ĐTC Phanxicô – Loạt Bài Giáo lý Các Thói Xấu và Nhân Đức – 14. Đức công bình
Quảng trường Thánh Phêro6
Thứ Tư, 3 tháng 4 năm 2024
____________________________
Loạt Bài Giáo lý Về Các Thói Xấu và Nhân Đức:
Bài 14. Đức công bình
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Lễ Phục sinh vui vẻ, chào anh chị em buổi sáng!
Thế là chúng ta tới nhân đức chính thứ hai: hôm nay chúng ta sẽ nói về đức công bình. Đó là đức tính xã hội tuyệt hảo. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa nó như sau: “Nhân đức luân lý hệ ở ý chí kiên trì và cương quyết dành cho Thiên Chúa và tha nhân những gì thuộc về họ” (số 1807). Đó là đức công bình. Thông thường, khi đề cập đến đức công bình, phương châm đại diện cho nó cũng được trích dẫn: “unicuique suum”, nghĩa là “cho mỗi người điều của họ”. Đó là nhân đức của pháp luật, tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với nhau một cách công bằng.
Nó được mô tả một cách phúng dụ bằng cái cân, bởi vì nó nhằm “điểm số đồng đều” giữa người ta, đặc biệt là khi họ có nguy cơ bị bóp méo bởi sự mất cân bằng nào đó. Mục đích của nó là trong một xã hội, mọi người đều được đối xử theo phẩm giá của mình. Nhưng các bậc thầy cổ xưa đã dạy rằng để đạt được điều này, những thái độ đạo đức khác cũng cần thiết, chẳng hạn như lòng nhân từ, sự tôn trọng, lòng biết ơn, sự nhã nhặn, trung thực: những nhân đức góp phần vào sự chung sống tốt đẹp giữa người ta. Công bình là một nhân đức cho sự chung sống tốt đẹp giữa người ta.
Tất cả chúng ta đều hiểu công bình là nền tảng cho sự chung sống hòa bình trong xã hội: một thế giới không có luật pháp tôn trọng quyền lợi sẽ là một thế giới không thể sống được, nó sẽ giống như một khu rừng rậm. Không có công bình thì không có hòa bình. Không có công bình thì không có hòa bình. Trên thực tế, nếu công bình không được tôn trọng thì xung đột sẽ nảy sinh. Không có công bình, luật lợi dụng kẻ mạnh đối với kẻ yếu được thiết lập, và điều này là không đúng.
Nhưng công bình là một nhân đức hành động cả theo mức lớn lẫn mức nhỏ: nó không chỉ liên quan đến phòng xử án mà còn liên quan đến đạo đức vốn phân biệt cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó thiết lập những mối quan hệ thành thật với người khác: nó thực tại hóa giới luật của Tin Mừng, theo đó ngôn từ của người Kitô hữu phải là: “Có, có”, “Không, không”; Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Sự thật nửa vời, lời nói xảo quyệt muốn lừa dối người khác, sự dè dặt che giấu ý định thực sự không phải là thái độ phù hợp với công bình. Người chính trực là người ngay thẳng, giản dị và thẳng thắn, không đeo mặt nạ, thể hiện đúng bản chất của mình và nói sự thật. Chữ “cám ơn” thường được tìm thấy trên môi họ: họ biết rằng, dù chúng ta có cố gắng rộng lượng đến đâu, chúng ta vẫn luôn mắc nợ người khác. Chúng ta yêu cũng là vì chúng ta đã được yêu trước.
Vô số mô tả về người chính trực có thể tìm thấy trong truyền thống. Chúng ta hãy xem một số trong số này. Người chính trực tôn trọng luật pháp và biết rằng luật pháp là rào cản bảo vệ những người không có khả năng tự vệ trước sự bạo ngược của kẻ mạnh. Người chính trực không chỉ chăm sóc hạnh phúc cá nhân của mình mà còn mong muốn lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, họ không nhượng bộ trước sự cám dỗ chỉ nghĩ đến bản thân mình và quan tâm đến công việc của riêng mình, dù hợp pháp đến đâu, như thể chúng là điều duy nhất hiện hữu trên thế giới. Nhân đức công bình nói rõ ràng rằng không thể có điều tốt thực sự cho mình nếu không có điều tốt cho mọi người, và đặt nhu cầu này vào tâm hồn.
Vì vậy, người chính trực sẽ trông chừng hành vi của mình để không gây tổn hại cho người khác: nếu phạm sai lầm thì xin lỗi. Người chính trực luôn xin lỗi. Trong một số trường hợp, thậm chí họ còn hy sinh lợi ích cá nhân để mang nó đến cho cộng đồng. Họ mong muốn một xã hội trật tự, trong đó người ta dành quang vinh cho chức vụ chứ không phải chức vụ dành vinh quang cho người ta. Họ ghê tởm các tiến cử và không trao đổi ân huệ. Họ yêu trách nhiệm và gương mẫu trong việc cổ vũ tính hợp pháp.
Thực ra, đó là con đường đi đến công bình, là liều thuốc giải độc cho nạn tham nhũng: việc giáo dục con người, đặc biệt là giới trẻ, về nền văn hóa hợp pháp thật quan trọng biết bao! Đó là con đường ngăn chặn căn bệnh ung thư tham nhũng và tiêu diệt tội phạm, loại bỏ mặt đất dưới chân nó.
Hơn nữa, người chính trực tránh xa những hành vi có hại như vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay nặng lãi, nhạo báng và bất lương. Người chính trực giữ lời mình nói, trả lại những gì mình đã mượn, công nhận mức lương chính xác cho tất cả người lao động – người không trả mức lương chính xác cho người lao động thì không công bằng mà là bất công – người đó cẩn thận không đưa ra những phán xét liều lĩnh đối với người khác, bảo vệ danh tiếng tốt đẹp của người khác.
Không ai trong chúng ta biết trên đời này người chính trực nhiều hay hiếm như những viên ngọc. Nhưng họ là những người thu hút được ân sủng và phúc lành cho bản thân họ và thế giới nơi họ đang sống. Họ không phải là kẻ thua cuộc so với những người “xảo quyệt và xảo quyệt”, bởi vì, như Kinh thánh đã nói, “ai tìm kiếm công bình và tình yêu sẽ tìm thấy sự sống và vinh quang” (Cn 21:21). Người chính trực không phải là những nhà luân lý đóng vai trò kiểm duyệt, mà là những người ngay thẳng “đói khát đức chính trực” (Mt 5:6), những người mơ mộng khao khát trong lòng tình huynh đệ phổ quát. Và tất cả chúng ta đều rất cần giấc mơ này, đặc biệt là ngày nay. Chúng ta cần những người đàn ông và đàn bà chính trực, và điều này sẽ khiến chúng ta hạnh phúc.
Chuyển ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net