Tin Vui 26B – THỜI ĐIỂM GIẬT LẠI ĐƯỢC CON

Mất con và giật lại được con là một cuộc tranh thủ gay go lúc này giữa những lái buôn và bậc làm cha mẹ. Ai là người đang nắm quyền lực đào tạo và dẫn dụ được đám trẻ theo mình?

Tờ The Times-Picayune vùng New Orleans có lần đề cập tới quyền lực đào tạo trẻ em bây giờ bằng một hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh: một đứa bé đeo kính, mà hai mắt kính là hai màn ảnh Tivi. Nó được các lái buôn đào tạo để nhìn đời bằng hai con mắt ấy, với hình ảnh đã được tính toán hẳn hòi do những người ngồi đàng sau màn ảnh TiVi,  biến cả một thế hệ thành những khách hàng ”không người lái”. Chúng được bơm vào máu những thích thú mới để trở thành những con mồi qua những chương trình hoạt họa rất hấp dẫn và đầy mánh lới với kỹ thuật quảng cáo cao độ. Một thời trẻ em thích ăn Domino Pizza là vì bọn Ninja Turtles mỗi lần đi cứu thiên hạ về đều đưa Domino Pizza xuống gầm cống ăn. Hèn chi trẻ rất mê loạt phim này và đòi mua cho được bất cứ đồ chơi hay gầy dép quần áo nào có hình Băng Rùa. Rồi bây giờ là Power Ranger và còn nhiều thứ “sáng kiến” dài dài.

BIẾT CHỌN ĐƯỜNG NÀO BÂY GIỜ?

Người trẻ phải đương đầu với nhiều thứ lựa chọn với đầy sức ép. Đây là trường hợp cụ thể một cô bé Việt choai choai ở vùng New Orleans.

Ở trường thì gọi là Cindie. Về nhà thì lại gọi là Trân. Ở trường thì nói tiếng Mỹ. Về nhà thì nói tiếng Việt, nhưng chỉ khi nào cha mẹ nghe được. Cha mẹ không muốn nó quên tiếng mẹ đẻ, nhưng nó thì lại nói chuyện, suy nghĩ và ngay cả mơ bằng tiếng Mỹ, là nơi nó sống từ khi cha mẹ mang sang lúc nó mới sinh ra được một tuần.

Đa số các em choai choai gốc Việt cũng giống Đặng Trân 15 tuổi phải leo dây giữa hai văn hóa quá khác nhau và đôi khi xung khắc nữa. Nó ăn đồ ăn Việt, nhưng thực ra thích pizza hơn. Nó dành chiều thứ bẩy giúp việc nhà theo lệnh cha mẹ, nhưng lại có vẻ ghen tị với bạn bè được đi chơi cuối tuần mút mùa. Nó nhiệt thành trong sinh hoạt cộng đoàn Việt, nhưng cũng khoái lang thang dạo phố mua hàng, mặc dù cha mẹ ít khi cho đi nếu không có người lớn đi kèm.

Đúng là hai thế hệ đã khác biệt lắm rồi. Người lớn thì dù có cố gắng am hợp hoàn cảnh mới, vẫn luôn giữ phong tục Việt Nam. Còn bọn trẻ thì sinh ra và được giáo dục theo kiểu Mỹ, thì việc dung hạp không đơn giản tí nào.

Xã hội này cổ võ từ lớp 9 đã phải có bồ. Không có bồ thì mang mặc cảm là không giống ai. Sức ép là vậy. Trẻ được tự do phát biểu ý nghĩ, đang khi cha mẹ cho như vậy là lếu láo, và bắt phải kỷ luật lễ phép. Như vậy đám trẻ bây giờ phải phấn đấu không những để lựa chọn đồ ăn, tiếng nói, mà còn giữa những lối nhìn cuộc sống quá khác biệt. Biết theo đường nào bây giờ? Hay là bỏ quách đi cho gọn!

THỜI ĐIỂM TÌM CÂU TRẢ LỜI TỐN 24 TRIỆU TIỀN MỸ

Tờ báo của Hội Y Học Mỹ (the Journal of the American Medical Association) đã công bố năm 1997 một kết quả nghiên cứu rất công phu tốn phí tới 24 triệu tiền Mỹ do nhiều cơ quan chung sức. Đợt đầu nghiên cứu từ năm 1995 với 90 ngàn học sinh từ lớp 7 đến hết lớp 12, thuộc 134 trường điển hình của toàn thể nước Mỹ. Rồi từ những học sinh trên, họ lại chọn ra 12 ngàn em để trực tiếp gặp gỡ từng em vào năm 1995 và 1996.

Bản nghiên cứu tốn phí nhằm trả lời một câu hỏi: tại sao có những trẻ em thành đạt mà lại có những đứa hư hỏng tàn tệ? Và kết quả được báo The Times-Picayune của vùng New Orleans đăng lại ngày 10 tháng 9 năm 1997, cho biết rõ tình trạng một số thiếu niên có ý định tự tử, hút thuốc hay cần sa ma túy, rượu chè, bê bối tình dục,  “ít hoặc nhiều là do cha mẹ có để thời giờ hiện diện với con cái nhiều hay ít; sự kiện này không phân biệt nhà giầu hay nhà nghèo, da màu hay da trắng, học cao hay học thấp”.  Sự thành công và thất bại nơi lớp trẻ chính là do sự liên hệ mật thiết giữa cha mẹ và con cái,  và do yếu tố thứ hai rất quan trọng, đó là lòng đạo của gia đình.

TIN VUI GỬI NGƯỜI MUỐN BUÔNG XUÔI

Trong hoàn cảnh u tối về gia đình, một số người tỏ ra thất vọng buông xuôi hay chỉ biết đổ tội kêu trách. Thì đây quả là một điều thật mừng. Cả hai cuộc nghiên cứu tốn phí trên đây cũng chỉ đưa đến một kết luận hết sức giản đơn: quyền đánh mất con hay giật lại được con đang nằm ngay trong tay mỗi người. Mà không phải mất công tìm những phương pháp nào xa vời phức tạp như vẫn tưởng. Chỉ cần dành thời giờ đủ cho gia đình, bắt đầu ngay hôm nay, bằng những gì nhỏ bé cụ thể nói lên được tình thương và sự săn sóc, nêu gương và hướng dẫn đạo lý cho con cái. Đây là yếu tố then chốt quyết định mức hạnh phúc của gia đình. Đây chính là Tin Vui của Chúa Giêsu: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đức Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất thưởng đâu.”

Đúng thế. Ai tin theo đạo Chúa cũng được trao ban quyền nhân danh Chúa mà xua trừ ác quỉ bóng tối ra khỏi gia đình. Quyền làm phép lạ này nằm ngay trong những việc nhỏ bé xây dựng tình thương. Bắt đầu trao cho nhau chỉ một ly nước. Những gì xem ra nhỏ bé tầm thường nhất trong gia đình, thì lại là những điều lớn lao nhất tạo dựng lại được tổ ấm yêu thương. Mẹ Têrêsa đã suốt đời xả thân săn sóc những người nghèo sống bên cống rãnh ở xứ Ấn Độ. Nhưng Mẹ lại quả quyết rằng người nghèo không nhất thiết ở mãi bên Calcutta: “Người nghèo nhất trong những người nghèo đang ở ngay trong gia đình mình. Tôi chưa thấy trẻ em nước nào nghèo bằng trẻ em nước Mỹ.”

Con cái nghèo vì không còn được cha mẹ dành giờ săn sóc yêu thương. Người trong nhà nghèo vì không được lắng nghe thông cảm những ưu tư khắc khoải và những xung khắc căng thẳng trong nếp sống mới. Ai cũng bận quá. Bận làm giầu mà lại để nhà mình mỗi ngày một nghèo thêm thì thật phi lí.

Vâng, con cảm nhận Tin Vui của Chúa. Con muốn làm giầu cho gia đình con thực sự bằng việc dành đủ thời giờ cho nhau. Phép lạ thực sự xảy ra khi con bắt đầu ngay hôm nay trong gia đình, bước theo lối bước thật đơn giản như Mẹ Têrêsa: Từng việc một. Việc này rồi tới việc kia. Hãy mỉm cười với nhau. Nói một lời dễ thương với con cái, với chồng, với vợ, với từng người trong nhà.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau