Theo sự sắp đặt và quan phòng của Đấng Tạo Hóa, trật tự thiên nhiên được chia làm bốn mùa gồm: Xuân, Hạ, Thu, Đông, khởi đầu là mùa Xuân. Thiên Chúa luôn chúc phúc và tuôn đổ muôn phúc lành của Ngài, hầu giúp cho nhân thế có được cuộc sống ngày càng thăng hoa và hạnh phúc, như lời Thánh Vịnh từ ngàn xưa : “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv.65,12).
Một nét văn hóa, nghệ thuật không thể thiếu trong những ngày cuối năm âm lịch và những ngày đầu xuân nơi những thị xã, thị trấn, thành phố lớn. Đó là nghệ thuật múa lân, múa rồng, đây là nét văn hóa đặc trưng của người Á Đông, qua nét văn hóa đó, người ta cũng mang một bầu khí tâm linh, khi tin rằng lân hoặc rồng đến nhà sẽ mang đến điều phúc, sự may mắn cho một năm mới, song hành với lân và rồng là ông địa, ông thần tài… Thế nên trong những ngày cuối năm và những ngày đầu xuân, nhiều nhà, nhiều công ty, xí nghiệp, đã bỏ ra một số kinh phí không nhỏ để mời, rước đoàn múa lân, múa rồng, trước là để tăng thêm bầu khí vui xuân, kế đến là tin tưởng phúc lộc sẽ đến và ở lại trong năm mới…
Vâng! Đời người luôn phải vật lộn với bao lo toan, đối diện với nghịch cảnh và khổ đau, 365 ngày trôi qua hạnh phúc và buồn phiền, thành công và thất bại, khỏe mạnh hay yếu đau luôn đan xen trong từng hơi thở của cuộc sống. Những ngày cuối năm và những ngày đầu năm mới, được coi là những giây phút quý báu nhất, thời gian ngắn ngủi này giúp cho con người thư giãn đôi chút, hồi tâm đôi chút và mơ ước những điều tốt đẹp cho một năm mới khởi đầu. Người đang sống trong hạnh phúc và thành công, mong ước năm mới sẽ bảo tồn và phát huy hơn; người luôn gặp thất bại và khổ đau, mong ước một năm mới sẽ khởi sắc hơn; người nợ nần chồng chất vì công việc không gặp may phải trốn chạy trong tủi nhục, mong có cơ hội được giải thoát; người thường xuyên đau ốm, mong ước năm mới sẽ khoẻ mạnh hơn; những gia cảnh luôn sống trong cảnh bất hòa, chia rẽ và ly tán, mong ước năm mới tới sẽ mang lại sự đoàn viên, bầu khí thân thiện và vui tươi… Tất cả những ước mơ, hoài bão đó được đúc kết bằng hai từ ngắn gọn “Bình An” hay một từ duy nhất “Phúc”.
Xuân phúc, xuân vui, xuân bình an, không chỉ dừng lại trong mấy ngày đầu xuân, cũng chẳng dừng lại trong 365 ngày của năm, nhưng có lẽ ai cũng mong ước sẽ ở mãi nơi đời người. Tất cả điều đó do đâu và khởi đi từ đâu? Một điều chắc chắn nơi người Kitô hữu, người tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô, thì xuân phúc, xuân vui, xuân bình an không do lân hay rồng, cũng chẳng do thần tài hay ông địa, nhưng tất cả đều khởi đi từ Thiên Chúa, Đấng tác dựng muôn loài, muôn vật và cả mạng sống con người; Đấng làm chủ thời gian và không gian, là Chúa của mùa xuân…như lời Thánh Vịnh đã mô tả:
“Chúa khơi nguồn, suối tuôn thác đổ, giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,
đem nước uống cho loài dã thú, bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.
Bên dòng suối, chim trời làm tổ, dưới lá cành cất giọng líu lo.
Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi, đất chứa chan phước lộc của Ngài
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng” (Tv.104,1;10-14).
Vâng! Với cái yếu đuối của kiếp người, nhất là trong những ngày đầu năm mới và một chuỗi ngày dài của năm mới, hai chữ “Bình An” hay chữ “ Phúc” luôn là điều mơ ước của con người, đây là những viên ngọc quý Thiên Chúa ban tặng, giúp cho con người luôn sống trong hy vọng và niềm vui….. Vì thế, trong những ngày đầu xuân, ngoài những cuộc vui, chương trình thưởng ngoạn, du xuân, những mâm cao cỗ đầy, những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau, những ước mơ đạt dược “Bình An và Phúc” trong những ngày đầu xuân và chuỗi ngày kế tiếp của năm mới, để những điều đó thực sự trở thành niềm vui trong tình Chúa Thiết tưởng không ai có thể giúp ta được ngoài Thiên Chúa, còn đó lời nhắc nhở của Thánh Vịnh năm xưa: “ Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv.37,5),
… Để kết người viết xin mượn câu đối xuân và gởi gắm vào đó ước mơ của chính mình và của mọi người: “PHÚ QUÝ, VINH HOA TỰA MỔNG ẢO – HIỀN HÒA, NHÂN ÁI ĐẮC THIÊN ÂN”