Khổ thân làm việc nghĩa
Cổ Học Tinh Hoa có thuật lại câu chuyện như sau. Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, ghé thăm nhà người bạn cũ; Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc nghĩa, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”
Mặc Tử nói, “Bây giờ ví như có gia đình mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày phải chăm chỉ cày thêm có phải không? Tại sao thế? Tại vì đứa ăn không ngồi rồi thì nhiều, mà đứa đi cày thì ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm thêm việc nghĩa mới phải, có đâu ông lại ngăn tôi như thế.”[1]
* * *
Quí bạn thân mến, hôm nay chúng ta tiếp tục học hỏi về chủ đề xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Xét trong bình diện một tập thể chúng ta sẽ nhận thấy rằng, có một số người đã hy sinh thời gian và khả năng để giúp cho cộng đoàn hoạt động và phát triển. Những người này như là những người lãnh đạo, những người đại diện cho tập thể của mình, hay họ chỉ là những người quét dọn, lau chùi bàn ghế. Họ dấn thân phục vụ cộng đồng không vì một quyền lợi nào khác hơn chính là vì họ ý thức được rằng, những gì họ đang làm là nhằm đóng góp để xây dựng một cộng đoàn tốt hơn. Nói như ông Mặc Tử trong câu chuyện trên, thì những người này đang làm việc nghĩa. Tức là những gì họ đang làm là vì con người, vì cộng đoàn, và vì xã hội.
Thật may mắn khi chúng ta thấy rằng mỗi cộng đoàn đều có những con người nhiệt tình lo việc nghĩa như vậy. Chính họ là nhân tố chính yếu để đưa cộng đoàn đi lên và hoàn thiện hơn. Nói cách khác, họ xây dựng sự hiệp nhất cho cộng đoàn bằng chính hành động. Vì họ hiểu rằng, xây dựng hiệp nhất là xây dựng bằng chính hành động cụ thể, chứ không chỉ quan sát và góp ý bằng lời nói.
Bạn thân mến, để xây dựng hiệp nhất cho cộng đoàn mình thêm mạnh và tốt hơn, chúng ta hãy bắt chước ông Mặc Tử. Chúng ta nên học cách nghĩ của ông. Nếu trong gia đình có mười người mà chính người không làm gì cả, chỉ có một người đi cày, thì người đi cày cần phải cày nhiều hơn để lo cho chính người còn lại. Cái nhìn của ông Mặc Tử và cách hành xử của ông biểu lộ một trái tim quảng đại của người làm việc nghĩa.
Những người dấn thân hy sinh làm việc nghĩa trong cộng đoàn của chúng ta cũng vậy. Một tập thể cộng đoàn có tới hàng trăm người, nhưng nếu người làm việc nghĩa cũng suy nghĩ hẹp hòi như người bạn của Mặc Tử, thì tập thể ấy sẽ không còn là tập thể nữa. Làm việc nghĩa là vì người khác, vì cộng đoàn, vì xã hội, chứ không phải vì cá nhân mình. Người làm việc nghĩa luôn nghĩ đến lợi ích của cộng đoàn, luôn quan tâm đến nhu của cộng đoàn, và luôn muốn đặt quyền lợi cộng đoàn lên trên quyền lợi của mình.
Hôm nay mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn nói lên lời cám ơn về những con người đang làm việc nghĩa trong cộng đoàn mình. Những tấm gương của họ như đang mời gọi mỗi người trong chúng ta biết nhìn với cái nhìn đại cuộc và rộng lượng, để những gì chúng ta làm, chúng ta luôn đặt quyền lợi của công đoàn lên trên quyền lợi của cá nhân.
Chúc bạn làm việc nghĩa và nêu gương cho người khác cùng noi theo.
Br. Huynhquảng