BÀI GIÁO LÝ 5 CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ BÍ TICH RỬA TỘI: VIỆC TÁI SINH
“Nếu cha mẹ chúng ta đã ban cho chúng ta sự sống trần thế, thì Hội Thánh đã tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời trong Bí Tích Rửa Tội”.
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ năm của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội, được ban hành ngày 9 tháng 5, 2018 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Phần đầu của bản dịch này là bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng Tiếng Ý.
Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, bây giờ chúng ta chuyển sang hành động chính của nghi thức rửa tội. Qua việc đổ nước và khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được “dìm” vào mầu nhiệm cái chết của Đức Kitô và sống lại trong đời sống mới. Vì vậy, được tái sinh, chúng ta trở nên một thụ tạo mới, đi từ sự hư hỏng của tội lỗi qua sự sống đời đời. Trong Đức Kitô, và nhờ sự tuôn đổ Thánh Thần, chúng ta trở thành dưỡng tử của Chúa Cha, với Hội Thánh là mẹ thiêng liêng của mình. Mối liên hệ này là một mối liên hệ dứt khoát và in trên linh hồn một ấn tín không thể xóa bỏ được. Từ nay trở đi, là chi thể của thân thể Đức Kitô, chúng ta cam kết xa lánh tội lỗi và làm cho cuộc đời mình càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Người hơn bao giờ hết. Sau việc tái sinh của mình trong nước rửa tội, chúng ta được xức bằng dầu thánh như dấu chỉ của việc chia sẻ vai trò của Đức Kitô như tư tế, ngôn sứ và vương giả của mình. Như phần tử của dân tư tế, chúng ta được mời gọi dâng hiến cuộc sống hàng ngày của mình như một hy lễ đẹp lòng Ngài. Như dân vương giả và ngôn sứ, chúng ta được mời gọi công bố vương quyền của Đức Kitô bằng việc làm chứng cho đức tin và đức ái của mình, và cam kết theo gương Người trong việc yêu thương phục vụ anh chị em mình.
Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180509_udienza-generale.html
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội đưa đến việc hôm nay chúng ta nói về sự thanh tẩy thánh được đi kèm với lời khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, là nghi thức trung tâm thực sự của “việc rửa tội” – là dìm – vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1239). Ý nghĩa của cử chỉ này như Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Rôma, trước hết bằng câu hỏi, “Anh em không biết rằng, tất cả chúng ta đã chịu Phép Rửa trong Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta chịu Phép Rửa trong cái chết của Người sao?” Và sau đó trả lời: “Nhờ Phép Rửa […] chúng ta đã cùng được mai táng với Người trong cái chết của Người] để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết […] thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy”. (Rom 6:4). Phép Rửa mở ra cho chúng ta cửa vào một đời sống phục sinh, chứ không phải vào một đời sống thế tục. Một đời sống theo Chúa Giêsu.
Giếng rửa tội là nơi Lễ Vượt Qua được cử hành cùng với Đức Kitô! Con người cũ được mai táng cùng với các đam mê gian dối của nó (x. Eph 4:22), để một thụ tạo mới có thể được tái sinh; thực ra, những cái cũ đã qua đi và những cái mới đã được sinh ra (x. 2 Cor 5:17). Trong “các bài giáo lý” được gán cho Thánh Cyrillô thành Giêrusalem, những người mới được rửa tội được giải thích về điều gì đã xảy ra với họ trong nước Rửa Tội. Và lời giải thích này của Thánh Cyrillô thật hay: “Cùng trong một lúc, anh chị em chết đi và sinh ra, cùng làn sóng cứu rỗi trở thành nấm mồ và mẹ cho anh chị em” (s. 20, Mystagogica 2, 4-6: PG 33, 1079-1082). Sự tái sinh của con người mới đòi hỏi rằng con người bị hư hỏng bởi tội lỗi phải thành tro bụi. Các hình ảnh của nấm mồ và của lòng mẹ trong liên hệ với giếng rửa tội thực ra rất sâu sắc để diễn tả điều trọng đại qua các cử chỉ đơn giản của Bí Tích Rửa Tội. Tôi muốn trích dẫn một câu được khắc tại Nhà Nguyện Rửa Tội cổ ở Đền Thờ Lateranô, khi đọc theo tiếng Latinh, thì cụm từ này được gán cho Đức Giáo Hoàng Sixtô III: “Mẹ Hội Thánh sinh ra cách trinh khiết bởi nước con cái được thụ thai bởi hơi thở của Thiên Chúa. Hỡi những người đã được tái sinh từ giếng này, hãy hy vọng vào Nước Trời” [“Virgineo fetu genitrix Ecclesia natos / quos spirante Deo concipit amne parit. / Caelorum regnum sperate hoc fonte renati”]. Tuyệt đẹp: Hội Thánh sinh ra chúng ta, Hội Thánh là bụng mẹ, là mẹ của chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội.
Nếu cha mẹ chúng ta đã ban cho chúng ta sự sống trần thế, thì Hội Thánh đã tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời trong Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta đã trở nên con cái trong Chúa Giêsu, Con Ngài (x. Rom 8:15, Gal 4:5-7). Trên mỗi người chúng ta, được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, Cha Trên Trời cũng làm vang lên với tình yêu vô hạn tiếng nói của Ngài: “Con là con yêu dấu của Cha” (x. Mt 3:17). Tiếng nói phụ tử này, tai không thể cảm thấy được, nhưng trái tim của những người tin có thể nghe thấy được, đồng hành với chúng ta suốt đời, mà không bao giờ bỏ chúng ta. Trong suốt cuộc đời chúng ta, Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con trai yêu dấu của Cha, con là con gái yêu dấu của Cha”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều, như một người Cha, và Ngài không để chúng ta một mình. Điều này là từ giây phút Rửa Tội. Được tái sinh như con cái Thiên Chúa, chúng ta mãi mãi là con cái Thiên Chúa! Thực ra, Bí Tích Rửa Tội không được lặp lại, bởi vì nó in một ấn tín thiêng liêng không thể xóa được: “Không một tội lỗi nào xóa được ấn tín này, mặc dù tội lỗi ngăn cản bí tích Rửa Tội mang lại những hiệu quả của ơn cứu độ” (GLHTCG, 1272). Ấn tín của Bí Tích Rửa Tội không bao giờ bị mất! “Thưa Cha, nhưng nếu một người trở thành một tên cướp, một trong những tên khét tiếng nhất, giết người, bất công, ấn tín này có biến mất không?” Không. Vì dù thật nhục nhã cho người con của Thiên Chúa là kẻ làm những điều ấy, nhưng ấn tín không biến mất. Và kẻ ấy vẫn tiếp tục là con Thiên Chúa, kẻ ấy chống lại Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình. Anh chị em có hiểu điều cuối cùng này không? Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình. Tất cả chúng ta có thể cùng nhau lặp lại không? “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình”. Hãy nói lớn hơn nữa, hoặc tôi điếc tai hoặc tôi không hiểu [họ lặp lại lớn hơn]: “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình”. Đó, tốt lắm.
Được sát nhập vào Đức Kitô nhờ Phép Rửa, cho nên những người đã được rửa tội trở nên đồng hình đồng dạng với Người, “trưởng tử của nhiều anh em” (Rom 8:29). Qua hành động của Chúa Thánh Thần, Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy, thánh hóa, công chính hoá, để hình thành, trong Đức Kitô, nhiều người thành một thân thể (x. 1 Cor 6:11; 12:13). Điều này được diễn tả bắng việc xức dầu thánh, “là một dấu chỉ của chức tư tế vương giả của những người đã được rửa tội và sự gia nhập cộng đồng dân Chúa của họ” (Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em, Dẫn Nhập, 18, 3). Do đó, vị linh mục xức dầu thánh trên đầu mỗi người được rửa tội, sau khi công bố những lời này để giải thích ý nghĩa của nó: “Chính Người [Thiên Chúa] xức dầu cứu độ cho (các) con để sau khi nhập đoàn với dân Người, (các) con mãi mãi làm chi thể của Ðức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế đến cõi sống đời đời” (ibid., 71).
Anh chị em thân mến, ơn gọi của Kitô hữu là tất cả những điều này: sống kết hợp với Đức Kitô trong Hội Thánh thánh thiện, tham dự vào cùng một sự hiến thân để thực thi cùng một sứ vụ, trên thế gian này, sinh hoa quả tồn tại muôn đời. Thực ra, được một Thánh Thần duy nhất sinh động hoá, toàn thể Dân Thiên Chúa tham gia vào các chức năng của Chúa Giêsu Kitô, “Tư Tế, Vương Giả và Ngôn Sứ”, và lãnh các trách nhiệm của sứ vụ và tác vụ đến từ các chức năng này (x. GLHTCG, 783-786). Tham gia vào chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Đức Kitô có nghĩa gì? Nó có nghĩa là biến mình thành một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rom 12:1), làm chứng cho Người qua một đời sống đức tin và đức ái (x. Lumen Gentium, 12), và tự ý phục vụ tha nhân, theo gương của Chúa Giêsu (x. Mt 20:25-28; Ga 13:13-17). Cám ơn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180509_udienza-generale.html.