Linh hồn của các thánh vịnh: Giao ước

Thứ hai, tuần thứ ba Mùa Phục Sinh

Cv 6,8-15
Ga 6,22-29

Lời Chúa

22Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. 23Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” 26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 28Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” 29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Đức Kitô Phục Sinh biến cuộc sống Con Người thành một cuộc lễ triền miên
Thánh Athanasiô thành Alexandria

Linh hồn của các thánh vịnh: Giao ước

Các thánh vịnh, nội dung của các giờ kinh phụng vụ mỗi ngày, đề cập đến cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa với Dân Người. Ngày này qua ngày khác, trong ánh sáng, cũng như trong đêm tối, đó là giao ước, với niềm vui của nó, nhưng cũng với tất cả sức nặng của con người và những giới hạn của con người, những lần bất trung, trong hy vọng được hoàn toàn giải thoát.

Có người ngạc nhiên tại sao các tác giả thánh vịnh không dùng từ “giao ước” này thường xuyên hơn. Bởi vì Kinh Thánh thích dùng những kiểu nói bàn về đời sống vợ chồng, nên tôi xin mạnh dạn trả lời đơn giản như sau: Khi hai vợ chồng mà bắt đầu nói đến “hợp đồng”, là thấy có mùi luật sư… và sự đỗ vỡ không còn xa. Nhưng đời sống trong giao ước được diễn tả bằng từ “hésèd”, mà ta phải dịch sát nghĩa là “tình yêu”, với những âm hướng kèm theo như sự tốt lành, nét duyên sắc, lòng trung tín.

Chữ “tình yêu” này – từ trung tín sang giao ước – được gặp thấy 127 lần. Đó là từ được dùng nhiều nhất bởi các tác giả thánh vịnh, cho dù cũng có những từ khác được dùng nhiều hơn như trái đất, linh hồn, khuôn mặt và con tim, nhưng thật ra những từ này được dịch nhiều cách khác nhau tuy theo hoàn cảnh.

 

Georges Athanasiadès
Thánh vịnh: Hiểu biết – yêu mến – cầu nguyện (Éditions Saint Augustin)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau