Lợi tức bao nhiêu thì mới được gọi là nhà giầu? Lấy mức nào để đo cũng cả là một vấn đề. Tôi tự nhiên nhớ tới một người giầu thật, cũng đã khá lâu rồi. Khoảng năm 1956 gì đó, gia đình tôi di cư xuống Miệt Lục Tỉnh. Vào mùa nước lên, cả cánh đồng đều ngập lênh láng. Gần nhà có một gia đình người Miền Nam thật hiền lành dễ thương. Mọi người đều gọi là Bác Ba. Bác làm nghề giăng câu thả lưới với một cung cách hết sức ung dung thoải mái. Cơ nghiệp của Bác là một cái ghe nhỏ và một cái máy radio. Thời đó “máy hát” radio quí và hiếm lắm, ai mà tậu được thì bao nhiêu người xúm xít nghe nhờ. Đi giăng câu ngày nào Bác cũng phải xách theo cái máy hát. Bác thường ngồi ở đầu mũi ghe vừa giăng câu vừa chèo, và khoái chí ca theo những bài vọng cổ phát ra từ cái máy hát để ở phía sau. Yêu đời như vậy là cùng.
Một hôm mới 10g sáng đã thấy Bác chèo thuyền về nhà. Hỏi Bác sao “dzìa sớm dzậy” thì Bác trả lời ngọt xớt: “Đủ rồi!”
Ấy, câu chuyện chỉ vỏn vẹn có thế mà không ngờ lại theo tôi mãi cho tới hôm nay, về một người sống giầu có nhàn nhã theo đúng nghĩa, có thể giầu hơn cả Bill Gates nữa chưa biết chừng.
DẤU CHỈ NÀO TỪ VỤ THOMAS SOLOMON?
Nước Mỹ giầu nhất thế giới là điều ai cũng phải công nhận. Vậy mà Mẹ Teresa có lần từ xứ Ấn Độ nghèo sang Mỹ đi một vòng các thành phố liền nhận xét: “Tôi chưa thấy một nước nào trẻ con nghèo bằng trẻ con ở nước Mỹ!”
Đây không phải là câu nói mỉa, mà dựa theo thống kê đàng hoàng đấy. Trong vòng chưa đầy hai năm mà đã có tới 6 vụ bắn giết trong nhà trường Mỹ. Ngày 20 tháng 5 năm 1999, sau đúng một tháng vụ rùng rợn ở Colorado, chú bé choai choai Thomas Solomon mới 15 tuổi lại xách súng bắn xối xả vào đám học sinh của trường Heritage bên Atlanta bang Georgia. Rất may là không ai chết, chỉ có sáu người bị thương.
Cái đặc biệt lần này là Thomas Solomon là một học sinh bề ngoài rất đàng hoàng. Không băng đảng Áo Choàng Đen như Eric Harris và Dylan Klebold ở Denver; không bị nghi thuộc phe “thờ quỉ” như Luke Woodham giết mẹ và hai học sinh ở Pearl, Mississippi; không có tính ác độc thích hành hạ súc vật như Kip Kinkel ở Springfield Oregon. Trái lại, Solomon học hành được lắm, chơi thể thao giỏi, đi nhà thờ thường xuyên, và là một hướng đạo sinh gương mẫu. Nó ở với mẹ và người bố ghẻ rất giầu sang, có ngôi nhà lớn và đất rộng cả một mẫu. Vậy mà chuyện nổ súng đổ máu vẫn xẩy ra. Đây mới là điều đáng sợ, dấu chỉ cho thấy những gì băng hoại sâu xa từ phía sau, đã xuất hiện mọi nơi rồi.
ĐIỀM BÁO MỘT CUỘC PHÁ SẢN
Thomas Solomon hành động không do hận thù gì cả. Báo chí nói lại lý do vụ bắn thì thật lãng nhách: Thomas Solomon bị bồ đá đau hơn bị bò đá, nên muốn làm một màn chứng tỏ mình cũng “ngầu” (cool) vậy thôi. Con bồ là Cara Ward cũng mới 15 tuổi. Sau khi bị đá, Solomon đã báo trước cho thằng bạn là Nathanael Deeler rằng “tao muốn tự tử, tao thực không còn lý do gì để sống!”
Mới 15 tuổi đã phải có bồ, đã thấm đòn thất tình. Và cũng tuyên bố những câu tương tự như nhà triết học hiện sinh phi lí Jean Paul Sartre thuở nào về “Buồn Nôn” cuộc sống. Nó đốt giai đoạn sớm quá, đốt luôn tuổi mộng mơ, nên đời còn gì thú vị! Đúng là một ông cụ già chứ có phải một đứa trẻ hồn nhiên đang lớn đâu.
Nhà giầu đến thừa mứa mà đứa trẻ lại nghèo mới lạ. Nó không có anh em gì cả, vì cha mẹ nó bận làm ăn không có giờ săn sóc nên không dám sinh thêm. Suốt ngày đi học về là chúi đầu vào đồ chơi video. Một mình một thế giới, một đảo hoang hoàn toàn thiếu chất tình. Nó bị ném vào một nền giáo dục không hề đề cao nét lý tưởng phục vụ ai, xây dựng gì, làm đẹp cho xã hội nào, mà chỉ được (hay bị) thôi thúc ngày đêm chạy theo các kiểu quần áo thay đổi liên tu bất tận và những thèm khát của bản năng động vật tính nơi con người, mà cắt đứt chiều kích tâm linh. Nên hành động của nó có thể là một một điềm chỉ một cuộc chết đói tập thể, một cuộc phá sản tinh thần của nếp sống hiện tại. Nhân dịp tới dự lễ giỗ đầy tháng vụ Denver, tổng thống Clinton đã bày tỏ: “Điều xảy ra đã đâm thủng trái tim nước Mỹ. Lực đen đang ám nhiều người, biến thành những tên sát nhân khiến mọi người vừa tức giận vừa sợ hãi.”
TIN VUI GỬI NGƯỜI BUÔN BÁN GIỎI
Rõ ràng là nhiều người giầu mà vẫn nghèo, thừa mứa mà vẫn đói. Còn như Bác Ba trong câu chuyện trên thì thật là nghèo của mà giầu lòng. Vào thời điểm này, nhiều người đang giật mình nhận ra rằng sống hạnh phúc thì thật giản đơn, vậy mà con người gọi là văn minh lại có thể biến nó thành giá phải trả tới độ khủng khiếp và phức tạp như ngày nay! Đây chính là lúc con người khát khao tìm về sự giầu có của đời sống tâm linh, mà Tin Vui của Chúa là lời rao bán ngọc trai: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng, có người tìm gặp thì liền chôn giấu lại, rồi về vui mừng bán mọi sự mình có mà mua lấy thửa ruộng ấy” (Mt 13:44).
Kho tàng giầu có này được niềm tin Đạo Chúa chỉ cho trong mỗi thánh lễ, nơi cung cấp hai loại thức ăn trường sinh bất tử. Đó là Lời Chúa trong Kinh Thánh và Mình Thánh Chúa.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4:4).
“Ai ăn bánh này
thì sẽ sống vĩnh cửu,
thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.
Ai không ăn thì không có sức sống trong mình. Cha ông các ngươi đã ăn mà vẫn chết, ai ăn bánh này sẽ sống mãi mãi” (Gioan 6: 51, 56, 52, 58)
PHÚT TỊNH TÂM
Tôi muốn thưởng cho mình một khoảnh khắc lắng đọng, tìm về kho tàng giầu có trong nội tâm, của kho trời đang được ban tặng, với tâm tình của Tagore trong Lời Dâng:
“Xin Người rộng lượng phút giây cho tôi đến ngồi bên cạnh, việc đang làm sẽ hoàn tất sau đây.
Vắng mặt Người, lòng tôi bồn chồn thao thức, và việc làm cũng thành nặng nề bất tận trong bể nhọc nhằn vô biên.
Hôm nay hè đã lại bên song cửa, mang theo tiếng thở dài nỉ non, và trong rừng cây tươi ngập sắc hoa bầy ong đang nhởn nhơ ca hát.
Đây là lúc ngồi im lặng, đối diện với Người, lòng vô cùng trầm tĩnh, thảnh thơi cất lời ca hiến dâng cuộc sống” (#5).
Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường