BI THUỐC LÀO MẦU NHIỆM
Nhật báo The Times-Picayune ở vùng New Orleans vào dịp cuối năm 1997 đã cho thấy trước nhiều biến cố lớn sẽ có thể xảy ra vào thiên niên thứ ba. Những người lạc quan thì bảo chẳng có gì phải sợ cả. Đừng có lo bò trắng răng. Vì kìa, thị trường chứng khoán lên lại vùn vụt; tên kẻ thù Liên Sô vĩ đại đã trở thành anh bạn con nhà lành.
Nhưng một số người bi quan thì ưa nói tới điềm ngày tận thế. Nào là thiên tai bão lụt động đất nhiều quá. Nào là khí hậu mùa hè nóng quá, mùa đông lạnh quá. Nào là xã hội hỗn loạn đảo điên quá. Nào là sợ một khối đá khổng lồ từ một ngôi sao nào vỡ ra rơi vào trái đất thì đúng là “các tầng đất” rung chuyển chết không kịp ngáp. Nào là sợ mấy tay quá khích như Sadam Hussein sẽ chế bom bẩn bằng vi trùng độc không thuốc nào trị được!
CON NGƯỜI SỢ GÌ NHẤT VÀO NGÀN NĂM MỚI?
Ông Joel Cohen tác giả cuốn sách “Trái Đất Có Thể Nuôi Sống Được Bao Nhiêu Người” thì cho rằng nỗi lo nhất vào thiên niên mới là vấn đề tăng thêm quá đông người. Dân số thế giới sẽ từ 6 tỷ tăng lên tới 8 tỷ, rồi 10 tỷ, và vọt lên 12 tỷ! Đào đâu ra đồ ăn, quần áo và nơi ở cho bằng ấy người!
Lớp khí ozone bao quanh trái đất đang mỏng dần vì các hóa chất chlorofluorocarbon đã ăn thủng một lỗ lớn ở nam bán cầu. Ngày 10 tháng 12 năm 1995 giải Nobel về hóa học được trao cho ba nhà bác học khảo cứu về lớp khí này là các ông Mario Molina, Sherwood Rowland và Paul Crutzen. Từ năm 1974 nhiều người đã nói tới lớp khí này bị các chất ga CFC từ những bình xịt, tủ lạnh v.v. ăn mỏng ra, khiến cho khí hậu trở thành nóng lạnh bất thường, vì tầng ozone loãng quá không chắn được sức nóng mặt trời, và không chặn hết được tia tử ngoại nữa nên dễ sinh ung thư.
Trước đây nhiều nhà buôn chống lại lý thuyết về ozone vì sợ không bán được hàng. Nhưng nay thì các nhà bác học đã chứng minh rành rành! Thì chính con người tạo ra cái bệnh ung thư, mát dây, chạm điện, vì làm mất trật tự của thiên nhiên. Mình đang phải tự trả giá. Hèn chi mấy năm qua xẩy ra nhiều hiện tượng lạ: mùa hè 1995 ở miền Bắc phía Chicago chết nóng cả mấy trăm mạng; mùa đông 1996 lại lạnh quá làm thần chết cũng bận rộn quá chừng. Cũng còn may là hiện nay nhiều phong trào bảo vệ môi sinh đang cổ võ để vào đầu thế kỷ tới sẽ có nhiều đạo luật khắt khe cấm những đồ dùng mang hóa chất. Và như vậy, các nhà khoa học tiên đoán là vào khoảng năm 2050 thì lớp khí ozone sẽ trở lại bình thường.
Các nhà địa chất tiên đoán về một cuộc động đất lớn có thể sẽ theo khe nứt Andreas ở biên giới Arizona mà hất cả bang California ra khơi Thái Bình Dương cho chìm nghỉm luôn. Theo cái nhìn của Hội Nghị về Thời Tiết của Liên Hiệp Quốc mới nhất thì vào năm 2100, khí hậu trên toàn cầu sẽ tăng lên hơn bây giờ 3 độ F. Như vậy thì các vùng nông nghiệp sẽ phải thay chuyển nhiều, các trận bão sẽ nhiều hơn và mạnh hơn. Ông Leatherman đứng đầu Viện Nghiên Cứu về Duyên Hải ở đại học Maryland cho biết rằng vì băng đá ở bắc cực sẽ tan thêm và nước tràn xuống biển và sẽ làm tăng mức nước biển lên 20 inches. Lúc đó thì quả là chưa tận thế, nhưng những quốc gia đất thấp như Bỉ, Hòa Lan, Belize, Bangladesh sẽ biến mất. Và khoảng một ngàn năm nữa, tức vào năm 3000, thì băng đá sẽ còn tan thêm không có cách nào cản được, mực nước biển sẽ tăng lên thêm 30 feet nữa, và những thành phố thấp ở ven Đại Tây Dương và vùng Vịnh Mễ Tây Cơ có thể bị xóa tên khỏi sổ bộ đời.
NỖI BUỒN THẾ KỶ 20
Trong báo Time ngày 28.8.1995, Robert Wright đã nhận định về hiện trạng “Nỗi Buồn Thế Kỷ 20” khi mà người Âu Mỹ đang bị cái vong “văn minh” quay cho xây xẩm mặt mày:
“Trong cuộc sống hằng ngày, có những lúc thật sự có một cái gì không ổn: hoặc là chúng ta bị đè nặng bởi một náo động quá lớn do công việc hằng ngày; hoặc bị làm chai lì vì cảm giác bị xã hội cô lập; hoặc sa lầy trong một tâm tư về cuộc sống vô nghĩa. Cũng có khi bị đảo lộn bởi một tình trạng lo lắng không sao giải tỏa; hoặc không còn cảm thức được ý nghĩa của thời gian vì phải ngụp lặn trong những tuần lễ làm việc dài dài. Dù cho nguồn gốc của những căng thẳng tinh thần là gì, thỉnh thoảng chúng ta vẫn có cảm tưởng đời sống hiện thời không phải là những gì chúng ta mong ước mà chỉ là những gì chúng bị áp đặt”
Mấy nhà tâm lý về tiến hóa (evolutionary psychology) cho biết lý do: vì cấu trúc xã hội xoay cấp tốc quá, khác với cấu trúc di truyền tự nhiên của thân tâm nên sinh bấn loạn. Đưa một hình ảnh bình dân dễ hiểu: một người bị quay một chục vòng rồi buông ra là lảo đảo té xuống ngay, là vì cái nhịp độ ở ngoài và trong cơ thể không đi được với nhau. Cũng giống như một người lần đầu tiên đi tàu, bị nhiều đợt sóng nhồi. Nhịp sóng và nhịp cơ thể không quen nhau thành ra say quá sức.
Như vậy có nghĩa là cấu trúc của xã hội, hay cái nền văn minh này đang bất ổn, không tự nhiên, không hợp cho con người bình thường. Cả một xã hội bị bệnh. Thế giới ngày nay là một môi trường khó sống, thuận lơi để các bệnh tâm thần phát sinh. Con người của thế kỷ này nhiều thô bạo hơn là vị tha hiền hòa. Thân tâm con người không hợp với kiểu sống kỹ thuật quá cao, quá thành thị, mỗi người một hộp vuông tách biệt cô đơn, quá đòi hỏi với những tiêu chuẩn và người mẫu trong Tivi nên con người luôn cảm thấy bất ổn và bất mãn.
TIN VUI GỬI NGƯỜI HÚT THUỐC LÀO
Trong cơn rối loạn và khốn khổ, nhiều người tìm nhiều lối giải thoát khác nhau. Đây là một lối “giải thoát” thật độc đáo với điếu thuốc lào của một người đi tù lao động có tên là Châu Còm:
“Giờ giải lao, vứt cuốc, ngồi bệt xuống đất làm một bi. Hít vào, ếm trong phổi thật lâu cho khói thuốc ngấm vào máu chạy lên đầu. Lâng lâng, mơ màng, ngửa mặt nhìn trời cao mênh mông, ngọn gió mát vuốt ve da thịt, mùi đất thơm nồng, con người như thoát khỏi chốn trần ai ô trọc, quên cả nhọc nhằn, quên cả vợ con, quên cả thân phận mình. Ôi, bi thuốc lào giúp ta bay bổng vào cõi hư vô. Khói thuốc lào sạch ưu phiền, biến hận thù thành nhẫn nhục, để đấy, để đấy, ta không quên những ngày hôm nay, ta không quên lũ chúng mày! Ôi, khói thuốc lào yêu dấu, chỉ có mi an ủi được ta, thông cảm ta, khuyến khích ta, giúp ta vững tinh thần, vững hùng khí, chờ một ngày mai…”
Chả riêng gì người đi tù mới muốn tìm lối thoát. Người Âu Mỹ cũng đang nhớn nhác đi tìm một giải pháp cho cuộc sống quá căng. Không thì điên mất. Họ đi học món yoga của Ấn, luyện nhân điện cho sức rắn lửa bò lên đủ bẩy huyệt đạo; sang Nhật học ngồi thiền hít vào thở ra cho cân bằng tâm sinh lý; đi Tàu học vũ thái cực theo nhịp trời đất cho bớt cái nhịp náo loạn của xã hội quay cuồng. Có người tìm vào làng của dân Amish để học lối sống giản đơn, đi Do thái để sống theo lối liên hệ cộng đồng của những Kibbutz. Tìm cho ra một cái xã hội nào thuận lợi, lối sống nào hợp nhịp cho con người để giữ được thăng bằng chứ.
Giữa những lo sợ tăm tối và rối loạn, Đức Kitô Thiên Chúa làm người mới thật là câu trả lời. Đặt Chúa vào trung tâm điểm thì mọi mảnh vụn rời rã sẽ gắn lại được với nhau. Đó là phép mầu của đời sống. Và đó cũng là điểm chính của tông thư “Đệ Tam Thiên Niên Sắp Đến” của Đức Giáo Chủ Phaolô II. Giữa những tang thương, người Do Thái đang náo nức vọng chờ Đấng Thiên Sai. Vì thế họ hỏi Gioan Tẩy Giả: Chúng tôi phải làm gì? Có phải chính ông là Đức Kitô, Đấng đến giải thoát không?
Gioan đã quả quyết: “Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến. Tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người. Chính Người sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và trong lửa”. Chính vì thế mà lời Chúa tuần này đều bảo mọi người hãy vui lên.
PHÚT TỊNH TÂM
Vâng, con tin nhận Chúa là Cứu Chúa đời con. Xin Chúa giáng sinh vào lòng con, mang đến cho con tia sáng mới tràn trề hy vọng để con bước đi với đầu cao mắt sáng, vượt qua mọi lo sợ bất an của cuộc sống. Tông thư “Đệ Tam Thiên Niên Sắp Đến” là một thời điểm cho con thấy rằng chỉ có một cách là tìm được Chúa Kitô trong cuộc sống. Ngài đã làm người ở giữa con người. Ngài là khởi thủy và là cùng đích đời sống:
“Sự kiện Ngôi Lời vĩnh cửu, trong sự toàn mãn của thời gian đã mặc lấy thân phận của tạo vật, đem lại cho biến cố của Bê-lem cách đây 2000 năm một giá trị hoàn vũ lạ lùng, Nhờ Ngôi Lời, thế giới của các tạo vật được xuất hiện như một hoàn vũ, nghĩa là một vũ trụ được xếp đặt trong trật tự. Và cũng chính Ngôi Lời khi nhập thể, làm mới lại trật tự hoàn vũ nơi các tạo vật”
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường