Khuôn mặt bên kia tường

Trại cùi ấy cũng giống như bao trại cùi khác trên trần đời này vào thời đó. Tanh hôi, tởm lợm, lạnh lẽo, và nói chung là … tận cùng khốn nạn! Các bệnh nhân lủi thủi, vật vờ như những bóng ma trơi. Họ không làm gì được cả và cũng chẳng ai làm được gì cho họ cả. Ngày này qua ngày khác, những bóng ma cô đơn ấy như chỉ biết thoi thóp bò trườn quanh sân trại.

Tuy nhiên, có một nam bệnh nhân vẫn còn giữ được ánh nhìn sáng ngời trong đôi mắt. Và ông có thể mỉm cười, có thể mấp máy đôi môi nói hai tiếng ‘Cám ơn’ khi bạn trao tặng ông một món gì đó. Xem ra chỉ có mình ông còn là ‘người’, còn giữ được nét ‘người’.

Khi đến với nhau bằng ánh mắt, lời nói – dù không ngọt ngào như mong đợi, nhưng cũng cần phải đến với nhau vì lời hứa hôn nhân mà mình đã công khai cam kết. Tình yêu thật không cho phép sự thất bại xảy ra.

Chị nữ tu phụ trách trại rất ngạc nhiên về điều đó. Chị tự hỏi giữa một thế giới của những ‘bóng ma’ này tại sao nam bệnh nhân kia vẫn còn giữ được thần sắc của một con người sống? Chị chú ý quan sát ông. Và sau vài ngày, chị khám phá được bí mật của ‘phép lạ’: Ngày nào cũng vậy, cứ đến đúng giờ, phía trên góc tường rào của trại hiện ra một khuôn mặt, một khuôn mặt phụ nữ nhỏ bé, luôn luôn với một nụ cười tươi, rất tươi.

Và ngày nào cũng vậy, người bệnh nhân đón chờ để nhận nụ cười từ phía góc trên bờ tường. Nụ cười ấy đem lại nghị lực cho ông và nâng đỡ nơi ông niềm hy vọng. Ông mỉm cười đáp lại, và khuôn mặt kia thoắt biến đi. Rồi ông lại bắt đầu rạo rực đợi chờ khuôn mặt ấy và nụ cười tươi ấy – sẽ xuất hiện vào ngày mai, đúng hẹn.

Một lần, không giấu được tò mò, chị nữ tu quyết định ‘bắt quả tang’ cú hẹn của ông bệnh nhân, và hỏi về khuôn mặt phụ nữ ngoài kia, phía trên bờ tường ấy.

‘À, cô ấy là vợ tôi.’ Người đàn ông trả lời, ‘Trước khi tôi đến đây, cô ấy giấu tôi ở nhà và săn sóc tôi với bất cứ phương tiện nào mà cô ấy có được. Một bác sĩ địa phương đã cho cô ấy một ít thuốc mỡ để bôi lên các vết thương của tôi. Ngày nào cô ấy cũng bôi thuốc lên khắp mặt tôi, chỉ chừa một chỗ … đủ cho cô ấy đặt môi hôn. Nhưng sau ít lâu, người ta phát hiện ra tôi – và họ gom tôi về đây. Vợ tôi đã theo tôi đến trại. Kể từ đó, ngày nào cô ấy cũng ghé thăm tôi, từ phía trên bờ tường, như ma soeur thấy đó. Nhờ đâu tôi có thể tiếp tục sống và hy vọng? Ma soeur hiểu rồi đó.’”[1]

* * *

Trung tín đến với nhau mỗi ngày chỉ để nhìn nhau một lần qua bức tường đã nói lên tình yêu chung thuỷ của đôi vợ chồng gần như tới mức hoàn hảo. Tình yêu là  một huyền nhiệm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Sự chung thuỷ ở đây cũng là một huyền nhiệm mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Câu chuyện đã nêu rõ tính lãng mạng của đôi vợ chồng, nhưng thực ra, phía bên kia bức tường của mỗi con người vẫn là những chuỗi trận chiến với chính mình. Người vợ có thể nại lý do để không đến bức tường ấy. Người chồng cũng có thể nại lý do “mặc cảm, vô dụng” mà không đến bức tường ấy để hẹn gặp vợ mình hằng ngày. Thực tế, cũng không ít người đã nại những lý do như trên để cắt đứt mối dây hôn phối – dù tình cảnh có thể sẽ không bi đát như cặp vợ chồng trong câu chuyện. Có thể bắt đầu bằng việc bỏ lờ không trò chuyện từ ngày một, sau đến vài ngày, rồi đến một tháng và dần dần bỏ mặc nhau. Đối với người chồng, khi đến bức tường, anh quyết đến bức tường ấy không phải chỉ vì cho anh, nhưng là vì lời hứa của hôn nhân, “khi mạnh khoẻ cũng như khi đau ốm.” Như thế, khi đến với nhau bằng ánh mắt, lời nói – dù không ngọt ngào như mong đợi, nhưng cũng cần phải đến với nhau vì lời hứa hôn nhân mà mình đã công khai cam kết. Tình yêu thật không cho phép sự thất bại xảy ra.

Bạn thân mến, mỗi hoàn cảnh cay đắng đều có giá trị của nó. Chúng ta thật không thể hiểu hết ý nghĩa của nó cho đến khi chúng ta trung tín sống với ơn gọi và phận vụ của mình cho trọn. Chỉ trong sự trung tín này, ta mới có thể khám phá ra giá trị tiềm ẩn đang ẩn chứa bên kia “bức tường” ấy.

Br. Huynhquảng


[1]Từ http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/01/13/xin-dung-xa-nhau-nua/ truycập 19/6/2010

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau