Bảo là quá khích thì tôi cũng chịu vậy. Trong vòng một tuần lễ tôi đi xem phim “Ba Mùa” (Three Seasons) hai lần. Lần thứ hai là để nhìn rõ hơn cái dáng nét Bố tôi nơi anh chàng Hải đạp xích lô dưới ống kính rất nghệ thuật và tài tình của đạo diễn Tony Bùi, vẽ tả ra được tâm hồn một người Bố Việt. Như vậy là vừa khích chứ đâu phải quá khích!

THỜI ĐIỂM NGÀY THƯƠNG BỐ

Anh chàng Hải có dáng phong sương với nước da đen sạm, nhưng con mắt thì thật sáng diễn tả một tâm hồn thanh thản và cương nghị có sức hóa giải tất cả, vượt qua tất cả, kham nổi nắng oi nực cũng như mưa đầm đìa. Chắc là anh bị lỡ thời, chữ nghĩa không còn giá trị bằng cặp giò đạp xích lô. Những lúc ế ẩm không có khách, nhớ chữ nghĩa quá thì anh lôi cuốn sách cũ nhàu nát ra đọc, hay ban đêm ngước nhìn sao trời làm người nhà giầu hưởng thú khách sạn “nghìn sao.” Chứng kiến bao cảnh oan trái và trớ trêu, anh vẫn nhẫn nhục góp phần thả hoa xuống dòng sông cuộc đời, bằng một thứ tình yêu tinh ròng, nguyên thủy. Những giọt mồ hôi nhễ nhãi của anh có thể thơm hơn những đồng tiền trong những khách sạn năm sao ăn chơi sang trọng mà bần tiện kia.

THREE SEASONS, Don Duong, Diep Bui, 1999

Bố tôi cũng bị sa cơ thất thế. Dòng nội tổ có thể đã từ đâu tụ về vùng Trà Lũ bên Nam Định, nơi phát sinh cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành. Sau khi thất bại, thì nhiều người được Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ khôn khéo bao che cho về “núi vàng” Kim Sơn từ năm 1829 làm “nguyên mộ,” tức là những người đầu tiên có công mộ dân đi lập nghiệp nơi cánh đồng lầy với những làng mang tên thật đẹp cho lên tinh thần như Hòa Lạc, Chí Tĩnh, Quy Hậu, Tôn Đạo… và đã nhiều đời đứng đầu một lý, với bao chông chà thuở ban đầu như ca vè vùng đất Kim Sơn còn ghi lại

Đường đi như thể chông chà,
Ầm ầm muỗi bọ như là thóc xay.

“Núi vàng” với những đống lúa cao như núi thì chưa thấy, chứ gia phả để lại thì chỉ kể chuyện về những cảnh phá giặc và dẹp cướp Tàu Ô vùng cửa Thần Phù rất gian khổ.

Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.

Nơi Bố tôi sinh trưởng không có gì là “địa linh nhân kiệt” cả. Không phát xuất nhiều bậc tài ba mà cũng chẳng là nôi sinh văn hóa trống đồng hay trống da trâu gì hết, ngoại trừ một di tích đã xưa cũ là động Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh, Trương Hán Siêu và cái gia sản tinh thần tự do không chịu luồn cúi chầu chực một cái khuôn rã nát của lớp cai trị đã làm cản bước tiến. Vào thập niên ’30, Bố phải bỏ quê sang Thái lan lập nghiệp mấy năm, nhưng ông nội bắt về lập gia đình để cầm chân cho chắc ăn. Mà Bố có muốn an phận thủ thường cũng đâu có dễ. Chỉ biết những ngày thơ ấu, tôi đã chứng kiến cái cảnh sau hiệp định Genève bố tôi được thả tù trở về đúng là một con chó chết ốm o, vì  như lời Bố kể vùng rừng núi nhà tù nước độc đến nỗi con chó lội qua suối lên là trụi không còn một chiếc lông nào. Hình ảnh mẹ tôi hồi còn trẻ khóc lăn lộn vật vã suốt những tháng ngày Bố tôi bị bắt vào đêm “tháp chuông Hòa Lạc” vẫn mãi mãi ghi đậm trong tôi.

Thế là Bố tôi mang gia đình di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, sống thấp cổ bé miệng không sao ngóc đầu lên được.Trong nhiều kỷ niệm của gia đình, tôi còn nhớ cái đêm Bố khóc. Vào khoảng năm 1957 gì đó, mẹ tôi và tất cả các em đều bị đau nặng nằm ở nhà thương, mà nhà quá nghèo không sao chạy được tiền thuốc. Vào khoảng hai ba giờ sáng, tôi bỗng giật mình dậy vì những tiếng nấc và những tiếng kể lể thổn thức rằng “mẹ ơi, con là đứa con bất hiếu, con để mẹ lại ngoài Bắc, mang vợ con chạy vào đây mà bây giờ cùng quẫn không còn biết xoay xở làm sao!” Thì ra ban ngay Bố tôi cố nén niềm đau xót. Tôi hiểu vậy nên nằm nín thinh không dám cho Bố hay là tôi đã thức, chỉ biết chảy nước mắt thương Bố, cảm được tâm hồn của Bố, mặc dù tôi còn nhỏ. Càng lớn lên tôi càng hiểu Bố tôi có tính chẳng chịu cầu cạnh lụy ai, vì thế nghèo lâu là phải! Nhưng tôi lại thương luôn cái ngang tàng này của Bố mà cũng tập tành đi vào cuộc đời. Vì thế mà xem phim Ba Mùa (Three Seasons) tôi chịu ngay cái anh chàng Hải hào sảng đạp xích lô. Và tôi bèn kiếm ngay cho Bố tôi một cái nghề mới là nghề đạp xích lô, mặc dù Bố tôi đã qua đời từ lâu do gánh chịu bệnh hoạn tật nguyền của những ngày tù tội, không được hưởng cái làm ăn lên của gia đình về sau.

CON ỐC MANG QUÁ KHỨ ĐI CHÔN

Có lần nhà thơ Quan Dương ở New Orleans kể truyện Chiếc Lá giữ làm kỷ niệm như một con ốc cõng quá khứ. “Người ta trước khi có hiện tại đều bị có quá khứ hết. Quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ nó không phải dễ. Ngày xưa có một con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày mà nó cho là buồn thảm. Cứ mỗi một ngày trả một ngày về cho quá khứ, sự buồn thảm vì thế trở thành chất chồng nặng nề một quá khứ nặng nề trên lưng con ốc. Một hôm nó quyết định mang quá khứ đi chôn. Nó nghĩ chỉ có thế nó mới được nhẹ nhàng trong cuộc sống. Nghĩa địa nằm bên kia đường. Khi con ốc chở quá khứ đến được mé đường thì nó mới thấy rằng băng qua không phải dễ. Xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, không chừa một khoảng trống thời gian nào để khả dĩ tương xứng với vận tốc chậm như ốc để nó có thể băng qua. Cuối cùng con ốc hiểu rằng nếu nó muốn qua bên kia thì không thể nào thoát khỏi sự cán nát dưới những bánh xe. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia. Con ốc đã không đủ can đảm làm một cuộc cách mạng hy sinh mạng sống mình để trút bỏ một quá khứ dẫu quá đau buồn. Con ốc tự nó biết là cả suốt một cuộc đời đành lẩn quẩn ôm một quá khứ đau buồn của mình và chờ chết.” (Văn, tháng 4, 1999, trang 75)

Truyện con ốc này được diễn ra thật nơi một ông bố ở vùng tôi. Ông này là một nghệ sĩ, trước kia ở Việt Nam cũng vào loại có hạng. Vậy mà sang Mỹ ông đành phải đi làm cái nghề gọi sang là “sửa sắc đẹp thành phố”, “chuyên trị” rác và cỏ công viên. Ông mặc cảm vô cùng về cái thân phận chẳng giống ai. Có lần nhân có chuyện chạy qua vùng đó, tôi rà rà xe tới có ý chào ông thì từ đàng xa ông đã quay mặt đi chỗ khác làm như không thấy! Chiều về là ông đưa rượu ra vườn sau uống. Và luôn say mèm, rồi nổi cơn la hét vợ con.

Một hôm ông nhờ tôi thu cho ông một băng nhạc bình ca, loại nhạc êm ả bằng tiếng La-tinh xưa. Ông vui ra mặt, đưa băng nhạc về nhà, đuổi vợ con đi chỗ khác hết. Ông vào phòng tắm vặn nước cho chảy róc rách, hạ độ máy lạnh xuống thật thấp, lên giường kéo mền đắp kín để chừa hai bàn chân ra, rồi mở nhạc bình ca nằm nghe thú vị quá chừng.

Đố ai đoán được ông đang diễn trò gì đấy? Ông đang sống lại những ngày êm đềm ở Bắc Việt xưa kia. Một buổi chiều mưa rơi róc rách ở mái hiên, trời mùa thu đất Bắc lạnh sớm nên phải đắp chiếu thường không kín được chân nên cái rét ngọt len lỏi một cách đáng yêu. Từ xa xa có tiếng chuông nhà thờ lẫn tiếng nhạc La-tinh vẳng lại. Ôi mê quá là mê!

TIN VUI GỬI CON ỐC BUỒN THẢM

Ấy, ông chuyên viên “sửa sắc đẹp thành phố” của chúng ta chán hiện tại đến tột độ rồi. Ông mắc bệnh nghiền quá khứ. Vậy mà ông cũng chế được linh dược chữa bệnh. Ông cõng quá khứ trên lưng một cách trân quí chứ chẳng chịu chôn nó. Quan Dương mà biết truyện này hay xem phim Ba Mùa thì thế nào cũng chịu cho con ốc cõng quá khứ trên lưng như những đóa sen mà thả trôi xuống dòng sông cuộc đời. Anh chàng Hải đạp xích lô, cô Kiến An đều thích cho tiếng hát ca dao chảy róc rách len lỏi vào hồn mà tạo được Mùa thứ ba làm thứ thuốc thần hóa giải hai mùa nóng khô và mưa sũng của hiện tại chẳng mấy khả quan.

Con người không ngờ mà lại sợ nhiều thứ. Sợ nghèo. Sợ mất mát. Sợ mặc cảm thua kém. Sợ quá khứ đau buồn. Sợ hiện tại trớ trêu. Sợ bóng sợ vía. Sợ chính mình nữa, như con ốc tự nhốt giam thu mình lại vào cái vỏ, tự đầy đọa mình trong đầm lầy nước đọng.

Người Bố nào mà chả có đốm lửa trong mắt, cố nuốt niềm xót xa để bật sáng lối đi tin tưởng cho con “ráng mà ngóc đầu lên con nhá.”  Bố thường bảo: Ở đời quí nhất là cái tâm, cái tâm vốn trong sáng và giầu có: không một bóng tối nào lấn át được, không một thứ tiền của hay quyền lực nào sai bảo mình được, không ai có thể làm cho mình hèn được trừ ra chính mình. Có ai và có gì vùi dập mình xuống bùn được đâu? Mà giả như có bị nhận xuống bùn như những cây sen kia, thì lá vẫn xanh, hoa vẫn trắng, nhuỵ vẫn vàng, như ca dao là hơi thở của Việt tộc vẫn chuyển diễn qua bao đời. Trong máu người mình có chất hào sảng như vậy rồi, vì vốn mang niềm tin như An Tiêm trong truyện thiêng Dưa Hấu: Trời sinh Trời dưỡng.

Niềm tin này là sức mạnh khiến người mình cứ bướng bỉnh bước tới với đầu cao mắt sáng dù bất cứ gì. Niềm tin này thật hài hòa với niềm tin Đạo Chúa qua Tin Vui tuần này: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn… Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10:28-31)

PHÚT BẬT SÁNG TỪ TÂM

Ở Mỹ có một ngày thật đẹp gọi là Ngày Vinh Danh Bố. Con nhớ Bố và muốn ghi ơn Bố. Trong dịp này con bỗng bắt gặp ánh mắt Bố cười qua mắt chàng Hải đạp xích lô trong phim Ba Mùa. Nét đặc biệt của Bố là cười bằng mắt. Khi Bố cười, khóe mắt bật bật như đẩy ra chất laser, có sức xua xa nỗi sợ và coi  mọi niềm đau là chuyện nhỏ. Bố còn sống hay đã qua đời thì Bố vẫn cười bằng mắt, khuyến khích con biết ngẩng đầu lên, nhất là bây giờ con đã sang Mỹ, có cơ may hơn Bố. Từ ánh mắt Bố, con cũng hiểu được sức mạnh của cõi tâm và sự giầu có của niềm tin trong mạch máu dân mình. Con muốn cùng Kiến An hát cho Bố nghe, cho Mẹ nghe, cho thầy Đào và cả con nghe nữa bài tiếp nối ca dao “đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió gió đừng rung cây”, trải dài hoa sen minh triết trong phim Ba Mùa:

Đố tằm ăn mấy ruộng dâu
Đủ tơ xe áo lụa màu ngày xưa.
Đố trời đổ mấy cơn mưa
Để cho nước mắt ngập bờ đại dương.

Lm.Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau