Chú rùa nhiều chuyện
Mục Sống Sao Cho Đẹp tiếp tục mời bạn đào sâu chủ đề đơn sơ-chân thật. Kỳ này chúng sẽ cùng nhau tìm hiểu vì nguyên nhân nào sự gian trá dễ dàng chiếm ưu thế trong con người chúng ta.
Người Ấn Độ kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây. Một chú rùa vốn có tính ba hoa nhiều chuyện, thích khoe khoang công trạng mình. Trong một lần trò chuyện với bạn bè xung quanh, chú rùa mạnh miệng tuyên bố rằng chú có thể bay lên cao được. Các bạn chú tỏ vẻ ngạc nhiên và thách thức chú. Chú bèn tìm đến hai con ngỗng đang bơi lội trong hồ. Chú đề nghị chúng giúp chú bay. Ngỗng ngạc nhiên hỏi, “làm sao chú có thể bay được?” Rùa ta bèn đáp, “ta có sáng kiến này, chỉ cần hai ngươi đồng ý mỗi người nắm vào đầu của một cái gậy, còn ta thì cắn vào giữa cái gậy. Khi hai ngươi bay lên, thì ta sẽ được nâng theo các ngươi”. Hai con ngỗng vốn biết chú rùa có tính khoác lác hay nói nhiều, nên hỏi thêm. “Việc ấy không có gì khó, nhưng nếu chú mở miệng nói thì chú tiêu mạng.” Rùa đáp, “Không, không đời nào. Tôi đâu có ngu để mở miệng.”
Sau khi bàn bạc, hai con ngỗng bay lên và đem theo chú rùa đang cắn bám vào giữa cây gậy. Khi bay ngang qua các con vật, chúng tỏ vẻ thán phục trước cảnh tượng có một không hai này liền nói với nhau. “Những con chim này thông minh thật. Chúng đã nghĩ ra phương cách tuyệt quá.” Chú rùa tỏ ra khó chịu khi nghe những lời tán dương dành cho hai con ngỗng. Chú ta nghĩ bụng, “Đúng ra chúng phải khen mình mới phải, đây là sáng kiến của mình mà.” Bay càng lâu, các con vật càng tán dương hai con ngỗng, chú rùa không thể chịu đựng được liền hô to, “Đây là sáng kiến của ta.” Chưa dứt lời, chú rùa bị rớt xuống đất toi mạng.[1]
* * *
Câu chuyện ngụ ngôn trên nhắc nhở ta biết tôn trọng sự thật, sự thật ấy trước hết bắt nguồn từ lối suy nghĩ đơn sơ, không khoe khoang tự đắc, không tìm cách hơn người, và không cần phải kiếm tìm điều gì khác lạ hơn ai.
Theo linh mục Nguyễn Văn Lý, “Ma lực khen chê”[2] có thể nói là một trong những thứ ma lực nguy hiểm nhất cho con người. Chính ma lực này đã nhen nhúm sự gian trá, lừa gạt ngay trong tâm hồn chúng ta. Thay vì lấy sự thật làm chuẩn, thì “ma lực khen chê” trở nên điểm chuẩn cho nhiều người. Kiếm tìm lời khen, sự tán đồng trở nên những lời mời hão huyền như nằm trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Sự ca tụng ở đây không nhất thiết là từ đám đông, từ tập thể, nhưng nó tinh tế xảy ra ngay từ trong những việc rất nhỏ bé bằng những tư tưởng muốn được người ta biết đến, muốn được người khác quan tâm, muốn được một sự chú ý. Chính những tư tưởng này dần dần dẫn ta ra xa khỏi điểm chuẩn sự thật về con người của chính ta và tha nhân. Hóa ra cả một đời người, có khi chúng ta chỉ lo tìm những lời tán dương và tránh sự chê cười, dù sự chê cười từ những người không hiểu rõ nội vụ. Đôi khi ta lại quên rằng, sau những lời tán dương (dù có thật và chính đáng), sự thật là chỉ có ta với lòng ta. Lời ca tụng và tán dương ấy không thêm gì cho ta, và cũng không lấy gì khỏi ta. Nhận ra sự thật phũ phàng như danh ca Janis Joplin sau khi trình diễn cho hàng ngàn thính giả, cô đã tuyên bố một cách rất thực khi đối diện với chính lòng mình: “Tôi vừa làm tình với hơn hai mươi lăm ngàn người, nhưng tôi trở về nhà một mình.”[3]
Thưa bạn, sự thật ta là ai và là người như thế nào chỉ có ta mới biết; ta kiếm tìm điều gì và ta đang che lấp điều gì chỉ có ta mới biết. Nhìn lại mình để khám phá ra sự thật nguyên sơ trong con người mình, chính lúc ấy sự thật về con người ta sẽ hiển hiện.
Br. Huynhquảng
[1] Lược dịch từ Wisdom Tales (Atlanta: August House:1996),13
[2] Châm ngôn sống của Lm Lý tại phòng làm việc: “* Vô úy, vô cầu, vô thủ, vô ngã, vô phân biệt. * Hãy tha thứ, ngay tức khắc, vô điều kiện. * Yêu thương luôn, cầu nguyện liên, cảm tạ hoài. * An nhiên tĩnh định trước ma lực khen chê.”
[3] John T. Cacioppo & William Patrick, Loliness (New York: W.W. Norton & Company:2008), 12.