ĐTC Phanxicô – Loạt Bài Giáo lý Các Thói Xấu và Nhân Đức – 15. Đức dũng cảm
Quảng trường Thánh Phêro6
Thứ Tư, 10 tháng 4 năm 2024
____________________________
Loạt Bài Giáo lý Về Các Thói Xấu và Nhân Đức:
Bài 15. Đức dũng cảm (Fortitude)
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Bài giáo lý hôm nay nói về nhân đức thứ ba, đó là đức dũng cảm. Chúng ta hãy bắt đầu với lời mô tả trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo: “Lòng dũng cảm là nhân đức luân lý bảo đảm sự vững chắc trong khó khăn và kiên trì theo đuổi điều thiện. Nó củng cố quyết tâm chống lại những cám dỗ và vượt qua những trở ngại trong đời sống đạo đức. Nhân đức dũng cảm giúp người ta chiến thắng nỗi sợ hãi, thậm chí cả sợ chết, và đối đầu với những thử thách và bách hại” (1808). Đó là những gì Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói về nhân đức dũng cảm.
Vậy thì đây chính là đức tính “chiến đấu” nhất. Nếu nhân đức đầu tiên, tức là sự khôn ngoan, chủ yếu gắn liền với lý trí của con người; và trong khi công lý tìm thấy nơi cư trú của nó trong ý chí, thì đức tính thứ ba này, lòng dũng cảm, thường được các tác giả kinh viện liên kết với điều mà người xưa gọi là “Thèm muốn nộ tính” [irascible appetite]. Tư tưởng cổ xưa không tưởng tượng được một người không có đam mê: họ sẽ là một hòn đá. Và những đam mê không nhất thiết là cặn bã của tội lỗi; nhưng chúng phải được giáo dục, phải được hướng dẫn, chúng phải được thanh tẩy bằng nước Rửa Tội, hay tốt hơn là bằng lửa Chúa Thánh Thần. Một Kitô hữu không có lòng can đảm, không biến sức lực của mình thành điều tốt, không làm phiền ai, là một Kitô hữu vô dụng. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó! Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa vô cảm, khổ hạnh, không biết đến cảm xúc của con người. Hoàn toàn ngược lại. Đối diện với cái chết của bạn Người là La-da-rô, Người bật khóc, và tinh thần bị xúc động mạnh của Người được thể hiện rõ ràng trong một số cách diễn đạt của Người, chẳng hạn như khi Người nói: “Ta đến để ném lửa xuống đất, ước gì nó cháy lên!” (Lc 12,49); và đối diện với việc buôn bán trong đền thờ, Người đã phản ứng bằng vũ lực (x. Mt. 21,12-13). Chúa Giêsu có niềm đam mê.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy tìm một mô tả hiện sinh về đức tính quan trọng này giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Người xưa – cả các triết gia Hy Lạp lẫn các nhà thần học Kitô giáo – đã nhìn nhận sự phát triển hai mặt trong nhân đức dũng cảm: một mặt thụ động, một mặt tích cực.
Đầu tiên là hướng vào bên trong chúng ta. Có những kẻ thù nội tâm mà chúng ta phải đánh bại, chúng mang tên lo lắng, thống khổ, sợ hãi, tội lỗi: tất cả những sức mạnh khuấy động sâu thẳm nội tâm chúng ta và trong một số tình huống làm chúng ta tê liệt. Có bao nhiêu chiến binh không chịu nổi ngay trước khi bắt đầu cuộc thách thức! Bởi vì họ không nhận thức được những kẻ nội thù này. Dũng cảm trước hết là chiến thắng chính mình. Hầu hết những nỗi sợ hãi nảy sinh trong chúng ta đều không có thực và hoàn toàn không trở thành hiện thực. Vậy thì tốt hơn là hãy cầu xin Chúa Thánh Thần và đối đầu với mọi sự với lòng kiên nhẫn: giải quyết từng vấn đề một, tùy theo khả năng của chúng ta, nhưng không đơn độc! Chúa ở cùng chúng ta nếu chúng ta tin tưởng vào Người và chân thành tìm kiếm điều tốt lành. Khi đó, trong mọi tình huống, chúng ta có thể trông cậy vào sự quan phòng của Chúa để che chở và trang bị cho chúng ta.
Và sau đó là chuyển động thứ hai của nhân đức dũng cảm, lần này có tính chất tích cực hơn. Ngoài những thử thách bên trong còn có những kẻ thù bên ngoài, đó là những thử thách của cuộc sống, những bắt bớ, những khó khăn mà chúng ta không ngờ tới và làm chúng ta ngạc nhiên. Thật vậy, chúng ta có thể cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra với mình, nhưng ở một mức độ lớn hơn, thực tại được tạo thành từ những sự kiện không thể lường trước được, và ở vùng biển này đôi khi con thuyền của chúng ta bị sóng đánh trôi. Sự dũng cảm khi đó làm cho chúng ta trở thành những thủy thủ kiên cường, không sợ hãi hay nản lòng.
Dũng cảm là một đức tính cơ bản vì nó dám tiếp nhận sự thách thức của cái ác trên thế giới. Một số người coi như nó không hiện hữu, mọi thứ đều ổn, ý chí con người đôi khi không mù quáng, những thế lực đen tối mang đến cái chết không ẩn nấp trong lịch sử. Nhưng chỉ cần lướt qua một cuốn sách lịch sử, hoặc không may là cả báo chí, cũng đủ để khám phá những hành động bất chính mà chúng ta một phần là nạn nhân và một phần là thủ phạm: chiến tranh, bạo lực, chế độ nô lệ, áp bức người nghèo, những vết thương chưa bao giờ lành và vẫn tiếp tục chảy máu. Nhân đức dũng cảm khiến chúng ta phản ứng và hét to “không”, một tiếng “không” nhấn mạnh đối với tất cả những điều này. Trong thế giới phương Tây thoải mái của chúng ta, nơi đã phần nào làm loãng đi mọi thứ, đã biến việc theo đuổi sự hoàn hảo thành một sự phát triển hữu cơ đơn giản, không cần phải đấu tranh vì mọi thứ đều giống nhau, đôi khi chúng ta cảm thấy một niềm hoài niệm lành mạnh về các nhà tiên tri. Nhưng những người có tầm nhìn xa trông rộng và phá cách thì rất hiếm. Cần có một ai đó có thể đánh thức chúng ta khỏi chỗ mềm yếu trong đó, chúng ta đã nằm lì và khiến chúng ta kiên quyết lặp lại lời nói “không” với sự dữ và mọi thứ dẫn đến sự thờ ơ. “Không” với cái ác và “không” với sự thờ ơ; “có” với tiến bộ, với con đường đưa chúng ta tiến về phía trước, và vì điều này chúng ta phải chiến đấu.
Vì thế, chúng ta hãy tái khám phá trong Tin Mừng sức mạnh của Chúa Giêsu và học điều đó từ chứng tá của các thánh. Cảm ơn anh chị em.
Chuyển ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net