Làm giầu là giấc mơ của mọi người. Có người giầu của nghèo lòng. Có người nghèo của giầu lòng. Có người giầu khụ về tiền như Paul Getty, Bill Gates. Có người xem ra giầu về huy chương đeo kín ngực về thành tích giết người như một số lãnh tụ Nga trước đây. Có vị phục vụ Hội Thánh hết mình được ân thưởng huy chương hiệp sĩ, được huy chương thánh Lu-y do giáo phận, được ghi ơn nơi giáo xứ.

THÁNH LÊ VĂN PHỤNG

Riêng với Thánh Lê Văn Phụng thì chẳng có huy chương ân thưởng gì theo tiêu chuẩn bình thường, nhưng chắc khi bị xử tử tại pháp trường vùng Châu Đốc, ngài đã nghe được tiếng Chúa nói về một thứ ân thưởng giầu có khác:

“Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì con đã trung tín trong việc nhỏ, Cha sẽ đặt con làm những việc lớn, con hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ” (Mt 25:21)

Vàng Bạc để lại cho con

Trên đường ra pháp trường, ông Lê Văn Phụng thật cảm động gặp lại các con cháu của mình. Ông liền gỡ thánh giá đang đeo trên cổ mình mà khoác vào cổ người cháu gái tên là Anna Nhiên mà trối lại:

“Cháu hãy nhận lấy kỷ vật của ông. Đây là tượng Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Tượng này quí hơn vàng bạc bội phần. Cháu hãy luôn mang trên cổ, và trung thành cầu nguyện sớm chiều cháu nhé”.

Quả là một gia tài đúng nghĩa nhất mà ông bà cha mẹ có thể để lại cho con cháu để làm giầu. Mà giầu thật. Như Cha Thánh Phan Văn Minh trước khi chịu chết vì đạo đã để lại cho giáo dân qua ông trùm Phương một cổ tràng hạt và lời cầu nguyện với Đức Mẹ, ông Lê Văn Phụng là một trùm trưởng cũng để lại cho mọi người trong giáo xứ một kho tàng giầu có là đức tin vào chính Chúa, còn quí hơn huy chương ân thưởng hay bằng ghi ơn bội phần.

Là một gia trưởng của một gia đình 9 người con, ông Phụng đã là gương mẫu trong bổn phận giáo dục con cái, nhất là về lòng đạo. Ông đã nhận được những nén bạc Chúa trao qua gia đình, và ông đã biết sinh lời cho Chúa. Ông đã làm chứng cho vợ con và cháu chắt biết thế nào là sống thật giầu có, không phải là tiền của trần gian, mà là niềm tin vào Chúa là nguồn mọi sung túc.

Ông còn dặn cháu:

“Khi ba con phải đi lính, thì hãy về ở với bà, kẻo con quên hết các kinh sớm tối”.

Ông Phụng cũng đã sống và dạy con sống tình thương tha thứ của Phúc Âm. Nhất là trong vụ ông bị hai người làm phản ham tiền tố giác việc ông chứa chấp các linh mục trong nhà trong thời bắt đạo. Khi tới nơi xử, các con đến quì trước mặt tông, ông căn dặn:

“Các con phải trung thành giữ đạo. Hãy noi gương ba đây, đừng thù oán hay kiện cáo những kẻ đã tố giác ba. Hãy mang xác ba về Cù Lao Giêng chôn cùng với Cha Quí”.

Mơ Xây Nhà Chúa

Một mẩu chuyện nhỏ nhưng thật dí dỏm, là khi bị bắt với cha sở là cha Đoàn Công Quí và bị nhốt tù ở Châu Đốc, một lần được phép ra khỏi nhà tù để đi tắm, trông thấy một cây lớn, ông liền nói ngay:

“Nếu tôi được tha về, tôi sẽ xây nhà thờ cột to như thế”.

Điều đó chứng tỏ đầu óc ông luôn nghĩ về việc xây dựng Giáo Hội qua xứ đạo. Và huy chương Ông ao ước là được tử đạo chôn bênh cạnh cha sở của mình là cha Đoàn Công Quí.

Ông Lê Văn Phụng sinh năm 1796 và sống đạo trong một họ đạo kỳ cựu vào bậc nhất của miền Nam, là họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang, thuộc giáo phận Long Xuyên bây giờ. Thực ra thì ông chẳng có tài bao nhiêu, chắc được một nén gì đó như trong câu chuyện Kinh Thánh, nhưng thay vì đem chôn vùi đi, ông đã biết dùng hết sức mình để sinh lời cho Giáo Hội Chúa.

Ông không được học cao, nhưng rất khôn ngoan, tướng mạo khoẻ mạnh và quả quyết dám làm, và rất nhiệt thành trong tinh thần hoạt động tông đồ trong Họ Đạo. Ông được cử làm trùm trưởng Họ Đầu Nước. Trong thời vua Tự Đức bắt đạo dữ dội nhất, ông vẫn bạo dạn ngấm ngầm xây nhà thờ, nhà xứ, nhà dòng Con Cái Đức Mẹ. Một phần cũng nhờ địa thế Cù Lao Giêng ngăn các bởi hai con sông lớn. Từ Châu Đốc và Long Xuyên phải qua hai khúc sông rộng là An Hòa và Mỹ Luông. Vì thế ông đã cho canh phòng và báo động khi có quân triều đình đột nhập. Hơn nữa ông đi chân trong với quan huyện sở tại nên mọi sự được làm ngơ.

Theo lệnh vua, ai chứa chấp linh mục trong nhà thì sẽ bị xử tử. Vậy mà ông dám đào hầm cho các linh mục trốn ẩn, để lo thánh lễ và bí tích cho giáo dân, xức dầu cho các bệnh nhân. Có lần ông đã chứa tới năm thừa sai và linh mục Việt Nam trong nhà. Quả là ông không biết sợ.

Bằng những việc nhỏ

Thánh Phụng đã làm chứng Tin Mừng của Lời Chúa:

“Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không gậm nát. Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó” (Lc 12:33-34)

Thánh Lê Văn Phụng đã không thu góp tiền bạc trần gian, mà lo mua lấy kho tàng trên trời, bằng việc hăng hái xây dựng nước Chúa ngay trong giáo xứ mình ở, và đã trao lại cho con cháu và giáo dân kho tàng đích thật là chính Chúa. Ngài đã trung tín trong những việc nhỏ bé qua bổn phận gia đình và xứ đạo, nên Chúa đã trao cho Ngài việc lớn là làm thánh, trở nên gương mẫu người gia trưởng, và nhất là trở thành đấng bầu cử chuyển cầu cho những người sống trong bậc gia đình, và những người đang dấn thân phục vụ xứ đạo.

Vì lòng nhiệt thành và giáo lý vững chắc, ông đã được chọn làm giảng viên giáo lý cho thiếu nhi cũng như cho tân tòng của Họ Đạo và trong cả tỉnh Châu Đốc. Ông lại có lòng thương người nghèo khó các đặc biệt, và có lương tâm ngay thẳng trong vấn đề công bằng xã hội. Có lần ông khuyên một người giầu cho vay nặng lãi tại Họ Bò Ót đang hấp hối:

“Nếu ông muốn hối cải thì phải xé các giấy tờ đi, rồi tôi sẽ mời Cha đến ban bí tích tha tội cho ông để làm hòa lại với Chúa”.

Thấy được Chúa qua nhiệm thể Người

Tinh thần phục vụ của thánh Lê Văn Phụng phát khởi từ niềm tin thấy được chính Chúa đang hiện diện qua Giáo Hội. Muốn gặp Chúa thì chỉ việc phục vụ thân thể Người  ngay trong Giáo Hội thu hẹp là họ đạo mình đang sinh sống, như lời Kinh Thánh: Anh em là nhiệm thể Chúa Kitô (1Cor 12:27).

Với con mắt đức tin này, ông đã hết mình sửa sang và bồi bổ thân thể Chúa qua những phần chi thể là các tín hữu trong họ đạo. Làm cho người khác cũng là làm cho chính Chúa và chính mình, nên ông đã can đảm không biết mệt.

Cũng chính vì những hoạt động của ông kéo dài mà một ngày kia ông Phụng đã bị hai người tham tiền thưởng của vua báo lên tỉnh, nên quan quân đã bao vây bất ngờ và bắt ông cùng với Cha Đoàn Công Quí là cha sở của họ đạo Cù Lao Giêng đang trốn trong nhà ông, và 32 người trong Họ Đạo.

Ông bị tra tấn vì tội chứa chấp các linh mục để tìm bắt các linh mục thừa sai khác. Quan dụ dỗ:

“Ông thuộc gia đình quyền quí, có khả năng làm lớn, vậy hãy đạp thánh giá đi thì ta sẽ phong tước cho”.

Nhưng ông đã cương quyết trả lời:

“Thưa quan lớn, tôi đội ơn lòng tốt của quan, nhưng tôi nhất quyết giữ đạo cha ông truyền lại. Tôi thà chết hơn là chối đạo”.

Ngài bị xử tử thắt cổ ngày 30 tháng 7 năm 1859 thời vua Tự Đức, lúc 62 tuổi, cùng với cha sở của Ngài là thánh Đoàn Công quí. Thật một cảnh cảm động: cha sở và ông trùm trưởng xứ đạo đã cùng dấn thân hoạt động tông đồ với nhau trong giáo xứ, nay lại cùng tuyên xưng đức tin và chịu chết để làm chứng Tin Mừng với nhau. Xác Ngài được đưa về an táng tại nền nhà thờ Cù Lao Giêng tỉnh An Giang, bên cạnh xác cha sở Đoàn Công Quí như lời Ngài trối cho các con, là được trọn tình trọn nghĩa với Giáo Hội Chúa qua cha sở.

Khấn Cầu

– Xin Thánh Lê Văn Phụng cầu cho chúng con, nhất là những bậc làm cha mẹ biết dành ưu tiên thời giờ và tiền bạc cho việc giáo dục và giáo lý cho con cái; và cho mỗi người chúng con được lòng nhiệt thành xây dựng Nước Chúa, làm cho nước Chúa trị đến  qua hoạt động tích cực và cụ thể trong cộng đoàn.

– Xin cho chúng con được theo gương thánh Lê Văn Phụng, quyết định dấn thân bắt đầu làm một việc gì cụ thể dù nhỏ bé âm thầm ngay trong tuần này, để xây dựng nhiệm thể Chúa qua cộng đoàn.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau