Ý NGHĨA CỦA THÁNH LỄ
Thánh Lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống. Ta bước vào Thánh Lễ để gặp gỡ Chúa Giêsu yêu thương, để từ đó mang Chúa Giêsu vào đời sống.
Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum Caritatis của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về Bí Tích Thánh Thể đã hướng dẫn ta làm thế nào để Thánh Lễ và đời sống được liên kết, thống nhất với nhau, chứ không phải khi kết thúc Thánh lễ là hết và chúng ta bắt đầu một cuộc sống khác. Đây được gọi là tình trạng “chia cắt” của Bí Tích Thánh Thể.
Tông Huấn được chia làm 3 phần:
- Phần 1: Bí Tích Thánh Thể – Mầu nhiệm mà chúng ta tin
- Phần 2: Cử hành Bí Tích Thánh Thể
- Phần 3: Sống Bí Tích Thánh Thể
- Phần 1: Bí Tích Thánh Thể – Mầu nhiệm mà chúng ta tin
Tin vào Bí Tích Thánh Thể là một điều khó, ngay trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54-55) thì nhiều người, nhiều môn đệ bỏ đi, không theo Người nữa.
Đức Tin là ơn Chúa vì không giải thích được.
Bí Tích thánh Thể cũng không giải thích được bằng trí khôn con người, vì thuộc về Mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Khi bị cám dỗ về Đức Tin, ta cầu nguyện với Chúa để xin thêm ơn Đức Tin.
- Phần 2: Cử hành Bí Tích Thánh Thể:
- Nhằm tỏ lộ Niềm Tin của chúng ta.
- Cử hành Bí Tích Thánh Thể có tính cách cộng đồng. Khi cử hành Bí Tích Thánh Thể, niềm tin của người này có thể nâng đỡ niềm tin của người kia.
- Phần 3: Sống Bí Tích Thánh Thể
Từ cử hành Bí Tích Thánh Thể, ta cảm nhận được một Thiên Chúa vì yêu, đã chết cho tôi để biết sống như Chúa. Chỉ khi Tin thật sự, khi ra đời, ta mới có thể sống theo Niềm Tin của mình.
Vì vậy, khi tôi ý thức được: Chúa yêu thương và chết vì tôi và khi rước lễ là rước Mình Chúa, thì khi bước ra cuộc sống, tôi cũng biết yêu thương, hy sinh cho người khác như Chúa đã làm. Để từ đó, tôi đem cuộc sống này làm của Lễ dâng lên cho Chúa.
Khi cầu nguyện, nhiều khi ta thấy không sốt sắng vì thực tế ta sống thiếu yêu thương, hy sinh cho Chúa. Chỉ khi ta biết sống kết hợp với Chúa, chấp nhận chịu thương tích vì Chúa bằng đời sống yêu thương, hy sinh thì khi cầu nguyện, ta sẽ thấy Chúa thật sống động.
Kết luận: Thánh Lễ là toàn bộ đời sống của chúng ta khi ta sống ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể.
(Theo chia sẻ của Cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn – Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse – Sài gòn trong buổi họp mặt của GĐVSĐT ngày 13/11/2016)