Thằng Khùng
Từ email Josephnguyen@… có tựa đề Thằng Khùng (Thanh Ngang Trên Thập Tự Giá),[i] tác giả mục Sống Sao Cho Đẹp xin trích dẫn một vài đoạn trong câu chuyện này để xin được chia sẻ chủ đề Kiên nhẫn- kiên cường trong loạt bài Sống Sao Cho Đẹp.
* * *
“… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.
Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!
“…Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính…
“…Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh.…Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:
– Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.”
* * *
Câu chuyện thật do tác giả Phùng Quán kể lại một lần nữa đánh thức đức tính kiên nhẫn trong mỗi con người chúng ta, đặc biệt qua những con người phi thường như nhân vật “Thằng Khùng” trong câu chuyện. Nhìn bề ngoài, người ta gọi anh ta là “Thằng Khùng,” im lặng, chôn người chết, ai nói gì cũng chỉ tỏ ra không biết, nhưng thực ra anh ta là một nhà trí thức của Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên, trong hoàn canh éo le ấy, sự im lặng và kiên nhẫn của “Thằng Khùng” trong chốn tù đày là nhằm có cơ hội được phục vụ bạn tù, được chăm sóc bệnh nhân, và được chôn cất những tử tù. Trong hoàn cảnh bị tù đày bất công, nhân vật “Thằng Khùng” vẫn kiên nhẫn âm thầm thi hành sứ mạng của mình. “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”[ii] Và trước khi ra đi, lời trăn trối cho hậu thế chính là NHẪN.
* * *
Bạn thân mến, không phải bất cứ ai sinh ra cũng thành công và gặp may mắn trong cuộc đời. Nhưng những hoàn cảnh thất bại thường tôi luyện con người ta thêm trưởng thành, rắn chắc, và thêm lòng cảm thông với người khác hơn. Có thể nói rằng, con người thực sự hiểu được chính mình không phải chỉ những lúc vinh quang thành công, nhưng thường là những lúc thất bại, rơi vào ngục tù, hay trên giường bệnh. Chính khi kiên nhẫn và can trường để thi hành sứ mạng của mình trong những hoàn cảnh bất lợi, những tấm gương kiên hùng mới lộ ra cho hậu thế noi theo.
Chúng ta cầu chúc nhau thêm kiên nhẫn, kiên cường theo đuổi lý tưởng mục đích đời mình dù trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
[i] Thằng Khùng trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971) của Nhà thờ lớn Hà Nội. Lm Vinh đã du học tại Pháp 17 năm, trở về VN vì hết lòng yêu mến Giáo hội và quê hương. Ngài bị bắt năm 1958 và bị kết án 18 năm tù chỉ vì thi hành quyền làm người và sứ vụ Linh mục của mình. Những đoạn trích dẫn trên từ bài viết của Phùng Quán.
[ii] Trần Văn Giang, Tấm Gương Can Trường (BBT, theo HĐGMVN).