Chú Báo Đêm
Trong một khu rừng nọ có một chú báo thường tìm chỗ ngủ trên khúc cây kín đáo ở giữa rừng. Một đêm kia, chú bất chợt nghe động tỉnh trong khu rừng. Đêm ấy, chú đã phát hiện một kẻ trộm đã lẻn vào khu rừng. Dầu vậy, chú vẫn coi như không có chuyện gì. Liên tiếp nhiều đêm liền, chú báo thấy rõ kẻ ăn trộm vào rừng tay không, nhưng khi ra về thì tay xách nách mang. Đôi khi kẻ trộm lấy chuối của bầy khỉ, lúc khác nó lấy bộ râu của sư tử, lúc thì nó trộm cái chuổi đuôi của ngựa vằn, thậm chí nó cũng lấy luôn cặp ngà giả của chú voi già đã kín đáo mang bấy lâu. Tất cả những hành động của kẻ trộm không qua mắt được chú báo đêm, tuy nhiên có điều là chú báo vẫn giữ im lặng không cho ai biết vì cho rằng đây không phải là việc của chú. Cứ mỗi đêm chú thích thú nằm trên khúc cây kín đáo quan sát kẻ trộm đột nhập vào rừng và lấy đi tài sản của bạn hữu mà chẳng lên tiếng báo động và tố cáo kẻ trộm cho một ai biết.
Ngày qua ngày, khu rừng trở nên xáo trộn vì nhiều tài sản của các con vật mỗi ngày bị biến mất, dầu vậy chú báo đêm cũng chẳng lên tiếng để giúp bạn hữu. Bổng đi một thời gian, chú báo không thấy kẻ trộm lui tới nữa. Chú báo tự nghĩ có thể không còn gì để lấy, nên kẻ trộm không cần quay lại nữa. Sau một thời gian không thấy tên trộm, chú báo dần dần quên đi và ngủ say giấc mỗi khi đêm về. Một đêm nọ khi đang say sưa ngủ trong khúc cây kín đáo của mình, bổng giật mình tỉnh dậy, chú báo phát hiện ra cả khúc cây và người của mình đang bồng bềnh trên mặt nước trong một hang động. Mở mắt nhìn xung quanh, chú báo khám phá ra nhiều tài sản của bạn hữu đã bị đánh cắp cũng nằm trong hang động. Hoá ra là đang khi ngủ say, kẻ trộm đã đánh trộm món hàng cuối cùng là khúc gỗ mà chú báo ẩn náu. Kẻ trộm muốn dùng khúc gỗ để làm nhà kho chứa những tài sản mà nó đã trộm được từ những con vật khác.
Nhân khi kẻ trộm chưa phát hiện ra mình, chú báo tức tóc chạy về báo các bạn và kêu mọi người tới lấy lại tài sản của mình. Ai ai cũng cám ơn và ca ngợi chú báo vì đã giúp họ tìm lại tài sản của mình. Còn riêng chú báo đêm, vì khúc gỗ đã bị cưa, nên nơi trú ẩn của chú cũng mất; từ đó trở đi chú không còn nằm yên nhàn như trước, nhưng mỗi đêm chú phải lang thang không có chỗ nghỉ với tâm trạng hối tiếc vì sự im lặng bất công của mình.
* * *
Không lên tiếng trước sự bất công gian trá là có lỗi với lương tâm của mình và vi phạm đức công bình với đồng loại
Bạn thân mến, câu chuyện ngụ ngôn trên mời gọi ta suy nghĩ về đức công bình mà chúng ta đang học hỏi qua mục Sống Sao Cho Đẹp. Khái niệm thông thường của đức công bằng có thể được hiểu đơn giản như sau: Đức công bằng đòi buộc ta tôn trọng mạng sống, danh dự, tài sản của người khác. Đức công bằng bao gồm hai chiều kích: Luân lý và xã hội. Về mặt luân lý cá nhân, công bằng được hiểu rằng những gì không là của ta, thì không thuộc về ta, nên ta không được xâm phạm những giá trị ấy một cách bất hợp pháp. Về mặt xã hội, công bằng được hiểu dưới hình thức luật pháp nhằm đem lại điều tốt lành chung cho cho xã hội và cộng đồng mà mình đang sống. Vì lẽ đó, theo Aristotle, “Công bằng liên quan đến sự đồng đều trong việc phân phát và cũng như trong việc sửa sai những gì sai trái và bất công”[1]. Nói cách khác, công bằng giúp ta có ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng điều tốt và xoá bỏ điều xấu trong cộng đồng của mình.
Câu chuyện Chú Báo Đêm nhắc nhở chúng ta khía cạnh trách nhiệm của chúng ta với cộng đồng, xã hội. Chú báo chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác; chú yên vị trong khúc gỗ kín đáo của mình để mặc cho kẻ trộm tung hoành ngang dọc. Không lên tiếng trước sự bất công gian trá là có lỗi với lương tâm của mình và vi phạm đức công bình với đồng loại. Để cho lương tâm mình chai lì trước sự gian trá là có lỗi với chính mình, và không lên tiếng cho người bị áp bức là không chu toàn phận vụ làm người trong cộng đồng mình đang sống.
Bạn thân mến, có lẽ chúng ta thường để ý đế đức công bằng về khía cạnh luân lý cá nhân. Đối với nhiều người, khi không lấy cắp của ai, khi không gây tổn thương danh dự của ai, và khi không hãm hại mạng sống của ai, điều đó chúng ta đã sống đức công bằng. Lý luận như thế là đúng nhưng chưa đủ. Vì nếu chọn lối sống như thế, chúng ta cũng không khác lắm như hình ảnh của chú báo trong câu chuyện. Chú báo chẳng hề hại và xâm phạm tài sản của ai, nhưng hậu quả mà chú để lại thì đã rõ, hậu quả ấy không chỉ cho cộng đồng của chú, mà là chính bản thân chú cũng hứng chịu. Bài chia sẻ hôm nay nhắc nhở cho mỗi chúng ta cần sống đức công bình đặc biệt trong khía cạnh công bằng xã hội. Vần thơ “Sống” của Phan Bội Châu, một người con đất Việt hết lòng yêu nước, đáng sốc chúng ta dậy, đặc biệt trong bối cảnh sống của xã hội chúng ta hôm nay.
“Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Sống nhìn thế giới hổ chẳng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước.
Sống lo phú quý, chẳng lo đời.
Sống mà như thế, đừng nên sống!
Sống tủi làm chi, đứng chật trời.”
[1] Western Theories of Justice, http://www.iep.utm.edu/justwest/