Con kiến
Thiên Chúa không bao giờ và mãi sẽ không giây phút nào bỏ rơi chúng ta. Niềm tin và hy vọng vào tình yêu chung thuỷ của Thiên Chúa đối với mỗi cá nhân thật sự sâu đậm và vững chắc. Vì lòng chung thuỷ của Thiên Chúa đối với mỗi cá nhân không lệ thuộc vào thành quả hay sự hy sinh lập công của chính chúng ta, nhưng bởi vì Thiên Chúa Là Tình Yêu và Thiên Chúa không thay đổi. Vì lẽ đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đừng thất vọng, nhưng luôn hy vọng vì chính Ngài là Chúa của ta.
Wow, nó là con kiến mà còn biết thương nhau. Mình là con người, sẽ có người cứu mình!
Tôi bị bắt giam gần ba năm (2001 – 2004). Trong thời gian này, phần lớn là bị biệt giam. Vì ở một mình, nên tôi dễ dàng quan sát những thay đổi nhỏ trong phòng, những vị khách ruồi muỗi xuất hiện cũng dễ nhận ra. Sau khi nhận được bản cáo trạng với mức án “mười hai năm đến hai mươi năm, chung thân, hoặc tử hình,” lòng tôi bước vào một kinh nghiệm đen tối, sợ hãi và nghi ngờ. Nghi ngờ vào sự hiện diện của Thiên Chúa, nghi ngờ vào chính Thiên Chúa. Thế là hết một đời người với bao ước mơ, hy vọng cho cuộc đời tốt đẹp. Nhẹ nhất, tôi cũng sẽ trải qua mười hai năm tù. Tương lai sẽ về đâu? Gia đình người thân ra sao? Anh em, bạn hữu thế nào, sau hơn mười năm tù tội?
Vào một buổi trưa với tâm trạng buồn thảm và thất vọng, tôi ngồi “chầu rìa” trong phòng giam để những giọt nước mắt lăn dài xót thương cho thân phận đen tối của mình… bỗng tôi thấy một con kiến đi vào phòng giam. Theo bản tính tự nhiên chưa thuần – thấy kiến là giết, tôi đưa tay giết con kiến. Nhưng khi tay tôi vừa chạm tới nó, tôi rụt tay lại vì nghĩ đến sự vô tội của nó. “Mình là thằng tù mà lại không biết thương con kiến vô tội?” Dẫu tay tôi đã rụt lại, nhưng quá muộn, vì tôi đã đụng đến nó. Hậu quả là một chân của nó bị gãy. Ôi thôi, thế là con kiến phải lê lết rất khó khăn trong phòng giam. Khốn khổ cho nó, vì trong phòng còn đọng lại một ít vũng nước nhỏ, thế là chú kiến vô tội – vốn chân đã gãy, lại còn bị kẹt vào vũng nước ấy – Hết đường thoát thân!
Tôi nhìn con kiến đau đớn muốn thoát ra vũng nước mà không thoát được; nó cố thật nhiều, nhưng bao nhiêu cố gắng của nó cũng chẳng thấm vào đâu. Tôi càng nhìn con kiến, tôi thấy chính tôi trong đó. Một lòng hối hận sâu sa trào đến trong tôi. “Tại sao tôi lại có ý gian ác giết con kiến vô tội như thế? Tôi là một tù nhân rồi, mất tự do rồi, tại sao tôi lại không biết thông cảm và yêu thương loài vật vô tội?” Nhìn con kiến bất lực lê lết trong vũng nước như vô vọng, tôi chỉ muốn giúp nó thoát ra vũng nước ấy, nhưng ngón tay tôi quá lớn, trong khi con kiến quá nhỏ, tôi chỉ e sợ là ngón tay tôi làm cho vết thương nó thêm nặng và hại cho mạng sống nó thôi. Vậy là trong tôi xảy ra một trận chiến nội tâm: Một bên là tôi muốn cứu con kiến, nhưng tôi không thể cứu nó; bên kia là than trách mình vốn vẫn chưa nhân từ và thương xót loài vật vô tội. Tôi nhìn con kiến vô tội muốn cứu nó mà than trách tôi: Tôi thật tệ, thật xấu, thật gian ác…. bao nhiêu tư tưởng tiêu cực như dành cho tôi. Bản cáo trạng tôi mới nhận vẫn chưa ráo mực, giờ đây chính tôi lại kết án tôi thêm nữa…
Bỗng nhiên, tôi thấy một con kiến khác từ ngoài cửa bò vào phòng giam. Nó đi thẳng đến vũng nước và cõng con kiến bị thương. Nó rán sức để kéo bạn nó ra khỏi vũng nước và sau đó, nó dìu bạn nó bò từ từ ra khỏi phòng giam – đi ra hướng cửa mà nó đã đi vào. Sự việc xảy ra ngay trước mắt tôi gây cho tôi một sự sững sốt kinh ngạc đến nỗi tôi phải thốt lên: “Wow, nó là con kiến mà còn biết thương nhau. Mình là con người, sẽ có người cứu mình!” Tự nhiên trong tôi bừng lên một tia sáng và niềm hy vọng. Tôi như cảm nhận được lời nói của Chúa. “Con, Cha biết những tiếng khóc và lo sợ của con, cứ vững tin, đừng mất hy vọng, sẽ có người cứu con.” Quả thật, tôi được giải cứu và ra tù sớm hơn thời hạn rất nhiều.
Thưa bạn, chúng ta đang cùng nhau học hỏi về chủ đề Đức Cậy, một trong ba nhân đức đối thần trong loạt bài Sống Sao Cho Đẹp. Tôi mạo muội chia sẻ kinh nghiệm trên với bạn như để nhắc nhở chính tôi lại rằng, dù hoàn cảnh nào đó có làm tôi “què chân” hay bị giữ lại trong “vũng nước,” hay bị giam giữ dưới bất cứ hình thức nhà tù nào, thì tôi cũng không được phép thất vọng. Khi thất vọng là tôi xúc phạm đến Thiên Chúa – Một Thiên Chúa yêu thương tôi rất thật và rất gần gũi. Thiên Chúa rất gần – gần hơn cả hơi thở mà tôi đang thở, gần hơn cả suy nghĩ mà tôi cứ nghĩ là chỉ có tôi mới biết. Gần lắm, ngay trong da thịt và dòng máu của tôi. Và Thiên Chúa ấy sẽ mãi mãi không không bao giờ thất vọng trước bạn và tôi. Vì lẽ đó, chúng ta cũng không được phép thất vọng về chính mình và với Thiên Chúa.