba,Tông đồ

Cv 11,21b-26; 13,1-3
Mt 10,6-13 hay bài đọc Mùa Thường Niên Mt 5, 1-12

Lời Chúa

Mt 5, 1-12

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

Lời Chúa trong giờ kinh gia đình

Nét độc đáo của Thiên Chúa trong Kinh Thánh

Chủ đề căn bản của Kinh Thánh là chủ đề Giao ước, nghĩa là một cam kết đi từ đơn phương (giao ước với ông Nôê) sang song phương (giao ước với ông Môsê) và cuối cùng kết thúc bằng cuộc giáng thế làm người (giao ước trong Đức Giêsu). Thiên Chúa trở nên người phàm, và như Dietrich Bonhoeffer nói, Ngài “trở nên yếu đuối trong thế gian”. Giao ước song phương thì phải có hai bên, và không bên nào, dù đó là Thiên Chúa, được quyền áp đặt ý muốn của mình lên phía bên kia.

Sẽ là nói láo, nếu như, để bảo toàn sự vô tội của Thiên Chúa, người ta tuyên bố rằng Ngài bị tước mất quyền năng, Ngài yếu đuối không phải vì Ngài tự ý lựa chọn hay từ bỏ, nhưng vì bản tính Ngài như thế. Nhiều tín hữu thời nay cũng nghĩ như vậy. Họ quên mất chính ý nghĩa của sự từ bỏ này trong cuộc đời của Đức Giêsu, bởi sự từ bỏ của Ngài là bằng chứng hùng hồn cho biết có một Vị Thiên Chúa khác với Đấng được người ta mong đợi, và Vị Thiên Chúa này luôn bị tố cáo là đang lẩn trốn. Sở dĩ Ngài không bày tỏ sự toàn năng của Ngài ra, là vì muốn cho thụ tạo của Ngài có được một khoảng không gian sáng tạo phù hợp với thân phận hữu hạn của nó. Thiên Chúa trong Kinh Thánh đã từ bỏ toàn quyền điều chỉnh mọi vấn đề trên thế giới bằng sự thống trị, và chính điều này bảo đảm cho sự cao cả cũng như sự thật về thân phận của chúng ta, nhưng nó cũng là một bước liều của chính Thiên Chúa, vì có nguy cơ là ý muốn thành công của Ngài không đạt đến đích.

Christian Duquoc
L’intuition prophétique (Éditions de l’Atelier)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau