Xứ Tây Tạng có một truyện cổ tích khá đặc biệt: Ngày xưa đất của họ có một giống kiến khổng lồ bằng cỡ con thỏ, thường đào hang dưới lòng đất và đùn lên những cục vàng lớn bằng nắm tay. Giống kiến này rất dữ và có tài đánh hơi rất xa nên không ai bén bảng lọt vào vùng này mà sống sót, trừ một vài người may mắn rình cho kiến ngủ say rồi mới đột nhập vội vã nhặt những cục vàng lăn lóc rồi phóng ngựa chạy thật nhanh kẻo lũ kiến tỉnh dậy thì thế nào cũng bị ăn thịt. Về sau họ nghĩ ra cách sử dụng thuốc độc giết chết hết giống kiến này. Nhưng khi lũ kiến bị tiêu diệt thì họ không biết cách nào đào lấy vàng, vì đất đai Tây Tạng cứng như đá, không dụng cụ nào có thể đào lên được!

THỜI ĐIỂM TÌM ĐƯỢC NGỌC

Có thể truyện truyền tụng này đã đào tạo nên tinh thần người Tây Tạng. Vì thế mà trong máu họ có chất tình thương rất hiếm lạ khác với nhiều lớp dân. Giết một người hay giết một con vật là giết chính mình, là làm cho mình nghèo nàn đi kinh khủng, dù người đó hay con vật đó là kẻ thù độc dữ của mình. Thương người, cho người, chính là thương mình, cho mình, là cách tìm lại những viên ngọc quí đã mất xưa kia vì giết giống kiến lạ. Xứ Tây Tạng rất nghèo về tiền bạc nhưng lại rất giầu về tinh thần: mất vàng nhưng biết cách tìm lại được ngọc.

Trong “Đá Ngọc” (The Mani Stones, nhà xuất bản Dharamsala Press), Alan Havey đã thuật lại một câu chuyện thật xẩy ra trong một chuyến đi Tây Tạng cùng với người bạn là Dennis. Hai người tới được một phố nhỏ hẻo lánh hầu như bị bỏ hoang, đất đai chung quanh chỉ toàn sỏi đá khô cằn, dân cư nghèo nàn xơ xác, mọi người đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng chỉ có vài con chó hoang gầy ốm chạy rong. Một hôm thấy một bà lão ăn xin, thân hình còm cõi chỉ còn da bọc xương đang lê lết trên vỉa hè, Alan Havey liền móc túi cho bà vài đồng tiền lẻ, nhưng bà vẫn giơ tay trước mặt như muốn xin thêm một điều gì. Hiểu được ý bà, Dennis liền bới trong túi đeo một ổ bánh mì trao cho bà. Bà lão mừng rỡ chụp lấy ăn ngay. Thì ra bà lão quá đói. Trong lúc bà đang ăn ngấu nghiến thì một con chó hoang ở đâu chạy đến. Trước cặp mắt nhìn ngơ ngác của hai người, bà lão bẻ đôi ổ bánh mì chia cho con chó.

Cảnh tượng một bà lão không có một thứ gì ngoài bộ quần áo rách tả tơi, đang lả đi vì đói lại thản nhiên chia nửa phần ăn của mình cho một con chó hoang đã làm cho hai người từ Tây phương xúc động. Bà lão hành động một cách tự nhiên, không du dự gì cả, hình như bà không hề phân biệt giữa mình với con chó…

Trong lúc Alan Havey đang ngơ ngác về cảnh tượng này thì Dennis bất chợt run bắn người rồi thốt lên:”Đây mới thật là tình thương tuyệt đối.” Hắn quì xuống trút tất cả mọi thứ trong chiếc túi đeo ra cho bà lão ăn xin. Hành động bất ngờ này gây ngạc nhiên không ít. Được hỏi lại thì Dennis trả lời: “Khi cho mà không suy nghĩ, không đòi hỏi gì trả lại, không hối tiếc hay phân biệt một cái gì, thì đó mới thật là tình thương tuyệt đối. Tôi đã suy nghĩ rất lâu về vấn đề này và không biết có người nào thực sự bố thí một cách tuyệt đối như vậy không? Tôi đã đi khắp nơi và chỉ thấy bất cứ cái gì cho ra cũng đều hy vọng một điều gì trả lại, đôi lúc điều muốn đạt được lại nhiều hơn điều người ta cho ra là đàng khác… Sự ích kỷ được che đậy khéo léo và ngụy tạo dưới nhiều danh nghĩa tốt đẹp, nhưng tựu trung vẫn là một hình thức ích kỷ.

CHO QUÀ KIỂU MỸ

Sang Mỹ cả hơn hai mươi năm rồi mà tôi vẫn chưa sao quen được cái kiểu cho quà và nhận quà ở xứ này. Tội nghiệp cho tôi vì cái máu Việt đã ăn sâu trong tôi. Quà thì tất nhiên là quí rồi, vì gói ghém cả tấm lòng người cho. Mua quà xong lại phải nghĩ chuyện mua giấy gói quà, dây buộc và kết nút phải có hoa thật đẹp. Nhận được gói quà như thế, thú thực, tôi chỉ muốn để vậy mà chiêm ngưỡng cho thấm thía đã, rồi đợi lúc tâm hồn lắng đọng nhất mới mở ra. Mở quà không phải là mở gói quà, mà là mở được cõi tâm giầu có của người cho, là hưởng được cái rung động của con tim.

Nhưng kiểu Mỹ thì khác lắm. Nhận quà mà không mở ngay thì ra như không biết nhận quà, không biết trân trọng “appreciate”! Phải tàn nhẫn xé toạc giấy bọc đẹp đẽ kia ra. Rồi chưa biết bên trong có gì, mình đã phải vận động các bắp thịt khắp trên khuôn mặt cho ra vẻ kinh ngạc hân hoan quá đỗi, và môi miệng đã phải bật lên sẵn sàng như cái máy lời khen rối rít: đẹp quá, quí quá. So nice, so pretty, thank you “rất mượt”, nghĩa là very much. Rồi vơ đống giấy vất vào sọt rác, xong một màn hồi hộp muốn chết được.

Quà cho mà đắt tiền thì đã vậy. Nhưng nếu mình nghèo thì cho quà làm sao để người ta cũng phải làm bằng ấy thủ tục cho phải phép?! Riết rồi người cho cũng như kẻ nhận đều phải gồng mình, đều phải làm một cái gì mà lòng mình thật sự  ít rung động nhưng phải làm ra vẻ như thế! Chưa kể khi người nhận chờ đợi một cái gì khác với tấm lòng người cho. Tôi có lần bị sượng chín mặt vì cho quà một đứa choai choai con một gia đình thân. Nó quen sài đồ hiệu Nike và những đồ chơi video mà tôi lại dại dột đi mua cho nó một bông hoa hồng pha lê làm đồ trang hoàng phòng học với câu nói của St Exupéry trong Hoàng Tử Tí Hon: “Chính thời giờ bạn mất đi để săn sóc bông hồng mà làm cho bông hồng của bạn quí trọng thế đấy.” Nó đâu cần biết tim gan phèo phổi gì của người cho. Chỉ thấy nó thất vọng ra mặt mà cũng phải nói lời cảm ơn một cách miễn cưỡng theo thủ tục vì mẹ nó đang ngầm thúc cùi tay vào hông nó.

Cũng vì tội nghiệp cho cái máu Việt trong tôi mà tôi đi mê “Một Món Tết Thật Mặn Mà” của Võ Đình kể về món quà mà chị hàng xóm nghèo nàn mang đến cho nhân một lần trở về quê vào dịp tết sau hai chục năm lưu lạc đi xa. Bằng ấy năm xa cách mà cô hàng xóm mới trên ba mươi tuổi nhưng già như một bà cụ này vẫn còn nhớ ơn, và chả có gì cho ngoài tấm lòng quí mến, nên đưa đến một đĩa rau dền luộc với chén nước ruốc trịnh trọng để trên một cái mâm sơn son đã tróc vỏ: Anh đừng cười, anh hí… Em tìm hoài mới được chừng đó rau dền…

TIN VUI GỬI NGƯỜI BIẾT CHO ĐI

Cho đi thì vui hơn là nhận. Vì cho người thực ra là cho chính mình. Người Tây Tạng đã biết cách tìm lại được những viên ngọc quí, lòng họ luôn giầu có.

Thường dân ở vùng núi hay vùng biển, ở đồng quê hay trong sa mạc, đều dễ có tâm hồn rộng mở theo với bao la của đất trời mở rộng: mọi của cải, mọi giá trị cuộc sống so với núi rừng hay biển cả rộng lượng vô biên kia đâu có là gì. Họ nghèo của mà thường giầu lòng, sống thảnh thơi thanh thản. Ngược lại, dân ở trong thành phố chật hẹp thì dễ bị khép tấm lòng lại vì những chèn cựa bon chen ngột ngạt, nên phát sinh khuynh hướng ích kỷ luôn tìm cách vơ vét vun quén cho mình mà chẳng bao giờ đủ, coi đồng tiền lớn quá, vì thế mà tâm hồn cứ nhỏ đi, cứ nghèo mãi xuống, sống đầu tắt mặt tối…

Muốn trở nên giầu có thì chỉ có cách là lòng mình cũng phải rộng lượng, càng rộng mở thì càng nhận được thêm; càng đóng khép lại thì càng mất đi, càng trở nên nghèo nàn ra. Bất cứ một viên sỏi nào ném xuống mặt hồ cũng đều gợn lên những làn sóng lan tỏa mãi. Một việc lớn như giúp một người có chức vị đang hoạt động tông đồ cũng làm cho mình giầu lên. Mà một việc nhỏ bé, như trao một ly nước, như góp thời giờ và tài năng nhỏ bé của mình vào những công việc ít tên tuổi trong cộng đoàn, cũng đều là những việc lớn lao làm cho tâm hồn mình đẹp đẽ thêm ra, giầu có thêm lên. Chúa Giêsu đã nghiệm điều ấy nên dạy rằng:

Ai tiếp đón một nhà tiên tri vì người đó là tiên tri, sẽ được phần thưởng của nhà tiên tri;  ai đón tiếp người hiền đức vì người ta hiền đức thì sẽ được phần thưởng của người hiền đức. Và ai một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thực, người ấy chắc chắn sẽ được tưởng thưởng.” (Mt 10:41-42)

PHÚT CHO CÂY TRẦM THỞ HƯƠNG DIỆU VỢI

Mang mặc cảm nghèo túng chưa giầu đủ nên nhiều người mới lo vun quén giữ lại. Tâm hồn cảm nhận được sự giầu có của cuộc đời thì luôn sẵn sàng rộng lượng cho đi. Tôi cũng có thể đã giết kiến để lấy vàng, đã đè bẹp người khác để bước lên, nên đời sống tôi càng ngày càng mạt rệp. Tôi muốn dành cho mình phút giây tìm lại được ngọc, như tâm tình Quà Tặng của nhà tiên tri thời đại là Kahlil Gibran trong cuốn Tiên Tri (The Prophet):

Có những người chẳng có bao nhiêu mà cho đi tất cả.
Đó mới là những người tin vào cuộc đời, vì cuộc đời thật sung túc,
và rương đựng chẳng hề vơi.

Có những người cho đi với niềm vui, thì niềm vui chính là phần thưởng.
Họ cho đi, vì trong thung lũng, cây trầm đang thở hương vào không gian diệu vợi.

Qua bàn tay của những người như thế, Thiên Chúa đang tiếp tục vỗ về.
Và từ sau khóe mắt họ, Người mỉm cười trên mặt đất.

Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau