Sau nhiều màn đấm đá “mắt đền mắt, răng đền răng” vay trả trùng điệp, ngày mồng 4 tháng 9 năm 1999, thủ tướng Do Thái là Ehud Barak và lãnh tụ Palestine là Yasser Arafat đã ngồi lại ký hiệp ước sống chung hòa bình, trả tù binh, trao lại dần các phần đất chiếm đóng ở “Tây ngạn” . Ủng hộ và chứng kiến lễ nghi có nhiều nhân vật tai to mặt lớn liên hệ như tổng thống Murabak của Ai cập, vua Abdullah của nước Jordan, ngoại trưởng Albright của Mỹ… Thủ tướng Barak đã tuyên bố: “Hôm nay chúng tôi vạch đường kết thúc cuộc xung đột kéo dài cả một thế kỷ giữa chúng tôi với người Palestine.”
ĐIỀM CHỈ NHỮNG NGƯỜI DÁM BẮT ĐẦU
Nhưng không phải mọi người đều đồng ý cả đâu! Một số người Palestine quá khích phản đối Arafat, đòi cho được một nước Palestine độc lập chứ không muốn một lãnh địa tự trị trong một quốc gia Do Thái. Còn một số người Do Thái cực đoan đã định cư trong những vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Palestine thì lại cho rằng như vậy là Barak phản bội, đem đất tổ tiên dâng hiến cho dân ngoại, và dám thả những tên tội phạm khủng bố mà tay còn vấy máu…
Thủ tướng Yitzhak Rabin trước đây mấy năm đã bị ám sát chết cũng vì những chủ trương hòa hoãn mà một số phần tử quá khích không chấp nhận. Ai cũng ca tụng người Do Thái đoàn kết một lòng, nhưng ngay cả bây giờ vẫn còn những nhóm Do Thái cực đoan không chịu đi lính, người Do Thái hồi hương từ Nga hay Phi Châu khó hòa đồng được với lối sống của đám người Do Thái từ Mỹ hay Tây Âu về. Vậy mà nước họ cứ tiến tới, nhờ vào những nhóm người quả cảm, kiên tâm, nhìn rõ thực tế, có lý tưởng và có hậu thuẫn rộng. Miễn là dám bắt đầu làm một cái gì cho đất nước mình, cho dù bất cứ trở ngại nào. Đây cũng là bài học đoàn kết của người Do Thái. Chẳng ai bắt người khác hay đoàn thể khác phải nhất trí đứng sau lưng mình, không được toại nguyện theo hậu ý của mình thì hô lên là chia rẽ. Mình phải dám bắt đầu trước đã, trong tinh thần quên mình để phục vụ công ích. Nếu có thực lực và đường lối sáng sủa, thì tự nhiên sẽ thu hút và qui tụ. Thế nên việc đào tạo những nhóm hạt nhân mới là phương thức quan trọng của người Do Thái.
NGƯỜI VIỆT ÍT BỊ ĐIÊN
Dân mình cũng giống dân Do Thái ở số phận long đong tan tác. Xây gắn lại những đổ vỡ hoang tàn là cả một cố gắng kiên nhẫn cao độ, với con tim biết thương cảm.
Một nhận xét khá rõ là tỷ lệ người Việt bị bệnh thần kinh rất thấp dù với bằng ấy đọa đầy. Có thể vì tính người mình thích sống liên hệ cộng đoàn nên có nhiều dịp bộc lộ ra được những ấm ức thay vì dồn nén. Có gì bực bội là nói toáng lên không ngờ lại là một cách giải tỏa khỏi bị điên. Chửi bằng đối mặt, chửi bằng điện thoại, chửi bằng báo chí… vậy ra cũng là một cách chữa bệnh tâm lý sao?!
Thực ra thì hay chửi bới lên án cũng đã là một dấu bị bệnh tâm lý rồi. Người bị thương tích trong đời thường biểu lộ một cách vô thức thành mặc cảm, như một trong bốn hiện tượng chính sau đây:
- Thích phô trương thành tích:
Vì mất mát quá khứ và hụt hẫng hiện tại nên dễ tìm bù trừ gỡ gạc. Kiếm thêm một chỗ đứng, kèm thêm một tước hiệu, ban phát nhiều ý kiến, thích rùm beng gây chú ý, ra như mình cũng còn có giá. Hiện tượng này thật dễ hiểu và dễ nhận ra trong những sinh hoạt chung, nhưng cũng lại là một thứ bệnh mặc cảm khó chữa. Hoạt động thì thích kêu gọi đoàn kết, nhưng lại khó tránh được những khua múa phô trương cá nhân khiến cho ít người dám tới gần.
- Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang:
Người lãnh quá nhiều đòn nên giẫy giụa la hét và đấm đá cuộc đời như kiểu “vết thù hằn trên lưng ngựa hoang.” Đây là hiện tượng giận cá băm thớt, giận chó đá mèo. Đối tượng chỉ là cái cớ để phóng rọi những vết bầm bên trong ra mà thôi. Người bị thương hận đời nên lại làm người khác bị thương, riết rồi thành cả một vòng hệ lụy nghiệt ngã thật tội nghiệp không sao thoát ra được! Người đấm kẻ đỡ hao tổn hết nghị lực không còn sức đâu mà làm gì cho ra hồn được nữa. Cả một bầu khí u ám và ô nhiễm bởi những lời phê bình chỉ trích làm mất tinh thần chung. Dễ tức giận tấn công người khác là dấu rõ nhất cho thấy một người đang bị thương nặng.
- Hay bi quan tiêu cực:
Người bị thương có thể nhìn cuộc sống đầy mây mù với cặp kính đen. Cụ Nguyễn Du đã nhận xét: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Vì thế mở miệng là chán nản chê bai, than thở ỉ ôi, làm cho cả một bầu trời sụp xuống thật thấp.
- Đóng kín muốn quên đời:
Hiện tượng này tưởng như trầm lặng mà lại nguy hiểm nhất. Vì rất dễ tiến tới tình trạng điên, hoặc sống buông thả.
TIN VUI GỬI NGƯỜI MUỐN BẮT TAY
Phong tục bắt tay phát khởi từ Âu châu. Một thời người ta gặp nhau là phải thủ thế giấu sẵn gươm giáo trong người. Đến lúc muốn chơi với nhau cởi mở thì xòe bàn tay ra chứng tỏ không cầm khí giới gì cả. Vậy là từ đó bắt tay trở thành một dấu hiệu thân thiện.
Thực ra thì dấu hiệu thân thiện phải phát khởi từ bên trong, từ việc cảm thương được niềm đau của nhau, của cả một kiếp người: tại sao con người lại có thể đầy đọa nhau tận tình như vậy?! Người Do Thái như con ngựa hoang bị vất ra khỏi chuồng ấm êm lang thang khắp thế giới, lãnh biết bao tai họa, nhất là trong những trại Tử Thần của Hitler, bây giờ nắm được mảnh đất cắm dùi như cái phao cứu mạng thì họ phải tử thủ đến cùng. Người Palestine đã định cư ở đây cả hai ngàn năm, bỗng dưng đất đai bị chiếm và bị đuổi ra khỏi nhà thành những kẻ vô tổ quốc, thì thử hỏi làm sao không cố thủ đến chết được. Bây giờ cả hai đã thấm đòn, đã cùng thấy được vòng hệ lụy không lối thoát, liền tìm cách bắt tay nhân nhượng cảm thông.
Chứng kiến cái vòng hệ lụy hận thù vay trả, trả vay trùng điệp, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:21-22)
PHÚT CHỮA LÀNH CHÍNH MÌNH
Đúng vậy. Chỉ khi biết tha thứ không giới hạn cho đời, cho người, và cho chính mình, thì mình mới có thể sống lành mạnh an vui được. Nhìn vào bốn hiện tượng tâm lý trên đây, mỗi người bỗng thấy chính mình cũng đang bị thương tổn một cách nào đó. Đặt mình vào trường hợp của người mình không mấy ưa thích, nhất là trong tình trạng người Việt tan cửa nát nhà, mình mới thấy thương cảm tội nghiệp thay vì thù ghét. Họ cũng là những nạn nhân trong đời. Đúng là họ cũng không hạnh phúc, hành động theo mặc cảm thành những hiện tượng, càng giẫy giụa càng lún sâu vào vũng lầy. Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34)
Trích từ tác phẩm Tiếng Sáo Ân Tình của cố Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường