Nước Nhật và Người Nhật


Nhật Bản, dù là nước bị thất bại trong đại chiến thứ hai, nhưng sau một thời gian ngắn, đã trở nên đất nước giàu mạnh trên thế giới. Hẳn nhiên, sự thành công của người Nhật không phải là chuyện may mắn, nhưng chắc một điều chính tinh thần của từng cá nhân người Nhật đã đẩy lùi sự mặc cảm thua cuộc mà chỉ nhằm tiến thẳng đến tương lai. Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp xin được chia sẻ hai mẫu tin sau đây để chúng ta ngưỡng phục và cố gắng bắt chước họ trong cái nhìn tích cực về cộng đồng và đất nước.

Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng

Trong blog Phamvietdaonv, theo lời kể của anh Hà Minh Thành,[1] người đang tham gia cứu nạn động đất tại vùng Fukushima. Trong khi mọi người đang xếp hàng dài chờ nhận thực phẩm cứu trợ, một cậu bé 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi, đã góp phần ăn của mình để chia sẻ với người khác.

Theo tường thuật, sóng thần xảy ra khi em đang trong giờ thể dục tại trường. Từ trên lầu ba, em thấy ba em chạy đến trường để cứu em; nhưng khốn thay, sóng thần đã cuốn chiếc xe của ba em mất tích. Theo em, có lẽ má em cũng đã bị cuốn mất vì gia đình em ở rất gần bờ biển. Xúc động trước câu chuyện, anh Thành trao phần ăn của mình cho em vì sợ đứa bé sẽ đói khi đến phiên của cậu. Cậu bé nhận bao lương khô, cám ơn và đi thẳng đến thùng thực phẩm bỏ phần lương khô của mình vừa nhận được vào thùng, sau đó quay lại xếp hàng như mọi người. Ngạc nhiên trước cử chỉ này, anh Thành hỏi tại sao cậu không ăn mà bỏ vào thùng thực phẩm chung thì cậu cho biết, “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng.”

Theo nhật báo NewYork Times, ngày 23/3/2011, quân đội Nhật mới đến được vùng Hadenya[2] để cứu trợ người dân địa phương sau 12 ngày bị nạn động đất và sóng thần (11/3/2011). Những người cứu trợ hết sức ngạc nhiên khi không thấy cảnh hoảng loạn, tranh giành nơi đây. Ngược lại, họ thấy mọi người đang làm việc, dọn dẹp, và mọi thứ xem chừng như ngăn nắp, trật tự, tôn trọng nhau. Tại đây, người dân đã gạt qua mọi nỗi ưu phiền than khóc người thân để nhìn vào thực tế tương lai của cộng đồng. Ông Osamy Abe 43 tuổi tình nguyện tổ chức cho 270 người cùng hiệp nhất xây dựng lại cuộc sống. “Chúng tôi phải nương tựa vào nhau để tồn tại.” Hideko Miura, 50 tuổi cho biết, “Chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta có khả năng tự lo cho chúng ta.” Dù trong cảnh ngổn ngang tàn phá tang chế ấy, nhưng những vật dụng rất tầm thường như ly uống nước, giấy vệ sinh, cũi thổi, đồ ăn, tất cả chúng đều được sắp xếp ngăn nắp, trật tự; ai lấy vật gì phải ký tên để học hỏi sự chia sẻ quan tâm cho nhau.

* * *

Không bình phẩm gì thêm, hai câu chuyện trên làm ta thêm ngưỡng phục và cố gắng bắt chước sống theo tinh thần của người Nhật. Sóng thần, động đất đã phá tan bao nhiêu tòa nhà kiên cố, nhưng chúng không đủ sức mạnh đế phá đi tính nhân bản cao quí trong con người, đặc biệt người Nhật.

Chuyện một em bé 9 tuổi biết nghĩ đến người khác với khái niệm công bằng, bác ái, cộng đồng không phải là trong sách vở, nhưng thực ra nó xuất phát từ gia đình, cộng đồng nơi em đã lớn lên. Làm sao em ấy có thể biết thực hành điều đó nếu ba má em không chỉ dạy cho em biết chia sẻ trách nhiệm với chính ba má em bằng những việc nhỏ trong gia đình? Làm sao cậu bé ấy có thể biết cảm thông cái đói với người khác nếu như em chưa từng được dạy dỗ và thực hành chia sẻ với người khốn cùng chung quanh em? Làm sao em sống được khái niệm công bằng rất bác ái ấy nếu em không được giáo dục và bắt chước những tấm gương sống công bằng trong gia đình và cộng đồng của mình? Làm sao những người tại Hadenya biết bỏ ra những vật dụng thực phẩm của riêng mình để góp chung chỉ với mục đích là nhắm đến tương lai tồn tại của cộng đồng mình? Tính nhân bản con người là chỗ đó. Trong điều kiện bi đát mất mát, con người biết nghĩ đến nhau, chia sẻ với nhau; họ không nghĩ đến “của tôi, của mình” nhưng là của chung, của tất cả. Trước là cộng đồng, sau mới đến cá nhân!

Thưa bạn, lối suy nghĩ và cách cư xử xem chừng như mất mát ấy lại được thêm hơn và phong phú hơn. Vì góp chung mỗi vật dụng ít ỏi còn xót lại, người ta sẽ có thêm những thứ khác mà mình không có. Hóa ra cái mình tưởng là mất ấy sẽ làm thêm phong phú và giá trị cho chính mình và cộng đoàn. Hơn nữa, khi chứng kiến những tấm gương chia sẻ cao thượng của người khác, thì tính ích kỷ riêng tư vẫn còn ẩn dấu đâu đó trong cá tính của từng người cũng sẽ bị đánh gục. Như thế đó, khi nghĩ đến cộng đồng và người xung quanh làm cho con người ứng xử với nhau thực tâm hơn và hoàn thiện hơn, và chăc chắn sẽ bình an hơn.

Vậy trong hoàn cảnh bình thường thì sao? Xin đừng ngủ yên trong sự thường nhật ấy. Giáo dục, nhắc nhở, góp ý, nhất là nêu gương qua lời nói và hành động sẽ như là những bước chuẩn bị để sống trong những thời khắc quyết định ấy. Vậy hôm nay bạn sẽ áp dụng bài học này cho con cái, người thân, bạn hữu, cộng đồng mình như thế nào?

Br. Huynhquảng

[1] http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/03/canh-sat-nhat-ang-tham-gia-cuu-nan-tai.html(accessed March 24, 2011)
[2] http://www.nytimes.com/2011/03/24/world/asia/24isolated.html?ref=todayspaper (accessed March 24, 2011)

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau