Tin Vui Phục Sinh 2B – THỜI ĐIỂM THẤY LUỒNG ÁNH SÁNG LẠ
Trong đêm đen vật vã, nhiều người bỗng nhận được sức biến đổi thật lạ lùng, không do sức riêng của mình nữa, mà do luồng áng sáng từ trên. Nhà thơ Hàn Mặc Tử là một người Công Giáo, đã chứng nghiệm được sức đột biến kỳ lạ này do nguồn ánh sáng: từ cơn bệnh cùi ghê rợn đến nhãn quan mới về cuộc đời, thấy được mọi sự đều là mùa xuân ân sủng:
Tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang.
Đối với Hàn Mặc Tử, “áng thiều quang” này không phải là một luồng ánh sáng vô vi, nhưng là chính Thiên Chúa “Tình Yêu rung động lớp hào quang”, như ông làm chứng:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp u linh.
TÌNH YÊU RUNG ĐỘNG LỚP HÀO QUANG
Sau khi Chúa Giêsu bị giết chết, các môn đệ phải trốn ẩn trong một phòng đóng kín vì sợ người Do Thái, Trong những phút giây đen tối hãi hùng này, Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra đứng giữa các ông, tỏa luồng ánh sáng phục sinh và thổi hơi sinh khí mới vào các môn đệ mà nói: “Bình an cho các con, hãy nhận lấy Thần Sinh Khí”. Thế là các môn đệ đã phục hồi sinh lực với một sức đột biến kỳ lạ.
Hiện nay ở Mỹ có một phong trào rất mạnh cổ võ “Ánh Sáng Tình Thương” này, và mừng lễ hằng năm vào Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, vì là ngày hội thánh phong chân phước cho thánh Faustina vào năm 1993.
Thánh Faustina là người Ba-Lan, được Chúa cho thấy nhiều thị kiến về luồng ánh sáng tình thương của Chúa và yêu cầu thánh nữ làm tông đồ loan truyền sứ điệp này cho thế giới đang khát vọng tình thương ngày nay. Thánh nữ qua đời năm 1938 lúc 33 tuổi. Những thị kiến và sứ điệp được chính thánh Faustina ghi lại trong nhật ký (có ghi số).
Khi hiện ra vào năm 1931, Chúa đã cho thánh Faustina thấy Ngài mặc áo trắng dài, tay phải giơ lên ban phép lành, tay trái chỉ vào tim, nơi chiếu ra hai luồng sáng: một luồng đỏ và một luồng trắng. Thánh Faustina thật kinh ngạc và sung sướng khi thấy thị kiến này. Rồi Chúa Giêsu nói với thánh nữ:
“Con hãy vẽ lại hình ảnh này như con đang thấy, với câu ghi chú “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa” (Jesus, I trust in You).
– Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính hình ảnh này sẽ không hư mất. Cha cũng hứa một cuộc chiến thắng kẻ thù đã xuất hiện trên mặt đất, nhất là trong giờ chết. Chính Cha sẽ bảo vệ vì đó là vinh dự của Cha (47, 48). Khi lần chuỗi này bên cạnh người đang hấp hối, Cha sẽ đứng giữa Đức Chúa Cha và người hấp hối, không như là quan án mà là Chúa Cứu Chuộc từ bi (1541).
– Các linh mục sẽ giới thiệu cho các tội nhân như là hy vọng cuối cùng để được cứu rỗi. Ngay cả những tội nhân cứng lòng, nếu chỉ đọc chuỗi này một lần thì cũng được lãnh ơn thương xót vô biên của Cha (687).
– Cha sẽ ban ơn dồi dào cho những ai tin tưởng vào tình thương xót của Cha (687). Cha ban cho con người một cái thùng để đến hấng lấy ơn từ nguồn tình thương. Cái thùng đây là hình này với hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa” (327).
Do sự yêu cầu của cha linh hướng, thánh Faustina đã xin Chúa cho hiểu ý nghĩa của hai luồng sáng trong hình, thì được nghe Chúa nói:
“Hai luồng ánh sáng là Máu và Nước. Luồng trắng là nước rửa sạch các linh hồn. Luồng đỏ là chính Máu Chúa, là sức sống cho các linh hồn. Hai luồng sáng này chiếu ra từ thẳm sâu tình thương dịu hiền của Cha khi Tim Cha trong cơn hấp hối trên Thánh Giá bị một lưỡi đòng đâm thủng. Phúc cho ai tìm đến ẩn dưới luồng ánh sáng này, vì tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không động tới ho (299). Qua hình ảnh này, Cha sẽ ban ơn cho các linh hồn, và cũng nhắc nhớ về đòi hỏi của tình thương: đức tin không có việc làm là đức tin chết” (742).
Thánh Faustina lo lắng không biết có thề vẽ lại giống hình ảnh xem thấy không, thì được Chúa xác nhận:
“Đừng lo làm sao có thể vẽ nổi hình ảnh cao cả này theo đúng màu sắc, mà phải là do ơn Cha ban”.
THÙNG KÍN MÚC TÌNH THƯƠNG
Niềm tin tưởng nơi Chúa Giêsu là then chốt để lãnh nhận tình thương. Khi đi kín nước ở giếng, chúng ta cần thùng đựng nước. Thùng nhỏ thì chỉ đưa về được ít nước. Thùng lớn thì mang về được nhiều. Ai có thùng đều có thể kín được nước từ giếng. Nước luôn sẵn đó, không ai bị loại trừ. Chỉ cần có thùng thôi. Đó là hình ảnh về tình Chúa xót thương. Trong nhiều lần thị kiến, Chúa đã nói rõ cho thánh Faustina rằng giếng nước là Thánh Tâm của Ngài, nước là tình thương xót, và thùng là niềm tin tưởng.
“Cha đã mở tim Cha như giếng nước tình thương hằng sống. Hãy để mọi linh hồn đến được biển tình này với niềm tin tưởng (1520). Trên Thánh Giá, nguồn nước tình thương đã được lưỡi đòng mở rộng cho mọi linh hồn, không ai bị loại trừ (1182). Cha ban cho mọi người một cái thùng để đến mà kín nước ân sủng từ nguồn nưóc tình thương. Cái thùng chính là tấm hình với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa” (327). An sủng tình thương chỉ được kín bằng thùng này, đó là lòng tin tưởng. Càng tin tưởng thì càng nhận lãnh được nhiều” (1578).
Tin tưởng Chúa vì chỉ một mình Chúa mới là niềm tin tưởng: Hơn thế nữa, tin tưởng là nhận ra quyền năng của Chúa, để cho Chúa đúng là Chúa chứ đừng biến mình thành Chúa giống như A-Đam, nghĩa là để cho ý định và chương trình Chúa được thực hiện nơi cuộc sống chứ không phải là những ý định riêng của mình: nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.
“Cha là chính tình yêu và lòng thương xót (1074). Đừng để ai sợ hãi không dám đến gần Cha dù tội lỗi đầy hoen ố (699). Lòng Cha thương xót lớn hơn tội con và tội toàn thể nhân loại (1485). Cha đã để Thánh Tâm Cha bị lưỡi đòng đâm thủng để mở rộng nguồn nước tình thương cho con. Vậy con hãy đến với lòng tin tưởng mà kín lấy nước ân sủng nơi giếng nước này. Cha không bao giời từ khước tâm hồn thống hối (1485). Dù mà trời đất có biến thành hư không chứ lòng Cha thương xót sẽ không bao giờ quên ấp ủ tâm hồn tin tưởng (1777).
CÁCH KÍN NƯỚC TÌNH THƯƠNG
Năm 1935, trong một thị kiến, thánh Faustina được Chúa chỉ cách kín múc được nước ân sủng tình thương xót bằng lời kinh tin tưởng:
“Lạy Chúa Cha hằng hữu, con dâng lên Chúa: Mình, Máu, Hồn và Thiên Tính của Con yêu dấu Chúa, là Đức Giêsu Kitô, để đền tội chúng con và toàn thể nhân loại. Nhờ cuộc tử nạn cực hình của Chúa Giêsu, xin Chúa thương xót chúng con và toàn thể nhân loại” (436).
- NHẬN NGUỒN SÁNG QUA THÁNH LỄ
Hình ảnh hai luồng sáng được nhận ra rõ nhất qua mỗi thánh lễ. Trong nhật ký, nhiều lần thánh Faustina kể lại đã trông thấy hai luồng ánh sáng đỏ và trắng không phải từ hình Chúa, mà từ Mình Thánh Chúa; và một lần lúc linh mục đang ban phép lành chầu Mình Thánh, thánh Faustina thấy luồng sáng từ hình ảnh Tình Chúa Xót Thương xuyên qua Mình Thánh và tỏa ra khắp thế giới (441).
Quả thực, Mình Thánh Chúa là thác nước ân sủng tuôn trào. Và với con mắt đức tin, chúng ta thấy được chính Chúa Giêsu tỏa luồng sáng từ nguồn tình thương trong Mình Thánh, như hiến chế về phụng vụ của công đồng Vatican II: “Đặc biệt từ Thánh Thể, ân sủng ban như mạch nước tuôn trào xuống chúng ta” (#10).
Vì thế, thánh Faustina đã cảm nghiệm: “Mạch nước này tuôn trào với đầy ngon ngọt và sức mạnh” (914); “Mọi tốt lành trong tôi đều do việc rước lễ” (1392). “Ở đây là nguồn tất cả bí mật sự thánh thiện” (1489).
- CÁCH KÍN NƯỚC BẰNG CHUỖI TÌNH CHÚA XÓT THƯƠNG
Để thiết thực hơn, Chúa đã chỉ cách lần chuỗi Tình Chúa Thương Xót. Có thể đọc bất cứ lúc nào, nhưng nhất là sau khi rước lễ; vì là lúc cảm nghiệm hy tế tạ ơn.
Đọc kinh mở đầu: một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Tin Kính.
– Rồi kinh “Lạy Chúa Cha hằng hữu” (kinh này được lặp lại sau mỗi chục).
“Lạy Chúa Cha hằng hữu, con dâng lên Chúa: Mình, Máu, Hồn và Thiên Tính của Con yêu dấu Chúa, là Đức Giêsu Kitô, để đền tội chúng con và toàn thể nhân loại. Nhờ cuộc tử nạn cực hình của Chúa Giêsu, xin Chúa thương xót chúng con và toàn thể nhân loại” (436).
– Mỗi chục, thay vì đọc kinh Kính Mừng như lần chuỗi kính Đức Mẹ, thì đọc một chục kinh:
(bè 1) Nhờ cuộc tử nạn cực hình của Chúa Giêsu
(bè 2) Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thể nhân loại.
– Sau năm chục thì kết bằng kinh: Lạy Chúa rất thánh, lạy Chúa toàn năng, lạy Chúa hằng hữu. Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thể nhân loại.