HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – Năm A
Lời Chúa (Mt 22,34-40)
34 Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” 37 Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
HỌC HỎI:
- Bài Tin Mừng này của thánh Mátthêu (Mt 22,34-40) thường được coi là đã dựa trên bài Tin Mừng của thánh Máccô (Mc 12,28-34). Mátthêu đã viết ngắn hơn Máccô. Bạn hãy tìm xem những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai đoạn Tin Mừng đó.
- Đọc Mt 22,34. Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc câm miệng về chuyện gì? Nhóm Xa-đốc là nhóm nào? Nhóm Xa-đốc có thân với nhóm Pharisêu không?
- Đọc Mt 22,36. Môsê đã để lại tới 613 điều răn. Vậy câu hỏi của ông ấy về “điều răn nào lớn nhất” có phải là một câu hỏi nghiêm túc không?
- Mt 22,37 có khác với Đệ nhị luật 6,4-5 không?
- Điều răn thứ nhất ở Mt 22,37 có phải là một đòi hỏi triệt để và trọn vẹn không?
- Mt 22,39 là điều răn thứ hai được lấy từ sách Lêvi 19,18. Thế nào là yêu người thân cận? Đọc Luca 10,29-37 để biết người thân cận là ai.
- Hai điều răn Đức Giêsu đưa ra ở Mt 22,37-39 có điểm nào giống nhau và khác nhau? Hai điều răn ấy có liên quan mật thiết với nhau không?
- Đọc Mt 22,39. Yêu chính mình có phải là một điều răn không? Đâu là những tội tôi thường phạm đến chính bản thân mình?
GỢI Ý SUY NIỆM:
Đức Giêsu tóm tất cả Luật và các sách Ngôn sứ trong Cựu Ước vào hai điều răn: yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân (Mt 22,40). Theo ý bạn, yêu là gì? Yêu Chúa với cả trái tim có khó không? Yêu tha nhân như yêu mình có khó không? Làm sao để tôi tập biết yêu?
PHẦN TRẢ LỜI:
- Mt 22,34-40 và Mc 12,28-34 có những điểm giống nhau và khác nhau. Ở Mt, “một thầy thông luật trong nhóm Pharisêu” (Mt 22,34-35), còn ở Mc “một người trong các kinh sư” đến hỏi Đức Giêsu (Mc 12,28). Ở Mt, nhóm Pharisêu hỏi là để thử (Mt 22,35), còn ở Mc, ông kinh sư này hỏi có ý tốt (x. Mc 12,32-34). Cả hai bên đều hỏi câu hỏi có nội dung giống nhau về đâu là “điều răn trọng nhất” (megalê) hay “điều răn hàng đầu” (protê). Câu trả lời của Đức Giêsu về điều răn thứ nhất ở Mc 12,29-30 dài hơn Mt 22,37 và theo sát Đệ nhị luật 6,4-5 hơn. Còn về điều răn thứ hai, Mt và Mc như nhau (Mt 22,39; Mc 12,31). Khác với Mt, sau khi Đức Giêsu trả lời, trong Mc còn có cuộc truyện trò thân mật giữa ông kinh sư và Ngài (Mc 12,32-34).
- Đức Giêsu đã làm nhóm Xa-đốc câm miệng về chuyện người chết sẽ được sống lại trong ngày sau hết (x. Mt 22,23-33). Nhóm Xa-đốc là nhóm các tư tế cấp cao, không tin vào sự sống lại của thân xác, vì họ chỉ tin vào Ngũ Thư mà thôi, mà theo họ, Ngũ Thư lại không nói về chuyện sống lại. Như thế nhóm này có quan điểm ngược với nhóm Pharisêu là nhóm tin có sự sống lại của thân xác vào ngày tận thế. Sau khi đụng độ với nhóm Xa-đốc, nay Đức Giêsu lại tiếp tục đụng với nhóm Pharisêu.
- Môsê đã để lại 613 điều răn, trong đó có những giới răn cấm, và những điều răn phải giữ. Vì số lượng quá nhiều nên các rabbi Do-thái hay đặt câu hỏi xem điều răn nào lớn nhất, trọng nhất, hay điều răn nào đứng hàng đầu: thảo kính cha mẹ, hay yêu người thân cận…Vậy câu hỏi trên có thể là một câu hỏi nghiêm túc.
- Câu trả lời của Đức Giêsu trong Mt 22,37 lấy từ sách Đệ nhị luật 6,4-5: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), với tất cả trái tim anh (em), với tất cả linh hồn anh (em), và với tất cả sức lực anh (em).” Như vậy, thay vì “với tất cả sức lực” thì Mátthêu đã đổi thành “với tất cả trí khôn.” Đệ nhị luật 6,4-5 là đoạn đầu của kinh Shema mà mọi người đàn ông Do-thái phải hướng về Đền thờ ở Giêrusalem mà đọc to sáng tối hai lần.
- Khi đọc Mt 22,37, ta thấy điều răn trọng nhất nói lên thái độ phải có đối với Thiên Chúa. Điều răn này đòi buộc ta yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ mọi năng lực của mình như trái tim, linh hồn, trí khôn, hay sức lực. “Tất cả” (hay “hết”), một từ được nhắc lại nhiều lần, cho thấy Thiên Chúa đòi một sự hiến trao trọn vẹn và triệt để con người mình, chứ không chỉ một phần. Yêu với “tất cả trái tim của ngươi” là yêu với tất cả con người mình, vì đối với người Do-thái, trái tim không chỉ là nơi phát sinh tình cảm, mà còn là trung tâm của mọi hoạt động nội tâm của con người, như lý trí, hiểu biết, ý thức, trí nhớ, suy tư, phán đoán, nhận định. Mọi năng lực tinh thần ấy của con người đều phải tập trung vào một đích nhắm là “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi.” Đức Giêsu khẳng định đây là điều răn lớn và đứng hàng đầu (Mt 22, 38).
- Điều răn thứ hai (Mt 22,39) hướng đến tha nhân, được nói đến trong sách Lêvi 19,18. Điều răn này giống điều răn thứ nhất vì cũng đòi hỏi phải yêu mến. Nhưng đây là yêu mến người thân cận (x. Mt 5,43; 19,19). Luca 10,29-37 cho thấy người thân cận của ta không phải chỉ là người đồng bào, đồng đạo, hay những bạn hữu thân thuộc, nhưng là bất cứ ai gặp cảnh thiếu thốn, khổ đau, đang cần ta giúp đỡ. Yêu người thân cận như chính mình là coi người khác như một phần của con người mình, là thương người như thể thương thân. Tình yêu phổ quát đối với mọi người bắt nguồn từ việc ta coi tha nhân, dù họ là kẻ thù của ta đi nữa, cũng là thụ tạo của Thiên Chúa như ta và là anh em của ta.
- Hai điều răn ở Mt 22,37-39 cùng có động từ “yêu mến” (agapáô): phải yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Điều răn thứ nhất đòi yêu Thiên Chúa một cách trọn vẹn, triệt để. Điều răn thứ hai đòi yêu tha nhân như chính mình. Ta không yêu tha nhân như yêu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, vì tha nhân cũng là thụ tạo như ta. Phải đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên tình yêu đối với các thụ tạo. Nhưng tình yêu tuyệt đối ta dành cho Thiên Chúa không làm ta giảm đi khả năng yêu mến tha nhân. Trái lại, tình yêu ấy cho ta khả năng yêu tha nhân một cách anh hùng, đến nỗi ta có thể yêu tha nhân hơn chính mình chứ không chỉ như chính mình. Thánh Maximilian Kolbe là một thí dụ. Có thể ví tình yêu đối với Chúa như thanh dọc của thập giá, còn tình yêu đối với tha nhân như thanh ngang. Thanh ngang cần thanh dọc để bám, và làm nên thập giá của đời kitô hữu.
- “Yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Đôi khi chúng ta quên rằng mình cũng phải yêu chính mình, yêu một cách thực sự nghiêm túc. Ta thường làm nhiều điều hại đến bản thân. Khi ta nuông chiều thân xác thì thật ra lại đang làm hại nó. Khi ta khép lại trong ích kỷ là lúc ta làm mình nghèo đi. Mọi tội ta phạm đến Thiên Chúa hay tha nhân đều làm hỏng bản thân mình trước tiên. Yêu mình thực sự đòi ta mở ra trước Thiên Chúa và tha nhân.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.