TUỒNG DIỄN XONG VỚI NGUYỄN KHÁNH HÒA
Hình ảnh đám đông tới nửa triệu người nô nức với hứng khởi tột độ làm bừng nhiệt thủ đô Accra của Ghana bên Phi Châu để đón mừng cuộc viếng thăm của tổng thống Clinton, đã được mọi phương tiện truyền thông tung lên trong ngày 23 tháng 3 năm 1998. Đây là ngày đầu tiên quá thành công trong chuyến đi 12 ngày thăm các nước Phi Châu của một vị tổng thống đang gặp nhiều rắc rối kiện tụng về những chuyện lạng quạng với nhiều phụ nữ tại Mỹ như Paula Jones, Jennifer Flowers, Monica Lewinsky, Kathleen Willey…
THỜI ĐIỂM NGƯỜI MỸ SANG PHI CHÂU TÌM MỒI
Kìa, ông bà Clinton như những thần tượng thời mới, đang hãnh diện xuất hiện ở quảng trường Độc Lập trước đám đông người Phi Châu da đen đông chưa từng có. Cả hai ông bà đều mặc bộ áo màu mè kiểu Phi Châu cho được tỏ ra là người của muôn dân và muôn cõi lòng. Và ông Clinton với vẻ mặt đắc thắng đã công bố thành tích vẻ vang của ông: “Tôi đã đi thăm khắp nơi trên thế giới nhân danh dân chúng Hoa Kỳ, và tôi nghĩ tôi có thể nói hai điều mà không sợ sai lầm là: “Đám đông đón tiếp tôi hôm nay (23 tháng 3 năm 1998 tại Accra, Ghana) là đông nhất so với bất cứ nơi nào. Và suốt ngày hôm nay, tôi cũng được đón tiếp nhiệt tình nhất từ xưa tới nay”.
Dân chúng Ghana với sự thúc đẩy của tổng thống Jerry Rawlings, đã tuôn ra đầy đường từ 6 giờ sáng. Học sinh được nghỉ học, công sở đóng cửa. Mọi người chen lấn nhau đứng chờ cả bốn tiếng đồng hồ mong được trông thấy mặt ông Clinton “đấng nhân danh thần đô la mà đến”. Họ đã biến một cuộc đón tiếp một nhà chính trị trở thành một cuộc liên hoan, vượt xa cả cuộc đón tiếp tổng thống Mandela người hùng của đấu tranh giải phóng Nam Phi trước đây. Họ hào hứng đến nỗi xô đẩy về phía trước không sao có thể cản được. Bà Opoku hớn hở nói rằng: “Tôi mến ông Clinton, tôi yêu nước Mỹ”. Được hỏi tại sao lại hào hứng như vậy thì bà ta trả lời không do dự: “Vì nước Mỹ có sức mạnh hỗ trợ kinh tế cho Ghana. Khi chúng tôi thiếu thốn thì họ giúp đỡ. Tại sao lại không yêu người có khả năng giúp mình. Chúng tôi yêu nước Mỹ với cả trái tim. Chúng tôi yêu nhiều lắm. Rất tiếc là tôi không được trông thấy ông bà Clinton dù tôi đã đến đây từ sáng sớm”.
Tổng thống Clinton cũng tập nói vài tiếng Akan là tiếng thổ địa của các bộ lạc Ghana càng làm cho họ hào hứng hơn: “Dân chủ đòi hỏi nhân quyền cho mọi người, mọi nơi”. Ông đã hứa viện trợ cho Ghana và kêu gọi dân Ghana dấn thân hơn cho dân chủ và thị trường tự do. Trong những người tháp tùng ông Clinton, có mục sư người Mỹ Đen Jesse Jackson và một số dân biểu người Mỹ gốc Phi Châu. Họ có ý cho dân Phi Châu biết rằng đây là con cháu của những người nô lệ bị mua về Mỹ cách đây cả trăm năm. Họ đã từng bị xích xâu lại từng bày ở bờ biển phía Tây Phi Châu để cho những lái buôn Da Trắng đến lựa và trả giá tùy theo việc xem răng và bắp thịt, rồi chất xuống tàu chở về Mỹ để đẩy vào các nông trại mía, cam, và bông… mà cầy cuốc lao động chẳng vinh quang tí nào thay cho trâu bò. Bây giờ họ được lên cấp, được hưởng dân chủ và nhân quyền, đã thành công nhờ ánh sáng đô la, đã trở thành những vị lãnh đạo của Mỹ, vã cũng có nhiều cơ may hái ra tiền…
DẤU CHỈ TỪ MỘT CUỘC HỒ HỞI
Dù tai tiếng lạng quạng vậy mà ông Clinton vẫn thắng cử lần thứ hai mà chễm chệ trong Tòa Nhà Trắng, và sự ủng hộ của người dân nhất là các phe hô hào phóng túng vẫn lên như hỏa tiễn. Đây cũng là điềm ghi mốc cho lối nhìn và lối sống Mỹ. Mà cũng là điềm thời đại của những ngày cuối cùng của thế kỷ 20. Đang khi các nước Âu Mỹ mỏi mệt muốn đi tìm những cái lạ bên Á Phi như những vị Guru đến từ Ấn Độ cho được sống thảnh thơi hơn, thì các nước Á Phi lại hăm hở như lên cơn sốt, nhất tâm hướng vọng vị Thần Đô La cứu mạng đưa đời mình lên sáng rực như con mắt tỏa ngời ánh quang được in trên tờ một đồng tiền Mỹ. Đưa tờ một đô la ra nhìn kỹ thì thấy rõ một bên là con mắt sáng này với chữ đề: Trật Tự Mới của Trần Thế (novus ordo seclorum), một bên là hình ông Washington tổng thống đầu tiên của nước Mỹ mà cũng là một người Tam Điểm đã làm lễ nghi nhập hội mang số 4 tại đền Fredericksburg vào năm 1752. Thì ra đồng đô-la đang là trật tự mới, là tiêu chuẩn đo giá trị đời người.
Chẳng cần biết nhiều về kinh tế, ai cũng thấy mấy chục năm qua, thị trường tư bản được đóng trụ “Trật Tự Mới” ở vòng đai Thái Bình Dương. Chính vì thế mà giầy Nike được làm ở Nam Dương, xe hơi và máy móc được làm ở Nhật Bản, Đại Hàn, quần áo được may ở Đài Loan, Mã Lai, Thái Lan… Bây giờ thị trường tiêu thụ bên Đông bị ứ, số người dùng cũng có hạn, các con rồng “xồn xồn” và những con cọp tuổi “teen” đang hung hăng quẫy đuôi này bèn được để cho rụng hết răng vào cuối năm 1997. Rồi sau khi đã dàn xếp được trật tự tại vùng Vịnh Ả Rập, bây giờ thì cần phải có chợ mới với số người tập mặc quần jean và uống coca mới. Vậy là người ta sai ngay được ông tổng thống đang khốn đốn điêu đứng tứ bề thọ địch ngoan ngoãn đi Phi Châu thi hành công tác. Mà những điêu đứng này rất có thể là do những bùa phép của những bàn tay lông lá. Vậy là ông Clinton đã chẳng ngần ngại nói toạc móng heo: “Đã đến lúc đưa một Phi Châu mới vào bản đồ của chúng tôi” (It’s time to put a new Africa on our map).
TIN VUI GỬI CÁI LẦM TO THẾ KỶ
Những trang lịch của một thế kỷ đang rụng xuống. Một trăm năm con người quằn quại đi tìm giải pháp nào sống tốt đẹp hơn nhưng rồi đã chẳng phải vậy. Đập đá tranh nhau từng miếng mồi nhân danh nào là kinh tế quốc doanh, liên doanh theo kiểu xã hội chủ nghĩa, nào là kinh tế thị trường trật tự mới kiểu tư bản. Tất cả các chủ nghĩa, các cuộc đấm đá, dù thế chiến hay nội chiến, rốt cục cũng chỉ để làm chứng có một điều: người là con vật kinh tế chỉ biết tranh mồi, chôm chỉa miếng to hay miếng bé. Chả lẽ con người sinh ra ở đời này chỉ là con vật đi kiếm mồi, dù mồi steak trong nhà mấy trăm ngàn đô la hay mồi rau muối ở nhà tranh vách đất! Hitler giết sáu triệu người Do Thái cũng chỉ vì ghen ăn, vì dân Do Thái quá giỏi đã nắm hết túi tiền của Âu châu thời đó. Lenin và đám đồ đệ đứng dậy đòi giật miếng ăn từ miệng nhà giầu mà quản lý hơi kỹ và hơi lâu, giết biết bao nhiêu triệu người cho đến hôm nay, kể cả anh em ruột thịt mình, rốt cục rồi cũng tự thấy “cái lầm to thế kỷ” như kiểu nói của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Còn đám “Trật Tự Mới” có lèo lái giỏi mấy, hết vòng đai Thái Bình Dương đến vùng Vịnh Ả Rập, sang Phi Châu hay sang Tàu mở thêm chợ, rồi cũng chỉ có một cái bao tử để dồn đầy, như kiểu nói của thánh Phaolô: Chúa tể của họ là cái bụng. Chả lẽ con người sinh ra ở đời chỉ có vậy! Chả lẽ chỉ thấy mục đích đời sống là tranh nhau miếng mồi và tiếng gáy như lũ gà bới đống rác ở vườn sau nhà?! Mà rồi khi nhìn lên cây thấy mình thua cả con vật, không nhởn nhơ sung sướng bằng con chim, không tung tăng múa lượn bằng con cá dưới nước, không xinh đẹp tươi nở bằng bông hoa bên vệ đường… Và đúng là lúc con người cảm thấy nôn ọe về chính mình: sao con người lại có thể đi tới chỗ tuyệt vọng cùng quẫn đến như thế!
PHÚT TỊNH TÂM
Mà chẳng phải những người chạy theo chủ thuyết mới cảm thấy như vậy. Mỗi người đều tự thấy từ bên trong một sức gì kềm tỏa mình, sai khiến mình phải làm những điều mà khi nghĩ lại mình thực sự rùng mình. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm thấy như thế: “Tôi có thể muốn làm sự lành, nhưng tôi lại không sao thực hiện được ý muốn đó. Vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Khi tôi làm điều tôi không muốn thì không phải tôi làm, mà là tội lỗi ở trong tôi điều khiển. Như vậy tôi thấy rằng khi tôi muốn làm sự lành thì sự dữ đã hiện ra bên cạnh tôi. Trong thâm tâm tôi, tôi vốn yêu mến lề luật Chúa. Nhưng tôi lại thấy xuất hiện trong mình tôi một lề luật khác, chống đối lề luật nơi lương tâm tôi và lôi cuốn tôi sa vào cạm bẫy của tội lỗi ở trong mình tôi. Tôi thật khốn nạn. Ai sẽ cứu thoát tôi khỏi thân xác hay chết này!” (Rôma 7: 18-24)
Tình trạng này cũng giống người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong Kinh Thánh. Theo luật định thì cô ta phải bị ném đá xử tử. Đứng trước cái chết, cô ta run rẩy sợ hãi tột độ. Ai có thể cứu mình khỏi tình trạng khốn nạn này?
Chúa Giêsu đã bảo người phụ nữ sắp bị ném đá cho chết: “Thầy cũng không kết tội con. Đi đi, từ nay đừng phạm tội nữa”. Không phải tội có thể được tha một cách dễ dàng khơi khơi như vậy, mà là Chúa bằng lòng nhận chết thay cho người phạm tội đã lãnh án tử. Còn tình thương nào có thể so sánh bằng?! Thánh Phaolô cũng đã nói rõ: “Vậy khi chúng ta còn trong tình trạng vô phương cứu chữa, thì Đức Kitô đã đến đúng lúc mà chết thay cho những người tội lỗi. Hiếm có người nào dám chết thay cho người đàng hoàng. Nếu vì điều nghĩa thì có chết cũng đành. Còn Thiên Chúa thì lại chứng tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta thế này: là Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta đang khi còn tội lỗi thù nghịch với Ngài” (Roma 5: 6-11).
Tôi cũng đang giằng co bởi nhiều giải pháp, nhiều kiếm tìm. Những đồng đô la trong túi có đang là bùa hộ mệnh? Có bao giờ tôi dừng chân tự hỏi: tôi đang thực sự kiếm tìm gì cho cuộc sống của tôi? Lời thơ Nguyễn Khánh Hòa có thể cho tôi một giây phút bừng tỉnh, khi thấy tôi đang nằm trong một quan tài kết thúc một đời người:
Nằm trong quan tài bận đồ lớn nghiêm trang
Tôi vụng về như một tên hề hạng bét
Phấn son đời che da thịt tôi xám ngoét
Tuồng đã diễn xong cũng đến lúc hạ màn.
Nằm trong quan tài tôi nằm thẳng uy nghi
Tay úp lại như ôm ấp điều trọng đại
Như mọi người tôi cố giấu che thất bại
Bởi ngửa ra tôi cũng chẳng mang theo gì.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường