Chúa Nhật 2 Mùa Vọng: Cô Bắc kỳ nho nhỏ
“Hãy dọn sẵn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng.” (Mt 3:2-3).

Sang Mỹ ăn nhiều bơ thịt, tạng người trẻ Việt có vẻ cao ráo gồ ghề hẳn ra, hình ảnh cô em Bắc Kỳ nho nhỏ đôi khi cũng nhạt nhòa theo với Nguyễn Tất Nhiên.

Bệnh phì mỡ hiện đã trở thành một thứ nạn rất tốn tiền nơi lớp trẻ Mỹ, bị tới 22% lận. Karl Marx “đỉnh cao trí tuệ loài người là con vật kinh tế” đã phát ngôn sai bét! Ông ta và đám đồ đệ háu đói chỉ mơ tranh ăn không cũng đủ hả hê trên cõi đời này lắm rồi. Thiên hạ bây giờ lại chỉ sợ chết no, phải lo nhịn ăn bớt đi cho đỡ mập, vất mớ lý thuyết “tiên tiến tiền sử” vào sọt rác!

Mập một tí cũng đẹp chứ có sao? Nhưng bệnh ứ mỡ không ngờ mà tai hại quá sức. Thở hết nổi, đi lại ì ạch, tim bị nghẹt, mạch máu bị tắc, đầu óc trì trệ, và sinh ra mặc cảm thấy mình chẳng giống ai.

Báo chí tuần này lại lên tiếng ồn ào, bảo rằng tỉ lệ bệnh phì mỡ nơi đám trẻ tăng vọt dữ dội từ mười năm nay, kể từ khi có nhiều chương trình hoạt họa và máy chơi trên màn ảnh TV và Internet. Trẻ cứ chúi đầu vào đó suốt buổi, quên luôn xe đạp và trò chơi ngoài trời; rồi tiện tay có hằng “xe vận tải” các đồ ăn vặt liên tục tốc hành chạy vào miệng, vừa chơi vừa “cạp” Big Mac. Ngồi nhiều thì sinh ứ và đạt thói quen lười biếng rất nhanh. Rồi đồ ăn vặt lại chứa quá nhiều chất làm rửng mỡ. Thành ra đứa trẻ tưởng rằng ngồi chơi mà hóa ra đang bị cơn bão khích động hoành hành từ cơ thể cho đến tâm tính! Dư nhiệt thừa mỡ quá làm sao kềm nổi?

ENNEAGRAM VỚI CHÍN CÁI MẶT NẠ

Không ngờ mình lại bị biến chất người do đồ ăn và đồ chơi. Chẳng lạ gì mà hãng “Toys are Us” đã chọn cái tên thật độc: đồ chơi là chính chúng ta. Cũng như đã từng có bảng quảng cáo quần áo tỉnh bơ thế này: bạn là chính quần áo bạn mặc (you are what you wear). Đồ chơi giáo dục đào tạo con cái chứ có phải cha mẹ đâu.

Mà chẳng phải trẻ em không, mỗi người cũng có thể đang bị “đào tạo biến chất người” một cách khác nhau. Hiện nay những ngành về tâm lý và linh hướng, thường thêm môn học về Enneagram, tức là Phương Pháp Chín Số, khá thịnh hành và hiệu nghiệm. Đó là một phương pháp bí truyền của các sư phụ Sufi vùng Cận Đông dùng để huấn luyện môn sinh. Enneagram nhằm đào sâu vào mặc cảm con người, rất gần với khoa tâm lý miền sâu ngày nay, nhưng đã được hệ thống hóa một cách đơn giản để áp dụng thực hành ngay được. Một trong những khía cạnh hấp dẫn của Enneagram là cho thấy rõ mỗi người có một chiều hướng khổ nằm mãi tận trong mạch máu. Đó là một động lực tiềm ẩn đun đẩy trong suốt cuộc đời; mọi hành vi ngôn ngữ đều do động lực này điểu khiển một cách vô thức. Một người hay chê bai chỉ trích là vì bên trong có nhiều cái không bằng lòng với chính mình, nên phóng rọi những bóng đen đó ra ngoài, phản ánh nơi người khác, như ca dao Việt đã tài tình diễn tả:

Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

Một người hay khoe khoang và thích chôm chỉa chộp giật là vì trong thâm tâm có mặc cảm mất mát hụt hẫng nên phải gỡ gạc bù trừ. Một người luôn tỏ ra hung hãn ăn thua đủ với mọi người là vì  đời sống đã ăn quá nhiều đòn, giống như kiểu vết thù hằn trên lưng ngựa hoang.

Hóa ra ít người đang là chính mình lắm. Chẳng lạ gì mà trong nghệ thuật sân khấu Á Đông, các vai diễn thường mang mặt nạ, có ý nói lên rằng cuộc đời là một vở kịch mà mỗi người cũng đang đóng một vai trò kịch cỡm nào đó, chứ chưa chắc là con người thật của mình. Ngôn ngữ tâm lý miền sâu của Karl Jung thì gọi là Persona, là con người mang mặt nạ, con người giả, phàm ngã (false self), không phải là con người thật, chân ngã (the self).

ĐIỂM MẶT ĐỨA SAI KHIẾN MÌNH

Mọi hành vi ngôn ngữ của con người đều do động lực bên trong điểu khiển một cách vô thức, bắt mình phải giẫy, phải cắn, phải khoe mẽ, phải gỡ gạc chôm chỉa. Người đang hành động theo ẩn ức này thì cảm thấy khổ vì không bao giờ thỏa được, mà lại làm khổ nhiều người. Rồi người khác bị hành khổ lại nối tiếp đi làm khổ người khác nữa, làm nên cái vòng luẩn quẩn mà chữ nghĩa gọi là cái vòng hệ lụy nghiệt ngã trói chặt không thoát ra được.

samacĐiều mình đang khổ tâm, không chấp nhận được ở trong mình, thì lại phóng rọi sang người khác. Từ tâm lý bây giờ gọi là hiện tượng phóng chiếu (projection). Nói khác hơn, cứ xem những biểu hiện qua hành vi ngôn ngữ của một người thì biết ngay động lực nào từ bên trong để chữa trị. Chẳng hạn một người hay chê bai chỉ trích và tiêu cực là dấu chắc chắn đang bị nỗi khổ mặc cảm thua kém, là “cái đứa” điều khiển mình. Người Việt đã biết khoa tâm lý uyên nguyên này từ lâu, trước Sigmund Freud và Karl Jung xa. Chả cần những cuốn sách khảo cứu dầy cộm, người Việt tóm gọn chỉ trong hai câu:

Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

Con lươn vốn dài và con trạch thì vốn ngắn. Con sò con trai thì vốn có miệng không đều một cách nghệ thuật. Chúng được dựng nên vậy mà, đẹp lắm chứ. Thế mà chỉ vì có anh lươn nào tự mặc cảm thấy mình không “cao ráo sáng sủa” thì mới đi chê chú trạch dài chi mà “quá cỡ thợ mộc!” Cô thờn bơn nào mặc cảm không có bờ môi hình trái tim mới đi chê nàng sò vốn có cái răng khểnh duyên dáng chứ có lệch lạc gì cho đành. Ấy, cái khổ bên trong nó phóng rọi ra là vậy. Và mình dễ giẫy giụa trở thành những hiện tượng, những mặt nạ làm trò hề.

TIN VUI GỬI CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ

Nỗi khổ này đã từng hành hạ Nguyễn Tất Nhiên  và nhiều người với “Này Cô Em Bắc Kỳ Nho Nhỏ”:

đời chia muôn nhánh khổ nguy nan
mà anh mang tội gốc chưa tan.
….
cửa chùa tuy rộng mở
tà đạo khó nương thân
anh đành xưng quỉ sứ
lãnh đủ ngọn dao trần!
qua giáo đường kiếm Chúa
xin được làm chiên ngoan
Chúa cười rung thánh giá
bảo: đầu ngươi có sừng!

Thấy mình có sừng quỉ sứ khiến vỡ tình là một nỗi khổ. Cũng là một trong 9 mặt nạ hay 7 “tội gốc chưa tan”, tiếng trong Đạo Chúa gọi là bẩy mối tội đầu, là bẩy cái gốc của mọi giống tội tham sân si, mãi mãi hành hạ làm khổ đời mình, làm khổ đời nhau, và trở thành những hiện tượng, những mặt nạ lố bịch.

Cảm nghiệm sâu xa được điều này, người Việt diễn thành phong tục: “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Đến với nhau mà không nghiền nát xóa bỏ cái tôi giả của mình ra như trầu cau thì tình thương không thể phát khởi được, không thấy được nét đẹp thực của nhau. Và rất có thể chỉ là dịp để đóng kịch, lợi dụng nhau và hành khổ nhau.

Chính vì thế mà khởi đầu Tin Mừng của Chúa là lời kêu gọi từ sa mạc trống vắng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần bên. Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3:2-3).

Nước tình yêu hạnh phúc đang ở ngay bên rồi. Chỉ cần xả trống mặt nạ, buông bỏ những gì đang cản trở chặn vít, là nhận ra liền.

PHÚT ĐÁNH TRỐNG MỞ TÂM

Trong các lễ nghi trang trọng, người Việt thường đánh ba hồi trống để khai mạc. Đây chính là nghi thức mở màn mặt nạ chắn vít con người thật của mình, để dòng lực tình có thể luân lưu. Cũng như phải đấm vào ngực mình ba lần như ba hồi trống khi đọc “Kinh Cáo Mình” lúc đầu lễ trong đạo Chúa.

Nhà thờ vùng New Orleans, trong những dịp lễ truyền thống Việt Nam như ngày Tết, ngày Giỗ Tổ v.v. thường áp dụng nghi thức đánh trống và dâng hương vào nghi thức thống hối đầu lễ: khai trống cõi tâm cho Thần nhập, xả bỏ phàm ngã để hòa nhập vào Chân Ngã là chính Chúa, như diễn tiến Vũ Khúc Vuông Tròn: hòa nhập cõi vuông góc cạnh trần thế vào cõi Trời tròn viên mãn.

Muốn được thanh thoát, mình cần dành giây phút thảnh thơi, ngồi tĩnh lặng, nhận diện một “tội gốc chưa tan” vốn điều khiển sai bảo mình từ bấy lâu nay, khiến mình cứ phải tự hành hạ và làm khổ nhiều người. Và mình điểm ba hồi trong tâm tưởng cho lòng mình trống ra, lâm râm với Nguyễn Tất Nhiên, cảm nhận giây phút bừng tỉnh:

chuông nhà thờ đổ mệt,
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ, có lẽ
rơi xuống trần gian, mưa.

Trích “Tiếng Sáo Ân Tình”
Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau