Hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ dạy giáo lý mới, dành riêng cho một chủ đề cấp bách và mang tính quyết định đối với đời sống Kitô hữu: niềm đam mê truyền giảng Tin Mừng, tức là lòng nhiệt thành tông đồ. Đó là một chiều kích sống còn đối với Giáo hội: cộng đồng các môn đệ của Chúa Giêsu thực sự sinh ra làm tông đồ, sinh ra để truyền giáo, chứ không phải cải đạo. Và ngay từ đầu chúng ta phải phân biệt: truyền giáo, làm tông đồ, loan báo Tin Mừng không giống như cải đạo, chúng không liên quan gì đến nhau. Điều này liên quan đến một chiều kích sống còn đối với Giáo hội. Cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu khai sinh là cộng đoàn tông đồ và truyền giáo. Chúa Thánh Thần nhào nặn nó hướng ra bên ngoài – Giáo hội tiến ra bên ngoài, đi ra bên ngoài – để nó không khép kín trong chính nó, nhưng hướng ra bên ngoài, một chứng nhân dễ lan toả của Chúa Giêsu – đức tin cũng có sức lan toả – vươn ra để chiếu toả ánh sáng của Người cho mọi người đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên, điều có thể xảy ra là nhiệt tình tông đồ, ước muốn vươn tới người khác bằng tin vui Tin Mừng đến cho người khác, giảm sút đi, trở nên nguội lạnh. Đôi khi dường như nó bị lu mờ; có những Kitô hữu “khép kín”, họ không nghĩ đến người khác. Nhưng khi đời sống Kitô hữu đánh mất tầm nhìn về chân trời truyền giảng Tin Mừng, chân trời loan báo, nó trở nên ốm yếu: nó tự khép kín, trở nên quỵ ngã, nó trở nên teo tóp. Không nhiệt thành tông đồ, đức tin khô héo. Mặt khác, truyền giáo là dưỡng khí của đời sống Kitô hữu: nó tiếp thêm sinh lực và thanh lọc đời sống ấy. Vậy chúng ta hãy bắt tay vào tiến trình khám phá lại niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ Kinh thánh và giáo huấn của Giáo hội, để khơi dậy lòng nhiệt thành tông đồ từ các nguồn mạch của nó. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp cận một số nguồn sống động, một số nhân chứng từng khơi dậy trong Giáo hội niềm đam mê đối với Tin Mừng, để chúng có thể giúp chúng ta thắp lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần muốn tiếp tục đốt cháy trong chúng ta.

Và hôm nay tôi muốn bắt đầu với một đoạn Tin Mừng khá tiêu biểu; chúng ta [vừa] nghe ơn gọi của Thánh Tông đồ Mátthêu. Và chính ngài kể câu chuyện trong Tin Mừng của ngài mà chúng ta đã nghe (x. Mt 9,9-13).

Bản văn viết, tất cả bắt đầu với Chúa Giêsu, Đấng “thấy một người đàn ông”. Ít người nhìn thấy con người thật của Mátthêu: người ta biết ngài là người “ngồi ở trạm thu thuế” (c. 9). Thực thế, ngài là một người thu thuế: nghĩa là người thu thuế thay cho đế quốc La Mã đang chiếm đóng Palestine. Nói cách khác, ngài là một kẻ cộng tác, một kẻ phản bội nhân dân. Chúng ta có thể hình dung sự khinh bỉ mà người ta dành cho ngài: ngài là một “công chức”, như cách gọi của họ. Nhưng dưới con mắt của Chúa Giêsu, Mátthêu là một con người, với cả những khốn cùng và sự vĩ đại của mình. Hãy lưu ý điều này: Chúa Giêsu không dừng lại ở tĩnh từ – Chúa Giêsu luôn tìm kiếm danh từ. “Người này là một tội nhân, họ là loại người đó…” đây là những tĩnh từ: Chúa Giêsu đi vào con người, vào trái tim, “Đây là một con người, đây là một người đàn ông, đây là một người phụ nữ.” Chúa Giêsu đi đến chủ từ, danh từ, không bao giờ đến tĩnh từ, Người bỏ qua các tĩnh từ. Và trong khi có khoảng cách giữa Mátthêu và dân của ngài – vì họ nhìn thấy tĩnh từ “người thu thuế” – Chúa Giêsu đến gần ngài, vì mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. “Ngay cả tên khốn nạn này?” Vâng, ngay cả tên khốn này. Thật vậy, Tin Mừng nói rằng Người đến vì chính kẻ khốn nạn này: “Ta đến vì những kẻ tội lỗi, không phải vì người công chính.” Cái nhìn này của Chúa Giêsu thực sự rất đẹp. Nó nhìn thấy người khác, bất kể họ là ai, với tư cách là người nhận được tình yêu, là khởi đầu của niềm đam mê truyền giáo. Mọi sự bắt đầu từ cái nhìn này, mà chúng ta học được từ Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta nhìn người khác như thế nào? Thường xuyên xiết bao chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi lầm của họ chứ không phải nhu cầu của họ; biết bao lần chúng ta gán cho mọi người theo những gì họ làm hoặc những gì họ nghĩ! Ngay cả với tư cách là những Kitô hữu, chúng ta cũng tự nhủ: anh ta có phải là một trong số chúng ta hay không? Đây không phải là cái nhìn của Chúa Giêsu: Người luôn nhìn mỗi người với lòng thương xót và thực sự với sự ưu ái. Và các Kitô hữu được kêu gọi làm như Chúa Kitô đã làm, giống như Người, đặc biệt là đối với những người được gọi là “những người ở xa”. Thật vậy, lời tường thuật của Mátthêu về ơn gọi kết thúc với việc Chúa Giêsu nói: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người có tội” (c. 13). Và nếu bất cứ ai trong chúng ta tự cho mình là công chính, thì Chúa Giêsu ở rất xa. Người đến gần những giới hạn của chúng ta, những đau khổ của chúng ta, để chữa lành chúng.

Tất cả bắt đầu với cái nhìn của Chúa Giêsu. “Người thấy nơi Mátthêu một người đàn ông”. Điều tiếp theo – bước thứ hai – là một chuyển động. Đầu tiên là cái nhìn: Chúa Giêsu thấy. Thứ hai, chuyển động. Mátthêu đang ngồi ở văn phòng thu thuế; Chúa Giêsu nói với ngài: “Hãy theo ta”. Và “ngài đứng dậy đi theo Người” (c. 9). Chúng ta lưu ý bản văn nhấn mạnh rằng “ngài đã đứng dậy”. Tại sao chi tiết này rất quan trọng? Bởi vì thời đó, người ngồi có quyền đối với những người khác, những người đứng trước mặt người ngồi để lắng nghe anh ta hoặc, như trong trường hợp này, để tỏ lòng kính trọng. Nói tóm lại, người ngồi có quyền lực. Việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là tách Mátthêu ra khỏi quyền lực: từ chỗ ngồi đón người khác, Người khiến ngài chuyển động về phía người khác, không phải để đón, không: ngài đi ra ngoài tới người khác. Người khiến ngài rời bỏ vị trí có quyền tối cao để đặt ngài ngang hàng với các anh chị em của mình và mở ra cho ngài các chân trời phục vụ. Đây là điều Chúa Kitô làm, và đây là điều căn bản đối với các Kitô hữu: chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta, Giáo hội, ngồi chờ người ta đến, hay chúng ta biết đứng dậy, lên đường với người khác, tìm kiếm người khác? Nói rằng, “Nhưng hãy để họ đến với tôi, tôi ở đây, hãy để họ đến,” là một lập trường phi Kitô giáo. Không, anh chị em đi tìm họ, anh chị em thực hiện bước đầu tiên.

Một cái nhìn – Chúa Giêsu thấy; một chuyển động – “ngài đứng dậy”; và thứ ba, điểm đến. Sau khi đứng dậy đi theo Chúa Giêsu, Mátthêu đi đâu? Chúng ta có thể tưởng tượng rằng sau khi đã thay đổi cuộc đời của người đàn ông, Thầy chí thánh sẽ dẫn dắt ngài đến những cuộc gặp gỡ mới, những trải nghiệm tâm linh mới. Không, hoặc ít nhất là không ngay lúc ấy. Đầu tiên, Chúa Giêsu về nhà của ngài; ở đó Mátthêu chuẩn bị “một bữa tiệc lớn” cho Người, trong đó có “rất đông những người thu thuế” – nghĩa là những người giống như Người – tham dự (Lc 5,29). Mátthêu trở lại môi trường của mình, nhưng ngài trở lại đó với sự thay đổi và với Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài không bắt đầu ở một nơi mới mẻ, trong lành, một nơi lý tưởng, xa xôi, nhưng ngài bắt đầu từ nơi ngài sống, với những người ngài quen biết. Đây là thông điệp dành cho chúng ta: chúng ta không cần phải đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo và đã đi một chặng đường dài theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Người, không. Việc công bố của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, tại nơi chúng ta sinh sống. Và nó không bắt đầu bằng cách cố gắng thuyết phục người khác, không, không phải thuyết phục: bằng cách mang mỗi ngày đến vẻ đẹp của Tình yêu đã nhìn vào chúng ta và nâng đỡ chúng ta.

Và chính vẻ đẹp này, việc thông truyền vẻ đẹp này sẽ thuyết phục mọi người – không phải thông truyền chính chúng ta mà là chính Chúa. Chúng ta là những người tuyên xưng Chúa, chúng ta không tuyên xưng mình, không công bố một đảng phái chính trị, một ý thức hệ nào. Không: chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu. Chúng ta cần để Chúa Giêsu tiếp xúc với dân chúng, không thuyết phục họ nhưng để Chúa thuyết phục. Vì như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã dạy chúng ta, “Giáo hội không tham gia vào việc cải đạo. Thay vào đó, Giáo hội lớn lên nhờ ‘sự thu hút’”1Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc Đại hội lần thứ V của các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê, Aparecida, 13 tháng 5 năm 2007. Đừng quên điều này: khi anh chị em thấy các Kitô hữu cải đạo, lập danh sách những người sẽ đến… đấy không phải là Kitô hữu, họ là những người ngoại giáo cải trang thành Kitô hữu, nhưng trái tim thì ngoại giáo. Giáo hội phát triển không phải nhờ cải đạo, mà phát triển nhờ thu hút.

Tôi nhớ có lần, tại một bệnh viện ở Buenos Aires, các nữ tu làm việc ở đó đã rời đi vì họ quá ít, và họ không thể điều hành bệnh viện. Và một cộng đồng nữ tu từ Hàn Quốc đã đến. Và họ đã đến, tạm nói là vào hôm thứ Hai (tôi không nhớ ngày). Họ chiếm nhà của các chị em trong bệnh viện và vào thứ Ba, họ xuống thăm người bệnh trong bệnh viện, nhưng họ không nói một chữ tiếng Tây Ban Nha nào. Họ chỉ nói tiếng Hàn và bệnh nhân rất vui, vì họ nhận xét: “Làm tốt lắm! Những nữ tu này, hoan hô, hoan hô! “Nhưng nữ tu đã nói gì với anh chị em?” “Không có gì, nhưng với cái nhìn của dì, dì đã nói với con, dì đã truyền đạt Chúa Giêsu,” không phải chính họ, bằng cái nhìn của họ, bằng những cử chỉ của họ. Truyền đạt Chúa Giêsu, chứ không phải chính chúng ta: Đây là sự thu hút, ngược lại với chủ nghĩa cải đạo.

Chứng tá hấp dẫn này, chứng tá vui tươi này là mục tiêu mà Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta với cái nhìn yêu thương của Người và với sự chuyển động hướng ra bên ngoài mà Thánh Thần của Người khơi dậy trong lòng chúng ta. Và chúng ta có thể xét xem cái nhìn của chúng ta có giống ánh mắt của Chúa Giêsu hay không, để thu hút người ta, để đưa họ đến gần Giáo hội hơn. Hãy nghĩ về điều đó.